Thay đổi địa danh hành chính thời nhập tỉnh và tái lập tỉnh

Thứ năm - 07/03/2019 15:41
Đến ngày giải phóng (1/4/1975), chính quyền cách mạng Phú Yên có 9 đơn vị huyện, thị trực thuộc: TX Tuy Hòa và các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu, Sơn Hòa, Miền Tây, Tây Nam.
Thay đổi địa danh hành chính thời nhập tỉnh và tái lập tỉnh

Đến ngày giải phóng (1/4/1975), chính quyền cách mạng Phú Yên có 9 đơn vị huyện, thị trực thuộc: TX Tuy Hòa và các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu, Sơn Hòa, Miền Tây, Tây Nam. Toàn tỉnh có 70 xã, phường, thị trấn. Ngày 30/10/1975, Tỉnh ủy và UBND cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên quyết định sáp nhập huyện Tây Nam vào huyện Sơn Hòa; sáp nhập huyện Đồng Xuân và huyện Sông Cầu thành huyện Đồng Xuân; sáp nhập huyện Tuy Hòa 1 và huyện Tuy Hòa 2 thành huyện Tuy Hòa.

 

Ngày 3/11/1975, tỉnh Phú Yên sáp nhập với tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh.

 

Ngày 10/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 49/CP hợp nhất huyện Tuy An, huyện Đồng Xuân và các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, Phú Mỡ thành lập huyện mới Xuân An; hợp nhất huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa thành huyện Tuy Hòa. Các xã còn lại ở miền núi thuộc huyện Tây Sơn.

 

Bắc Phú Khánh (Phú Yên cũ) chỉ có ba đơn vị hành chính cấp huyện: Tuy Hòa, Xuân An, Tây Sơn. Ngày 22/9/1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 241/CP chia huyện Tuy Hòa thành hai huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa. TX Tuy Hòa gồm 6 phường nội thị và 2 xã Bình Kiến, Bình Ngọc; Nghị định 241/CP cũng chia huyện Xuân An thành hai huyện Tuy An và Đồng Xuân. Riêng các xã Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định của huyện Xuân An được nhập vào huyện Sơn Hòa. Ngày 5/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 487/HĐBT sáp nhập các xã phía bắc sông Đà Rằng thuộc huyện Tuy Hòa (Hòa Trị, Hòa An, Hòa Thắng, Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Hội) trực thuộc TX Tuy Hòa.

 

Theo Nghị định 100/HĐBT ngày 30/9/1991 của Hội đồng Bộ trưởng, ở huyện Đồng Xuân, xã Xuân Lộc được chia thành 3 xã: Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Hải; xã Xuân Cảnh chia thành 2 xã Xuân Cảnh và Xuân Hòa; xã Xuân Thọ chia thành 2 xã Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2; xã Xuân Sơn được chia thành 2 xã Xuân Sơn Nam và Xuân Sơn Bắc; xã Xuân Quang được chia thành 3 xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3; thành lập xã Xuân Phương gồm các thôn Lệ Uyên, Trung Trinh (TX Sông Cầu) và các thôn Dân Phú 1, Dân Phú 2, Phú Mỹ (xã Xuân Thịnh). Ở huyện Tuy An, xã An Ninh chia thành 2 xã An Ninh Đông và An Ninh Tây; xã An Chấn chia thành 2 xã An Chấn và An Phú; thành lập xã An Cư gồm các thôn Phú Tân, Phú Lương và Tân Lương được tách ra từ thị trấn Chí Thạnh. Ở huyện Tuy Hòa, xã Hòa Bình chia thành 2 xã Hòa Bình 1 và Hòa Bình 2; xã Hòa Mỹ chia thành 2 xã Hòa Mỹ Đông và Hòa Mỹ Tây; thành lập xã mới Hòa Tâm trên cơ sở hai thôn Phước Giang, Lạc Long của xã Hòa Xuân. Ở TX Tuy Hòa, xã Bình Kiến chia thành 2 xã Bình Kiến và Hòa Kiến; xã Hòa Định chia thành hai xã Hòa Định Đông và Hòa Định Tây. Ngày 19/7/1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 79/HĐBT thành lập 2 xã mới Sơn Nguyên và Sơn Giang thuộc huyện Tây Sơn.

 

Ngày 27/12/1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 179/HĐBT chia huyện Tây Sơn thành hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh. Huyện Sông Hinh (phía nam sông Ba) gồm 6 xã: Ea Bá, Ea Bia, Ea Trol, Đức Bình, Sơn Giang, Sông Hinh. Ngày 27/6/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 189/HĐBT chia huyện Đồng Xuân thành 2 huyện Đồng Xuân và Sông Cầu. Huyện Sông Cầu có thị trấn Sông Cầu và 9 xã: Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2. Cùng thời gian này, Hội đồng Bộ trưởng quyết định tách thôn Vũng Rô (xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa) nhập với thôn Đại Lãnh (xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) thành lập xã Đại Lãnh trực thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

 

Thị trấn Phú Hòa - trung tâm huyện lỵ mới Phú Hòa - Ảnh: PHƯƠNG NAM

 

Sau ngày tái lập tỉnh 1/7/1989, để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển, tỉnh Phú Yên được Chính phủ chấp thuận và có quyết định điều chỉnh địa giới hành chính một số địa phương thuộc quyền quản lý.

 

Ngày 15/11/1991, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành Nghị định 582/TCCP chia xã Đức Bình (huyện Sông Hinh) thành 2 xã Đức Bình Đông và Đức Bình Tây, chia xã Ea Bá thành xã Ea Bar và Ea Bá.

 

Ngày 23/3/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 24/CP thành lập xã Ea Lâm trực thuộc huyện Sông Hinh trên cơ sở sáp nhập 4 buôn nam sông Ba: buôn Búng, buôn Bai, buôn Gao, buôn Học (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa).

 

Quốc hội khóa IX họp từ ngày 6-30/12/1993 có nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa tại khu vực Vũng Rô - đèo Cả.

 

“Tuyến ranh giới được cắt từ đỉnh cao nhất 580-600m xuống mỏm phía nam núi Đá Đen theo kinh độ 109023’24” đông, vĩ độ 12050’28” bắc tới chân mép nước cực phía nam đảo Hòn Nưa (lúc thủy triều thấp nhất). Phía bắc thuộc huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên quản lý… Chuyển thôn Vũng Rô thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa sáp nhập vào xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên”.

 

Thi hành Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, ngày 20/1/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 26/ TTg về việc điều chỉnh địa giới hành chính hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngày 15/4/1994, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1941CP gửi lãnh đạo hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa về việc tiến hành bàn giao địa giới hành chính khu vực đèo Cả - Vũng Rô vào ngày 18/4/1994 và công việc bàn giao đã hoàn tất, đảm bảo sự đoàn kết thống nhất.

 

Ngày 27/8/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 96/CP chia xã Hòa Xuân thành 3 xã: Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Đông và Hòa Xuân Nam; chia xã Hòa Phong thành 2 xã Hòa Phong và Hòa Phú.

 

Ngày 20/10/1997, Chính phủ ban hành Nghị định 104/1997/NĐ-CP chia xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) thành 2 xã: Suối Trai và Ea Chà Rang.

 

Ngày 28/4/1999, Chính phủ ban hành Nghị định 31/1999/NĐ-CP thành lập xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa); chia phường 2 (TX Tuy Hòa) thành phường 2 và phường 8; chia phường 5 (TX Tuy Hòa) thành phường 5 và phường 7.

 

Ngày 31/1/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2002/NĐ-CP chia TX Tuy Hòa thành 2 đơn vị hành chính là TX Tuy Hòa và huyện Phú Hòa. TX Tuy Hòa có 8 phường và 3 xã Bình Ngọc, Bình Kiến và Hòa Kiến.

 

Ngày 20/8/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2003/CP thành lập xã Ea Ly (huyện Sông Hinh); chia xã Hòa Quang (huyện Phú Hòa) thành 2 xã Hòa Quang Bắc và Hòa Quang Nam; thành lập phường 9, TX Tuy Hòa (tách ra từ xã Bình Kiến).

 

Ngày 5/1/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 03/2005/NĐ-CP thành lập TP Tuy Hòa; sáp nhập thị trấn Phú Lâm (thuộc huyện Tuy Hòa) và xã An Phú (thuộc huyện Tuy An) vào TP Tuy Hòa. Sau đó có nghị định chia thị trấn Phú Lâm thành 3 phường Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông.

 

Ngày 16/5/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 62/2005/NĐ-CP chia huyện Tuy Hòa thành 2 huyện Đông Hòa và Tây Hòa. Chia xã Sơn Thành thành 2 xã Sơn Thành Đông và Sơn Thành Tây (trực thuộc huyện Tây Hòa); chia thị trấn Sông Cầu (huyện Sông Cầu) thành 2 đơn vị hành chính là thị trấn Sông Cầu và xã Xuân Lâm.

 

Ngày 27/8/2009, Chính phủ ban hành Nghị định 42/NĐ-CP thành lập TX Sông Cầu (trên cơ sở toàn bộ diện tích huyện Sông Cầu) có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 4 phường (Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân thành, Xuân Đài) và 10 xã.

 

Năm 2009 đến nay, tỉnh Phú Yên có 9 đơn vị thành phố, thị xã, huyện trực thuộc (TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh).

 

PHAN THANH

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp