Tin tức Tuy Hòa - Báo Phú Yên Online

https://tintuctuyhoa.com


Úc không có ca mới sau 5 tháng, Phó Thủ tướng Canada tự cách ly

Úc bước vào ngày đầu tiên của tháng 11 với "tin vui" lần đầu tiên không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng sau gần năm tháng.
Úc không có ca mới sau 5 tháng, Phó Thủ tướng Canada tự cách ly

Úc bước vào ngày đầu tiên của tháng 11 với "tin vui" lần đầu tiên không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng sau gần năm tháng.

 

Theo Bộ trưởng Y tế Úc Minister Greg Hunt, bang Victoria, điểm nóng COVID-19 chiếm hơn 90% ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Úc, thông báo không phát hiện ca nhiễm mới và tử vong nào trong ngày thứ hai liên tiếp.

 

Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ ngày 9/5, quốc gia châu Đại Dương này không có ca mắc mới trong cộng đồng. Kể từ khi dịch bùng phát tới nay, Úc ghi nhận khoảng 27.500 ca mắc COVID-19, ít hơn nhiều so với nhiều quốc gia phát triển khác. Kết quả này có được nhờ Chính phủ Úc đã nhanh chóng đóng cửa biên giới, áp đặt giãn cách xã hội, tiến hành xét nghiệm rộng rãi và truy vết.

 

Tại Canada, Phó Thủ tướng nước này Chrystia Freeland vừa thông báo trên Twitter, cho biết sau khi nhận được thông báo từ COVID Alert (ứng dụng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19), bà đã đi xét nghiệm và hiện đang tự cách ly trong khi chờ kết quả xét nghiệm.

 

COVID Alert đã có mặt tại Canada từ cuối tháng 7/2020, là một ứng dụng miễn phí trên điện thoại thông minh để cảnh báo người sử dụng khi họ từng ở gần một người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 (với điều kiện là người mắc COVID-19 cũng cài ứng dụng và tự nguyện thông báo về việc bị nhiễm). Tính đến nay, ứng dụng COVID Alert đã có khoảng 4,9 triệu lượt tải. Alberta và British Columbia là hai tỉnh cuối cùng trên toàn quốc chưa kích hoạt ứng dụng này.

 

Người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam ngày 31/10 đã kêu gọi người dân cùng thực hiện “nỗ lực chung," tuân thủ những hướng dẫn về y tế công cộng, như thực hiện giãn cách, rửa tay, đeo khẩu trang và sử dụng ứng dụng COVID Alert để ngăn chặn đà tăng của dịch bệnh COVID-19 và giảm bớt gánh nặng cho những lao động làm việc trong lĩnh vực thiết yếu.

 

Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, nước này hiện có 234.511 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 10.136 trường hợp tử vong.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, với hơn 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong hai ngày qua, sự lo ngại đang gia tăng ở Ý về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng mới do tình trạng quá tải của hệ thống y tế quốc gia.

 

Bộ Y tế Ý ngày 31/10 cho biết trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm mới ở nước này đã tăng lên mức kỷ lục 31.758 trường hợp cùng với 297 ca tử vong. Đây là mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19 và cao hơn so với 31.084 ca của ngày 30/10. Tính đến nay, Ý đã ghi nhận tới 679.430 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 38.618 ca tử vong.

 

Những số liệu đáng báo động nói trên đang làm dấy lên những tranh cãi ở Ý về việc liệu nước này có nên tái thắt chặt các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm làm chậm lại làn sóng dịch COVID-19 thứ hai hay không.

 

Một số nhà khoa học cho rằng chính phủ không nên do dự trong bối cảnh số ca nhiễm mới đã vượt quá 31.000 ca/ngày. Viện trưởng Viện Y tế cao cấp Ý Silvio Brusaferro cho biết tình hình đang trở nên tồi tệ trên khắp cả nước và số người bị mắc COVID-19 phải nhập viện để điều trị tích cực đang tăng cao.

 

Ông Domenico Arcuri, quan chức phụ trách đặc biệt vấn đề khẩn cấp dịch COVID-19 của Chính phủ Ý, thừa nhận vấn đề lo ngại là số lượng bệnh nhân nhập viện do COVID-19 tăng cao, hiện đã lên đến gần 17.000 người. Ông Domenico Arcuri cũng kêu gọi người dân hạn chế đi lại đồng thời cảnh báo các bệnh viện đang bắt đầu đối mặt với sức ép liên quan đến dịch COVID-19. Tuy nhiên, Ý vẫn chưa vấp phải “những vấn đề thực sự” liên quan đến năng lực của các đơn vị điều trị tích cực trong bệnh viện. Có chăng hiện chỉ mới xảy ra tình trạng quá đông người dân phải nhập viện.

 

Trong khi đó, nhật báo Corriere della Sera ngày 31/10 đưa tin Chính phủ Ý có thể sớm áp đặt lệnh phong tỏa đối với những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Viện dẫn sức ép đối với Thủ tướng Giuseppe Conte đang gia tăng do sự bùng phát mạnh số ca nhiễm mới, tờ báo cho rằng Ý có thể bổ sung thêm các biện pháp hạn chế khác, chẳng hạn như cấm đi lại giữa các vùng “trong những giờ tới.’. Các thành phố như Milan, Naples, Bologna, Turin và Rome nằm trong số những thành phố có thể bị áp đặt lệnh phong tỏa như vậy.

 

Chính phủ Bồ Đào Nha ngày 31/10 đã công bố lệnh phong tỏa mới kể từ ngày 4/11 đối với phần lớn đất nước, yêu cầu người dân ở nhà, ngoại trừ trường hợp ra ngoài vì lý do công việc, đi học hoặc mua sắm, đồng thời đề nghị các công ty chuyển sang chế độ làm việc từ xa. Thủ tướng Antonio Costa cho biết các biện pháp hạn chế mới sẽ bao trùm 121 thành phố, trong đó có các khu vực Lisbon và Porto. Những khu vực bị ảnh hưởng chiếm khoảng 70% trong 10 triệu dân Bồ Đào Nha.

 

Chính phủ Áo cùng ngày đã công bố lệnh phong tỏa trên quy mô lớn lần thứ 2 và lệnh giới nghiêm bắt đầu từ tuần tới cho đến cuối tháng 11 nhằm nỗ lực hạn chế số ca mắc COVID-19 đang gia tăng đột biến ở quốc gia Trung Âu này.

 

Phát biểu tại một buổi họp báo, Thủ tướng Sebastian Kurz nêu rõ: “Kể từ nửa đêm 3/11 đến cuối tháng 11, Áo sẽ áp đặt lệnh phong tỏa thứ 2. Tất cả mọi sự kiện sẽ đều không được phép tổ chức. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực thể thao, văn hóa và giải trí. Các khách sạn sẽ phải đóng cửa, ngoại trừ phục vụ hoạt động đi lại vì lý do công việc. Chúng ta cũng phải đóng cửa các nhà hàng và quán càphê, ngoại trừ các dịch vụ giao hàng và mang đồ ăn uống về nhà”.

 

Bên cạnh đó, Áo cũng áp đặt lệnh giới nghiêm từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau (theo giờ địa phương). Tuy vậy, không giống như lệnh phong tỏa lần thứ nhất hồi mùa Xuân, các cửa hàng vẫn sẽ được phép tiếp tục mở cửa.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp