Hoạt động của UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 1999-2004

Thứ năm - 07/03/2019 15:41
Tại kỳ họp thứ nhất (ngày 14/12/1999), HĐND tỉnh khóa IV nhiệm kỳ 1999-2004 đã bầu ông Nguyễn Thành Quang vào chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh, bà Trần Thị Hà và các ông Nguyễn Văn Tân, Vũ Văn Thoại được bầu vào chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh
Hoạt động của UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 1999-2004

Tại kỳ họp thứ nhất (ngày 14/12/1999), HĐND tỉnh khóa IV nhiệm kỳ 1999-2004 đã bầu ông Nguyễn Thành Quang vào chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh, bà Trần Thị Hà và các ông Nguyễn Văn Tân, Vũ Văn Thoại được bầu vào chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh gồm 3 ông Lương Ngọc Ái, Giám đốc Sở KH-ĐT; Đặng Phi Thưởng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và Nguyễn Tự Lực - Giám đốc Công an tỉnh.

 

Đồng chí Nguyễn Thành Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (12/1999-2/2001) và đồng chí Đào Tấn Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh (2/2001-2006) - Ảnh: MINH KÝ

 

Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIII (tháng 12/2000), ông Nguyễn Thành Quang được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên và kiêm chức Chủ tịch UBND tỉnh đến ngày 26/2/2001.

 

Sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ, Phú Yên có sự sắp xếp lại nhân sự theo yêu cầu mới. Ngày 26/2/2001, tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh, ông Đào Tấn Lộc được bầu vào chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh thay cho ông Nguyễn Thành Quang chuyển sang công tác Đảng, ông Đinh Thanh Tịnh được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Vũ Văn Thoại thôi chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh chuyển làm Bí thư Huyện ủy Tuy An. HĐND bầu bổ sung 2 ủy viên UBND tỉnh là bà Tạ Thị Bảy, Giám đốc Sở Nội vụ và ông Tạ Sơn Hùng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh.

 

Như vậy, từ ngày 26/2/2001, UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 1999-2004 có 9 thành viên gồm: 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch và 5 ủy viên.

 

Bộ máy giúp việc UBND tỉnh trong nhiệm kỳ này gồm có Văn phòng UBND tỉnh và 25 sở, ban ngành trực thuộc là: Sở NN-PTNT, Sở KH-ĐT, Sở Địa chính, Sở Tài chính Vật giá, Sở LĐ-TB-XH, Sở Y tế, Sở GT-VT, Sở Xây dựng, Sở Thương mại - Du lịch, Sở Tư pháp, Sở Thủy sản, Sở Công nghiệp, Sở KH-CN-MT, Sở VH-TT, Sở VH-TD-TT, Sở GD-ĐT, Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc - Miền núi, Ban quản lý dự án Đường Hùng Vương, Ban quản lý dự án Cảng Vũng Rô, Ban Tổ chức chính quyền, Thanh tra tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, Ủy ban DS-KHHGĐ, Ủy ban CS-BVBMTE.

 

Do yêu cầu cải cách hành chính có sự sáp nhập Ban Dân tộc - Miền núi với Ban Tôn giáo thành Ban Dân tộc - Tôn giáo; sáp nhập Ủy ban DS-KHHGĐ và Ủy ban CS-BVBMTE thành Ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em. Thành lập Sở TN-MT trên cơ sở bộ khung của Sở Địa chính và tổ chức cùng chức năng môi trường từ Sở KH-CN-MT chuyển sang; Sở KH-CN-MT đổi thành Sở KH-CN.

 

Trong thực hiện nhiệm vụ, UBND đã ban hành nhiều văn bản, chương trình hành động triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, khắc phục khó khăn, phát huy những thuận lợi, tiềm năng và nguồn lực hiện có, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, vừa khắc phục nhanh hậu quả thiên tai và giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong tỉnh đem lại nhiều thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng.

 

Dưới sự điều hành của UBND tỉnh, kinh tế Phú Yên tiếp tục phát triển ổn định và chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra đúng hướng, kinh tế hàng hóa nhiều thành phần gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng gia tăng, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tăng bình quân 10,47%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét. Tỉ trọng ngành công nghiệp, xây dựng từ mức 22,6% năm 2000 đến năm 2004 tăng lên 26,2%. Tỉ trọng các ngành dịch vụ từ mức 33,2% năm 2000 đến năm 2004 tăng lên 35%. Tỉ trọng ngành nông nghiệp giảm từ mức 44,2% năm 2000 còn 37,9% năm 2004.

 

Trong chỉ đạo công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, UBND tỉnh luôn quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ. Ngay sau khi được HĐND bầu ra, phiên họp đầu tiên của UBND tỉnh phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng chức danh, ổn định bộ máy đi vào hoạt động. UBND tỉnh phê chuẩn 38 đề án sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Luân chuyển 39 cán bộ tăng cường cho cấp dưới và cơ sở. Thực hiện chế độ giao ban địa bàn cụm, giao ban giữa chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh với thủ trưởng, giám đốc các sở ngành, tăng cường chế độ đi cơ sở, sát dân, giải quyết kịp thời những vấn đề mà cấp dưới và nhân dân yêu cầu.

 

Từ năm 1999 theo sự chỉ đạo của Trung ương thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là sắp xếp, bố trí dây chuyền, bộ máy làm việc sao cho gọn nhẹ giảm phiền hà dân, UBND tỉnh chỉ đạo làm thí điểm theo mô hình “một cửa” ở các đơn vị: Sở GT-VT, Sở Nội vụ, Ban quản lý Các khu công nghiệp, UBND TX Tuy Hòa được chọn chỉ đạo thực hiện cơ chế “một cửa” đối với các lĩnh vực: Cấp giấy phép xây dựng, cấp phép đầu tư, giao đất, thẩm định đầu tư… Kết quả bước đầu giải quyết công việc nhanh hơn, thủ tục bớt rườm rà hơn, giảm thời gian đi lại cho nhân dân. Qua rút kinh nghiệm làm thí điểm, UBND tỉnh đã triển khai đồng loạt thực hiện cơ chế “một cửa” theo Quyết định 181/2003/QĐ-TTg ngày 4/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ, ở cả ba cấp chính quyền trong tỉnh từ ngày 1/1/2004.

 

Thực hiện cơ chế khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính cho các đơn vị sở, ban ngành, Sở Tư pháp và Sở GT-VT được chọn thí điểm giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị có thu đã tạo quyền chủ động của các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt, từng bước cải thiện tăng thu nhập cho người lao động bằng các hoạt động dịch vụ.

 

Các lĩnh vực như tuyên truyền giáo dục pháp luật, làm cho toàn dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật là công việc được chỉ đạo thực hiện kiên trì và thường xuyên, đã có tác dụng tiến bộ trên nhiều lĩnh vực như chấp hành luật lệ giao thông, thi hành đất đai, trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ…

 

Bên cạnh tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh rất chú trọng công tác thanh tra, xét khiếu nại, tố cáo của công dân. Trọng tâm công tác thanh tra hướng vào các lĩnh vực tài chính, đất đai, công tác đấu thầu, thi công công trình có vốn đầu tư nước ngoài. Chế độ tiếp công dân được duy trì cố định vào ngày 28 hàng tháng, các chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh có mặt tại trụ sở tiếp công dân đối thoại, giải quyết những vấn đề mà công dân thắc mắc. Nhờ đó củng cố được lòng tin của dân với Đảng, với chính quyền.

 

Trong mối quan hệ với các cơ quan Trung ương và địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác này. Là một tỉnh còn nhiều khó khăn về nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh đã tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Năm 2003 nhân chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh, Thủ tướng Phan Văn Khải đã cho tỉnh tạm vay ngân sách Trung ương 500 tỉ đồng để đầu tư cầu Hùng Vương và cơ sở hạ tầng Nam Phú Yên. Các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc. Đối với các cơ quan Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, UBND tỉnh đã phối hợp trong việc triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, tổ chức thông báo tình hình kinh tế - xã hội cho Đoàn ĐBQH và cùng Ủy ban MTTQ tỉnh phát động các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo…

 

UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với TAND, Viện Kiểm sát nhân dân trong lĩnh vực thi hành pháp luật, thi hành án, trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Định kỳ 6 tháng 1 lần, UBND tỉnh làm việc với lãnh đạo TAND và Viện kiểm sát để cùng bàn bạc thống nhất các biện pháp thực hiện nhằm tăng cường pháp chế XHCN ở địa phương.

 

Trong quan hệ UBND cấp dưới, UBND tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước trên địa bàn. Điểm nổi bật trong mối quan hệ với UBND cấp dưới trong nhiệm kỳ 1999-2004 là UBND tỉnh đã phân cấp một số lĩnh vực cho UBND huyện giải quyết như: phân cấp quản lý cán bộ, phân cấp quản lý giáo dục, phân cấp ngân sách, phân cấp xét duyệt dự án và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn nhằm tạo điều kiện chủ động cho cấp huyện.

 

Nhiệm kỳ 1999-2004, UBND tỉnh đã triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh một cách kịp thời, đồng bộ; đã chỉ đạo, điều hành các ngành, các cấp phát triển nền kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, GDP tăng bình quân 10,47%, một số lĩnh vực mang tính đột phá như thu ngân sách, phát triển công nghiệp. Nhiều công trình có vốn đầu tư tương đối lớn trên địa bàn tỉnh được khởi công xây dựng, một số công trình đã hoàn thành và đi vào hoạt động tạo thêm thế và lực cho giai đoạn tiếp theo có đà tăng tốc.

 

Với chủ trương xây dựng đường Hùng Vương bằng cơ chế đổi lấy công trình đem lại thành công và hiệu quả lớn, tỉnh đã huy động được nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng có giá trị đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Thêm vào đó, dự án đã tạo ra quỹ đất thu được hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách của tỉnh.

 

Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về khu công nghiệp, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huy động và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học, chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, chủ trương phân cấp sớm về quản lý đầu tư xây dựng… Xây dựng và phê duyệt các chiến lược, quy hoạch như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên năm 2000-2010, tầm nhìn đến năm 2020, Chiến lược kinh tế biển, Chiến lược xây dựng miền núi, Quy hoạch phát triển sản xuất các ngành mía đường, chăn nuôi, du lịch, GT-VT… đã tạo thêm những động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

 

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục có sự phát triển đồng bộ, công tác chăm lo các đối tượng chính sách, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được thực hiện tốt. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh bước đầu cải tiến các thủ tục hành chính, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ công chức. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng được củng cố.

 

PHAN THANH BÌNH - ĐÀO NHẬT MINH

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp