Hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 1994-1999

Thứ năm - 07/03/2019 15:41
Ngày 20/11/1994, cử tri Phú Yên đi bầu cử HĐND tỉnh khóa III. Tổng số cử tri cả tỉnh đi bầu cử đạt tỉ lệ 99,33%. Kết quả có 44 ứng viên trúng cử đại biểu HĐND tỉnh.
Hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 1994-1999

Ngày 20/11/1994, cử tri Phú Yên đi bầu cử HĐND tỉnh khóa III. Tổng số cử tri cả tỉnh đi bầu cử đạt tỉ lệ 99,33%. Kết quả có 44 ứng viên trúng cử đại biểu HĐND tỉnh.

 

Tại kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh khóa III nhiệm kỳ 1994-1999 (từ ngày 16-17/12/1994), HĐND tỉnh đã bầu Thường trực HĐND gồm các đồng chí Lương Công Đoan, Chủ tịch HĐND và Ngô Văn Chính, Phó Chủ tịch HĐND. HĐND bầu các ban của HĐND.

 

Ban Kinh tế và Ngân sách có 9 người do ông Lê Tỷ Khởi làm trưởng ban; Ban Pháp chế có 8 người do ông Phạm Ưng làm trưởng ban; Ban Văn hóa - Xã hội có 8 người do ông Nguyễn Hoàng Hạnh làm trưởng ban. Cuối năm 1998, đồng chí Lương Công Đoan bệnh nặng qua đời, theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Ngô Văn Chính được thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐND cho đến cuối nhiệm kỳ.

 

HĐND tỉnh nhiệm kỳ 1994-1999 tiến hành 12 kỳ họp và có những quyết định quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tạo sự ổn định về an ninh chính trị trong cả nhiệm kỳ.

 

Trong nhiệm kỳ 1994-1999, HĐND tỉnh thông qua 38 nghị quyết, trong đó 5 nghị quyết quyết định các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 4 nghị quyết các biện pháp tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giữa năm; 1 nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1996-2000); 11 nghị quyết quyết định các lĩnh vực về ngân sách; 7 nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế và đảm bảo xã hội; 9 nghị quyết cho thôi và xác nhận kết quả bầu cử chức danh; 2 nghị quyết về chia tách các đơn vị hành chính.

 

Nghị quyết thông qua tại các kỳ họp HĐND tỉnh được UBND tỉnh, các ngành, các cấp triển khai thực hiện đem lại sự thay đổi to lớn trong kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Bên cạnh các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1996-2000).

 

Một số nghị quyết chuyên đề như: giải quyết việc làm; giao đất ở cho hộ gia đình ở thị xã, thị trấn; quy định các khoản thu, mức phí, lệ phí; bán nhà thuộc sở hữu nhà nước; phụ cấp trưởng thôn, buôn, khu phố; quy định mức hoạt động phí cho cán bộ Mặt trận, các đoàn thể, xã đội phó, trưởng công an xã… đã giải quyết những nhu cầu thiết yếu của nhân dân, giải quyết thực tiễn đòi hỏi ở cấp cơ sở, góp phần nâng cao đời sống các tầng lớp xã hội, giữ vững sự ổn định tình hình chính trị và được nhân dân nhiệt tình ủng hộ.

 

Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng còn có những vấn đề quan trọng mà cuộc sống đòi hỏi nhưng chưa được HĐND tỉnh đưa ra quyết định kịp thời; có những nội dung đã được họp bàn và quyết định, nhưng do việc tổ chức thực hiện của cơ quan điều hành chưa đáp ứng nên kết quả thực hiện chưa đạt theo yêu cầu đề ra.

 

Đồng chí Ngô Văn Chính, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quyền Chủ tịch HĐND tỉnh năm 1998-1999 (ảnh trái) và đồng chí Lương Công Đoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên (12/1994-1998) (ảnh phải) - Ảnh: MINH KÝ

 

Việc tiếp xúc cử tri và tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân được HĐND tiến hành thường xuyên. Những kiến nghị của cử tri được đại biểu HĐND trực tiếp trả lời. Phần lớn ý kiến, nguyện vọng của nhân dân tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, thi hành pháp luật, chống tham nhũng, tiêu cực… Các ý kiến, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri được tổng hợp đầy đủ, báo cáo tại kỳ họp HĐND, đồng thời các ý kiến trước kỳ họp được chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết, trả lời bằng văn bản tại kỳ họp.

 

Công tác kiểm tra, giám sát được HĐND tỉnh thực hiện thông qua đại biểu HĐND, thường trực HĐND và các ban của HĐND tỉnh, tập trung vào 3 lĩnh vực cơ bản: kinh tế, văn hóa xã hội và thực thi pháp luật. Trong lĩnh vực kinh tế, hoạt động giám sát tập trung về việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông - lâm - ngư nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, xây dựng nông thôn; về giao quyền sử dụng đất, đổi mới hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và đổi mới hệ thống chính trị cơ sở nông thôn; về tình hình phát triển của ngành công nghiệp gắn với việc sắp xếp và tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước; việc phân bổ thu chi ngân sách nhà nước hàng năm; về thực hiện nhiệm vụ đầu tư cơ bản và cơ chế quản lý đối với lĩnh vực này…

 

Về lĩnh vực văn hóa xã hội, tập trung giám sát ở những lĩnh vực quan trọng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia được Nhà nước ưu tiên cho miền núi và vùng biển, công tác xóa đói giảm nghèo; việc khám và chữa bệnh ở các trung tâm y tế và bệnh viện; công tác xã hội hóa giáo dục; việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…

 

Về lĩnh vực pháp chế, nội dung giám sát tập trung vào việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, về truy tố, xét xử, thi hành án; về thực hiện các nghị định, nghị quyết của Chính phủ như chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy; Luật Đất đai; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; đặc biệt là những vấn đề nổi cộm khiếu kiện về đất đai; tình hình bảo vệ rừng; việc chấp hành pháp luật trong các trường học.

 

Thông qua công tác giám sát, kiểm tra của Thường trực HĐND và các ban HĐND, nhiều kiến nghị đã được UBND, các ngành, các cấp triển khai thực hiện, có những kiến nghị giúp cho lãnh đạo công việc sát hơn.

Trong mối quan hệ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban MTTQ tỉnh và HĐND cấp dưới, HĐND tỉnh đã thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.

 

Với Ủy ban MTTQ tỉnh, HĐND tỉnh thường xuyên liên hệ, phối hợp để lắng nghe các ý kiến của Mặt trận trong lĩnh vực xây dựng chính quyền, giám sát đại biểu HĐND, việc tổ chức tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến nhân dân.

 

HĐND tỉnh thường xuyên hướng dẫn hoạt động HĐND cấp huyện, thị xã trong việc tổ chức kỳ họp, trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, trong công tác giám sát; mời đại biểu HĐND các huyện, thị xã tham gia góp ý các dự án Bộ luật Dân sự, dự án Luật Ngân sách nhà nước, Luật Tài nguyên nước, Luật Khiếu nại, tố cáo, các pháp lệnh về HĐND, pháp lệnh về xử lý hành vi vi phạm hành chính, pháp lệnh người tàn tật…

 

Trong nhiệm kỳ 1994-1999, HĐND tỉnh hoàn thành cơ bản nhiệm vụ của một cơ quan đại biểu nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Các nghị quyết của HĐND đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tạo sự chuyển biến có hiệu quả đối với kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Công tác tiếp dân, xem xét giải quyết đơn thư khiếu nại có những bước tiến đáng kể, khắc phục được tình trạng đùn đẩy, kéo dài.

 

Hình thức tiếp xúc cử tri có sự đổi mới từ khâu phân bố thời gian tiếp xúc, nội dung giải trình, trả lời yêu cầu, kiến nghị. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên đến tận cơ sở, ban ngành, địa phương, nắm bắt rõ tình hình để có những kiến nghị sát thực tế với UBND, các cơ quan nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.

 

PHAN THANH - ĐÀO NHẬT KIM

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp