Tỉnh ủy lãnh đạo phát triển văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng

Thứ năm - 07/03/2019 15:41
Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIII xác định phương hướng nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng giai đoạn 2001-2005, đó là: “Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng đời sống nhân dân.
Tỉnh ủy lãnh đạo phát triển văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng

Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIII xác định phương hướng nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng giai đoạn 2001-2005, đó là: “Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng đời sống nhân dân. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao cảnh giác và chủ động ngăn ngừa và làm thất bại âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

 

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng các huyện miền núi, đặc biệt là huyện Sông Hinh, phá vỡ âm mưu của bọn phản động, mưu toan lôi kéo, kích động bà con các dân tộc thiểu số gây rối an ninh chính trị. Lãnh đạo tỉnh chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (thạc sĩ, tiến sĩ) được chọn lựa từ đội ngũ cán bộ trong tỉnh có bằng tốt nghiệp đại học chính quy tốt nghiệp loại khá trở lên. Tỉnh ban hành Quyết định 576 và đợt 1 xét duyệt 50 CBCNV được cử đi học theo chế độ ưu đãi của tỉnh.

 

Trong 5 năm, chính sách này đã góp phần đào tạo hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh.

 

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo tiếp tục có chuyển biến về quy mô và chất lượng. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; đa dạng hóa các loại hình trường lớp, các loại hình đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và phát triển nguồn nhân lực. Giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; tỉ lệ huy động trẻ em vào lớp 1 đúng độ tuổi đạt trên 99% (chỉ tiêu 100%), phổ cập trung học cơ sở 94/106 xã, phường. Cơ sở vật chất các trường học từng bước được trang bị, nâng cấp, kiên cố hóa, nhiều trường học được xây dựng mới theo chuẩn quốc gia, đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề cho người lao động được tăng cường, tỉ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, từ 16% vào năm 2000 lên 23,5% vào năm 2005 (chỉ tiêu 22-25%).

 

Hoạt động KH-CN có tiến bộ, đã chú trọng nâng cao chất lượng các đề tài, dự án phục vụ yêu cầu sản xuất và đời sống. Trình độ công nghệ của một số ngành sản xuất, xây dựng, dịch vụ… được nâng lên và từng bước được đổi mới. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất và đời sống ngày càng nhiều; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất được đẩy mạnh.

 

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Các cơ sở y tế từng bước được đầu tư nâng cấp cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân. 100% xã, phường có trạm y tế hoạt động và được trang bị một số dụng cụ cần thiết phục vụ khám, chữa bệnh tuyến cơ sở; hơn 80% số trạm y tế có bác sĩ, 100% thôn, buôn có nhân viên y tế hoạt động. Công tác y tế dự phòng cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh; các chương trình mục tiêu y tế quốc gia đạt hiệu quả tốt, khống chế không để các dịch bệnh lớn xảy ra; cơ bản thanh toán bệnh mù lòa do đục thủy tinh thể. Đã thực hiện tốt chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, mức giảm sinh bình quân hàng năm đạt 0,53%; tỉ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,62% xuống còn 1,35% (chỉ tiêu 1,35%); tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng từ 39% giảm còn 26,9% (chỉ tiêu 22-25%); 70% trẻ em con hộ nghèo, trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được giúp về học tập và chăm sóc y tế.

 

Hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao, báo chí, phát thanh - truyền hình có bước phát triển, chất lượng hoạt động được nâng lên, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh; 74,4% số hộ gia đình, 54,2% số thôn, buôn, khu phố được công nhận gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa. Báo Phú Yên, Đài Phát thanh tỉnh được đầu tư nâng cấp, nâng cao chất lượng; Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên được đầu tư nâng cấp, phát huy hiệu quả cao. 100% xã, phường có hệ thống đài truyền thanh; phủ sóng phát thanh, truyền hình 96% địa bàn dân cư, trên 80% số hộ dân có các phương tiện nghe nhìn. Hoạt động thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh, phong trào tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 17,9% dân số.

 

Công tác giải quyết việc làm được quan tâm, đạt kết quả đáng kể, bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 2,3 vạn người (chỉ tiêu 1,7 vạn người); triển khai chương trình xuất khẩu lao động đạt kết quả bước đầu. Cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực, lực lượng lao động khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 77,1% vào năm 2000 còn 69,2%, công nghiệp - xây dựng từ 6,7% vào năm 2000 tăng lên 11,2%, dịch vụ từ 16,2% tăng lên 19,6% vào năm 2005. Đã vận dụng thực hiện có kết quả chính sách, giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo; số hộ nghèo (theo Quyết định 143) mỗi năm giảm bình quân 2%, từ 15,3% năm 2000 giảm còn 5,1% năm 2005 (theo tiêu chí mới tỉ lệ hộ nghèo còn 19,3%). Các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ chính sách đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở, cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm cho hộ nghèo (giai đoạn 1). Công tác cứu trợ xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách được quan tâm tốt hơn; vận động xây dựng các quỹ Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, Phòng chống bão lụt, Hỗ trợ đảng viên nghèo đạt kết quả. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm.

 

Về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, tỉnh chủ động triển khai các chủ trương và biện pháp tăng cường quốc phòng - an ninh theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị khóa VIII về chiến lược an ninh quốc gia, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết 09, Nghị quyết 13 của Chính phủ về chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, chương trình phòng chống ma túy, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhờ đó an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển được phát huy, phát triển rộng khắp. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố, nhất là các địa bàn trọng yếu về kinh tế, chính trị. Tiềm lực quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ của tỉnh và các địa phương được tăng cường.

 

Các lực lượng vũ trang nhân dân trong tỉnh được xây dựng theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới; chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu từng bước được nâng cao. An ninh miền núi và tuyến biển được đảm bảo; không để bọn Fulrô, Tin Lành Đề ga xâm nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 huyện miền núi tổ chức các hoạt động lôi kéo, móc nối.

 

Công tác tấn công, trấn áp các loại tội phạm, giữ gìn trật tự công cộng và giải quyết các tệ nạn xã hội đạt kết quả, trật tự an toàn giao thông có tiến bộ.

 

Tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan tư pháp được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Hiến pháp năm 1992 và các luật mới ban hành. Giáo dục pháp luật được chú trọng, pháp chế xã hội chủ nghĩa được tăng cường. Đội ngũ cán bộ tư pháp đã được đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp củng cố, kiện toàn, nhờ đó đã từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp. Công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án có chuyển biến theo hướng cải cách tư pháp, đúng pháp luật. Các khiếu kiện bức xúc, kéo dài về tư pháp được giải quyết.

 

Công tác tuyên truyền giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cho các tầng lớp nhân dân được tăng cường. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác dân vận, Mặt trận, đoàn thể, công tác dân tộc, tôn giáo được tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có tác dụng nâng cao nhận thức của nhân dân về đường lối chủ trương của Đảng, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa được củng cố, góp phần thúc đẩy phong trào hành động cách mạng ở các địa phương.

 

Các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ngày vì người nghèo” của Mặt trận các cấp và các phong trào thi đua yêu nước, sản xuất kinh doanh giỏi, lao động giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, cứu trợ xã hội, phong trào tình nguyện của các đoàn thể Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Công đoàn và Đoàn Thanh niên… tiếp tục được đẩy mạnh, đạt kết quả thiết thực, đã khơi dậy mạnh mẽ truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân và sự đồng thuận trong nhân dân.

 

Hệ thống tổ chức Mặt trận, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công đoàn, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh được củng cố, kiện toàn; chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, địa bàn dân cư. Thông qua các cuộc vận động và các hoạt động phong trào, vị trí, vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng nâng lên.

 

Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chỉ đạo thực hiện rộng rãi, nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, tác động tích cực đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các hội, đoàn thể nhân dân.

 

PHAN THANH BÌNH - ĐÀO NHẬT MINH

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp