Năm 1999 là năm đánh dấu 10 năm tái lập tỉnh và là năm bản lề bước sang thiên niên kỷ mới. Sau 10 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách như: thiên tai, dịch bệnh gia súc thường xuyên, giá lúa gạo hạ thấp… Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á và khu vực cũng tác động làm trầm trọng thêm khó khăn mà tỉnh phải đương đầu.
Song với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh, những vấn đề cấp bách, quan trọng của xã hội được tập trung giải quyết, đời sống của nhân dân ngày càng ổn định, có mặt được cải thiện, an ninh - quốc phòng được giữ vững, các cơ quan nhà nước ở các cấp được kiện toàn, củng cố một bước.
Tuy nhiên, Phú Yên vẫn còn là một tỉnh nghèo, ngân sách thu không đủ chi, chỉ số hấp dẫn thu hút nhà đầu tư còn thấp so với các tỉnh trong khu vực. Phải vượt qua những khó khăn, thách thức để vươn lên - đó vừa là nguyện vọng, vừa là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Trong bối cảnh vừa có những thuận lợi và khó khăn như vậy, ngày 14/11/1999, cử tri cả tỉnh đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND 3 cấp, có 45 ứng cử viên trúng cử đại biểu HĐND tỉnh.
Ngày 14/2/1999, HĐND tỉnh khóa IV nhiệm kỳ 1999-2004 họp Kỳ họp thứ nhất. Kỳ họp đã bầu Thường trực HĐND tỉnh gồm 2 ông: Đinh Thanh Đồng, Chủ tịch HĐND tỉnh và Phạm Ngọc Chi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. HĐND bầu các Ban HĐND: Ban Kinh tế và Ngân sách có 7 người do ông Bùi Sơn Hải làm Trưởng ban; Ban Văn hóa xã hội có 7 người do ông Trần Khắc Luyện làm Trưởng ban; Ban Pháp chế có 7 người do ông Phạm Đình Cự làm Trưởng ban. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng đã thông qua danh sách Hội thẩm nhân dân của Tòa án tỉnh nhiệm kỳ 1999-2004 gồm 20 người theo sự giới thiệu của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Đến Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa IV (ngày 26/2/2001), HĐND tỉnh bầu ông Nguyễn Văn Nhâm làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thay ông Phạm Ngọc Chi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuyển làm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Để giúp việc HĐND tỉnh, ngày 9/7/2002, Chủ tịch HĐND tỉnh có Quyết định 03/2002/QĐ/TrHĐND thành lập Văn phòng HĐND tỉnh. Ông Trương Công Đức được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng HĐND tỉnh.
Trong nhiệm kỳ 1999-2004, HĐND tỉnh đã tổ chức 13 kỳ họp thông qua những quyết nghị quan trọng có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hầu hết nghị quyết của HĐND tỉnh khóa IV được ban hành đều có sự kết hợp việc triển khai nghị quyết của Quốc hội, các quyết định, chỉ thị của Chính phủ, đồng thời kết hợp với việc cụ thể hóa các nghị quyết của cấp ủy Đảng, bám sát tình hình thực tế và được các ban HĐND thẩm tra trước khi trình HĐND xem xét thông qua.
Nhiều nghị quyết chuyên đề như: Phát triển giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương, hè phố, hẻm phố; xóa phòng học tạm; xóa nhà ở tạm đối với hộ nghèo chính sách, hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo đặc biệt khó khăn; giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo; xếp lương cho giáo viên mầm non dân lập; xây dựng nhà ở cho giáo viên, phổ cập THCS, phụ cấp cho học sinh THCS là con em đồng bào dân tộc thiểu số học ở trường bán trú; hỗ trợ đầu tư các thôn buôn dân tộc thiểu số chưa thuộc danh mục Chương trình 135… được triển khai thực hiện triệt để, tạo chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Trong nhiệm kỳ những vấn đề được HĐND quyết định phần lớn là phù hợp lòng dân, các nghị quyết ở các kỳ họp hầu hết được triển khai có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, xuất phát từ ý thức coi trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Nhằm kiện toàn bộ máy đi vào hoạt động có hệ thống quy củ, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết 12/2000/NQ.HĐND.K4 về việc ban hành quy chế hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 1999-2004. Với quy chế này, các đại biểu HĐND tỉnh cũng như các ban của HĐND phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc giám sát thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trụ sở HĐND tỉnh Phú Yên 2009 - Ảnh: MINH KÝ |
Với vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, HĐND tỉnh đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp để thu thập ý kiến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, thi hành pháp luật, xây dựng chính quyền, chống tham nhũng, tiêu cực, an ninh - quốc phòng… Tại các kỳ họp, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được xem xét thảo luận, nhiều nội dung được thể hiện trong các nghị quyết của kỳ họp.
Phát huy tốt chức năng giám sát, HĐND tỉnh khóa IV luôn cải tiến phương pháp và hoạt động, từng bước nâng dần chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, khảo sát. Số lượng giám sát, khảo sát của HĐND tỉnh tiến hành đều khắp cả nhiệm kỳ, năm sau nhiều hơn năm trước. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện các nghị quyết của HĐND đã thông qua tại các kỳ họp, việc thi hành pháp luật ở địa phương.
Thông qua công tác giám sát, kiểm tra của Thường trực HĐND và các ban HĐND, nhiều kiến nghị đã được UBND, các ngành, các cấp triển khai thực hiện, có những kiến nghị giúp cho lãnh đạo công việc sát hơn. Việc giám sát qua chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu tại các kỳ họp được phát huy thực hiện quyền chất vấn với người đứng đầu các cơ quan đến nhiều lĩnh vực đời sống như tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tổ chức bộ máy nhà nước, thi hành pháp luật…
Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã phát hiện nhiều vấn đề tồn đọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi như đập dâng Tân Giang Thượng, hồ Đồng Khôn, hệ thống đập Tam Giang, Trạm bơm Tây Hòa Quang hoặc kiến nghị về việc quy hoạch vùng nuôi tôm sú công nghiệp, quy hoạch thủy lợi cung cấp nước sạch cho nuôi tôm sú vùng hạ lưu sông Bàn Thạch.
Mối quan hệ giữa HĐND tỉnh với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và nhiều cơ quan hữu quan được Thường trực HĐND tỉnh xem trọng nhằm đảm bảo cho các mặt hoạt động của HĐND tỉnh được tốt hơn. Thường trực HĐND tỉnh đã giữ mối liên hệ thường xuyên với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật như phối hợp với UBND tỉnh trong việc chuẩn bị báo cáo, đề án trình HĐND tỉnh tại các kỳ họp; đôn đốc UBND tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh; giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh… Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh phối kết hợp tuyên truyền vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình trong việc tham gia xây dựng chính quyền. Đối với các hoạt động của Đoàn ĐBQH ở tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh có mối quan hệ chặt chẽ, phối hợp tham gia các đợt giám sát. Trong mối quan hệ với Thường trực HĐND cấp huyện, thị, Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên hướng dẫn hoạt động HĐND cấp huyện, thị trong việc tổ chức kỳ họp, trong công tác giám sát, cũng như tọa đàm trao đổi để nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát.
Nhiệm kỳ 1999-2004, HĐND tỉnh đã quyết định được nhiều vấn đề quan trọng ở địa phương trên các lĩnh vực về phát triển kinh tế, các mặt về đời sống, xã hội, an ninh - quốc phòng. Các nghị quyết của HĐND đã đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thông qua hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vấn đề sai trái, lệch lạc trong quá trình quản lý, điều hành một số mặt ở địa phương. Thường trực HĐND tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động của HĐND.
HĐND tỉnh nhiệm kỳ 1999-2004 đã lựa chọn những vấn đề quan trọng mà nhân dân địa phương quan tâm để xem xét, quyết định. Thường trực HĐND tỉnh có ý thức trách nhiệm trong công tác, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động với tinh thần khắc phục khó khăn vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm đã phát huy được quyền hạn của mình, do đó các nhiệm vụ được thực hiện có hiệu quả.
PHAN THANH BÌNH - ĐÀO NHẬT MINH