Trong lĩnh vực kinh tế, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành Thương nghiệp, Lương thực thực hiện tự do lưu thông buôn bán, phát triển kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt các hộ sản xuất và kinh doanh nhỏ, lẻ được khuyến khích. Chủ trương này đã chấm dứt tình trạng ngăn sông cấm chợ trong lĩnh vực phân phối lưu thông, mở rộng thị trường, tạo sự ổn định về giá cả, làm phong phú thêm nhiều mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân. Sự đổi mới trong lĩnh vực thương nghiệp và lương thực đã tạo sự phấn khởi trong cán bộ, nhân dân. Chủ trương tự do kinh doanh đã tạo điều kiện cho các công ty kinh doanh trong tỉnh mở rộng thị trường hoạt động cả trong nội địa và xuất khẩu. Hàng loạt chi nhánh các công ty được mở ra ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… phát huy mặt tích cực, năng động trong cách làm của tỉnh.
UBND tỉnh đã ban hành các quyết định khuyến khích sản xuất nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhờ đó sản lượng lương thực tăng trung bình hàng năm 3-5%, chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng 5%, trồng và bảo vệ rừng tăng 6%, nuôi trồng thủy sản tăng 15-20%. Các ngành tiểu thủ công nghiệp được khôi phục tạo ra nhiều việc làm mới cho hàng ngàn lao động mỗi năm. Quyết định của UBND tỉnh về việc xây dựng Nhà máy đường Tuy Hòa có công suất 1.200 tấn mía/ngày và Nhà máy đường Đồng Xuân có công suất 200 tấn mía/ngày, đồng thời quy hoạch vùng trồng nguyên liệu mía để cung cấp cho hai nhà máy hoạt động đã bước đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phú Yên.
Hướng hoạt động kinh tế sang xuất khẩu, UBND tỉnh đầu tư thiết bị mới hai nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh tại Tuy An và Tuy Hòa. Hệ thống điện lưới quốc gia được UBND tỉnh phối hợp với ngành Điện lực triển khai dự án Đường dây 110KV từ Nha Trang - Tuy Hòa cũng như hệ thống đường dây cao thế 35KV đi các huyện trong tỉnh. Trong số các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỉnh chú trọng việc tu sửa lớn hệ thống thủy nông Đồng Cam, đập Đá Vải, đập Tam Giang, xây dựng công trình hồ chứa nước Phú Xuân.
Sau thời gian ổn định và triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trước mắt và đảm bảo thực hiện kế hoạch 5 năm 1991-1995, UBND tỉnh chủ trì soạn thảo định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, đồng thời chuẩn bị các dữ liệu có cơ sở để xem xét bổ sung quy hoạch tổng thể việc phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010. UBND tỉnh còn tổ chức thảo luận lấy ý kiến rộng rãi việc quy hoạch, mở rộng TX Tuy Hòa và thị trấn các huyện, đưa những đầu mối này trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tỉnh đặc biệt chăm lo đầu tư xây dựng mới một số cơ sở như thành lập Cơ sở cao đẳng tại Trường Sư phạm Phú Yên, Trường trung học Y tế Phú Yên, hợp tác với Trường đại học Đà Lạt mở lớp đại học mở rộng ngành Ngoại ngữ tại Cơ sở cao đẳng Sư phạm Phú Yên, xây dựng Trường trung học chuyên Lương Văn Chánh… UBND tỉnh giao cho ngành Giáo dục quản lý toàn bộ nguồn kinh phí đầu tư phát triển giáo dục trên cơ sở giám sát, kiểm tra của các ban ngành và HĐND tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo thành lập 3 trường bán công dân lập, 4 trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, 2 cơ sở dạy trẻ khuyết tật, mồ côi, 2 trường dân tộc nội trú. Chất lượng dạy học ngày càng tiến bộ. Năm học 1993-1994 có 19 học sinh giỏi đạt giải quốc gia và 36 học sinh giỏi cấp tỉnh.
Trong lĩnh vực văn hóa, tỉnh chú trọng phát triển các hoạt động văn hóa quần chúng, xây dựng đội văn hóa thông tin lưu động ở các huyện, thị. Đoàn hát Sao Biển được đầu tư xây dựng thành đoàn nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp. Nhà văn hóa Diên Hồng được xây dựng thành Nhà Văn hóa trung tâm của tỉnh. Trong nhiệm kỳ 1989-1994, UBND tỉnh chỉ đạo ngành văn hóa làm nổi bật 2 sự kiện văn hóa lớn của tỉnh là đăng cai Hội thi Thông tin cơ sở các tỉnh phía Nam và sưu tầm, thẩm định, công bố bộ đàn đá Tuy An gây được sự chú ý trong phạm vi cả nước.
Ngư dân phường 6 tiên phong tổ chức đánh bắt cá ngừ đại dương năm 1994 - Ảnh: MINH KÝ |
Thực hiện chính sách thương binh xã hội và người có công với nước, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Thương binh xã hội tiến hành nhiều đợt quy tập mồ mả liệt sĩ, sửa sang các nghĩa trang, đặc biệt quy hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác thành nghĩa trang có quy mô cấp tỉnh. Năm 1990, tỉnh tiến hành đợt đầu tuyên dương Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong toàn tỉnh tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng Phú Yên và giải phóng hoàn toàn miền Nam. Về chế độ tiền lương, mặc dù ngân sách bị hạn chế, UBND tỉnh vẫn chỉ đạo chi trả lương, phụ cấp cho các đối tượng chính sách hưởng lương, kể cả đáp ứng cho ngành Giáo dục thanh toán toàn bộ khoản nợ lương giáo viên từ thời tỉnh Phú Khánh tồn đọng.
Năm 1993, tỉnh Phú Yên liên tiếp bị 2 trận thiên tai lụt và bão tàn phá nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng về thủy lợi và giao thông trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, tổn thất lớn về cả người, tài sản của nhân dân và của Nhà nước. Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa II (ngày 21/10/1993), HĐND tỉnh đã có Nghị quyết về tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân. Thực hiện nghị quyết HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo việc khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân, vượt qua khó khăn tiếp tục đi lên.
Trong những năm 1989-1991, tình hình thế giới chuyển biến phức tạp với sự sụp đổ CNXH ở Đông Âu và Liên Xô, các thế lực thù địch chống CNXH tìm mọi cách gây rối tình hình trị an ở nước ta. Trước tình hình đó, công tác an ninh - quốc phòng được UBND tỉnh chú trọng tăng cường, nhằm đảm bảo an toàn trật tự trị an cũng như làm tốt việc phòng thủ, sẵn sàng dập tắt âm mưu gây bạo loạn, chống phá công cuộc đổi mới đang diễn ra trên phạm vi tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên có lịch làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng để giải quyết nhiều vấn đề như: đầu tư xây dựng cơ sở vật chất từ cơ quan làm việc đến trang bị phương tiện hoạt động, các công trình phòng thủ; tham gia chủ trì các cuộc diễn tập quân sự chống bạo loạn và hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt kế hoạch tuyển quân hàng năm, bổ sung quân cho các lực lượng vũ trang tỉnh.
Lực lượng vũ trang và công an nhân dân trong tỉnh đã thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ, là lực lượng chính để làm tốt công tác an ninh - quốc phòng trong thời gian đầu mới tái lập tỉnh.
Trong hoạt động nội chính, UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh tiến hành các chương tình phối hợp trong hoạt động thanh kiểm tra trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh. Nhờ đó đã góp phần cùng Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân điều tra, tuy tố, xét xử một số vụ án có tác dụng giáo dục răn đe, trừng trị đúng người đúng tội, bảo vệ kỷ cương pháp luật nhà nước. Tuy nhiên, cũng còn một số vụ việc chưa được người dân đồng tình.
UBND tỉnh đã chủ động phối hợp với MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội để huy động mọi lực lượng, sức mạnh của quần chúng thực hiện các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và an ninh - quốc phòng. Nhờ đó, khối Mặt trận - Dân vận, các hội, đoàn thể cấp tỉnh luôn gắn bó và có chương trình công tác cụ thể để giáo dục, động viên hội viên tích cực tham gia thực hiện các quyết định của chính quyền đề ra. Việc lắng nghe ý kiến, kịp thời giải quyết yêu cầu chính đáng phát sinh từ quần chúng nhân dân, nên khối đại đoàn kết toàn dân trong tỉnh luôn được đảm bảo tăng cường và là lực lượng hậu thuẫn mạnh của chính quyền để biến các chủ trương, kế hoạch, chỉ tiêu công tác đề ra thành hành động, kết quả thiết thực. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế, chăm lo các vấn đề văn hóa, xã hội và tăng cường an ninh - quốc phòng của tỉnh nhà.
Việc chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh trong nhiệm kỳ 1989-1994 đã đạt được những kết quả đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, hoàn thiện dần và đi vào ổn định, lề lối làm việc, hoạt động của các ban ngành đi dần vào nề nếp. Nét nổi bật là dưới sự điều hành của UBND tỉnh, sản xuất phát triển, có kết dư và tích lũy ngân sách, đời sống nhân dân ổn định, tỉnh nhà vượt qua nhiều khó khăn để bước vào thời kỳ phát triển mới.
Trong hoàn cảnh là tỉnh mới tái lập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng UBND tỉnh đã biết lựa chọn giải quyết các chính sách ưu tiên phát triển về y tế, giáo dục và các vấn đề xã hội khác, tạo bầu không khí lành mạnh, phấn khởi, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân. UBND tỉnh đã kết hợp việc điều hành xử lý công việc cấp bách trước mắt, vừa chú trọng những việc dài hạn như quy hoạch, xây dựng nền móng của cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ… Nhờ đó, tỉnh có điều kiện liên tục phát triển trong sự kế thừa có tính định hướng, không chấp vá, bị động.
Ưu điểm lớn của UBND tỉnh nhiệm kỳ 1989-1994 là đã ban hành quy chế làm việc và hoạt động theo quy chế, thường xuyên dành nhiều thời gian đi xuống cơ sở để giải quyết khó khăn vướng mắc nảy sinh ở các địa phương. UBND tỉnh cũng đã phối hợp chỉ đạo thường xuyên công tác đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu, lãng phí, thực hành tiết kiệm và đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội.
PHAN THANH - ĐÀO NHẬT KIM