Đi đôi với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở đồng bằng, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau ngày chia tỉnh, Phú Yên có 3/7 huyện, thị và 43 xã miền núi, chiếm 41% số xã trong tỉnh, có 10 xã khu vực III thuộc diện xã dân tộc đặc biệt khó khăn, trong đó 6 xã trong diện được đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ. Tổng diện tích tự nhiên là 3.276km2, chiếm 62% diện tích toàn tỉnh, trong đó diện tích rừng và đất rừng 220.000ha, đất nông nghiệp 94.000ha. Dân số 35.255 hộ, 183,640 khẩu, chiếm 23,2% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 20% dân số trong vùng, gồm: người Chăm: 2.762 hộ, 14.330 khẩu, phân bổ chủ yếu ở các vùng giáp ranh với người Gia Rai ở tỉnh Gia Lai, tập trung ở huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân; người Ê Đê: 2.485 hộ, 13.901 khẩu, phần lớn thuộc nhóm Mthur, sống tập trung ở huyện Sông Hinh; người Ba Na: 564 hộ, 2.835 khẩu, sống cộng cư với người Chăm ở huyện Đồng Xuân, với người Chăm và người Ê Đê ở huyện Sơn Hòa; các dân tộc Tày, Nùng, Dao… di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào 1.662 hộ, 5.181 khẩu. Đặc điểm nổi bật của việc cư trú là cộng đồng các dân tộc thiểu số Phú Yên sống cộng cư, tạo mối gắn bó liên kết giữa các tộc người.
Miền núi Phú Yên qua hai cuộc kháng chiến, nhất là hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ đã bị tàn phá hết sức nặng nề. Môi trường địa lý, cảnh quan bị hủy hoại nghiêm trọng do bom đạn và chất độc hóa học của Mỹ. Hàng ngàn đồng bào dân tộc thiểu số bị địch giam hãm trong các trại tập trung, sau giải phóng trở về làng cũ với hai bàn tay trắng. Hàng ngàn đồng bào ở vùng căn cứ bám trụ trong rừng sâu, núi cao chịu cảnh đói, đau, lạt, rách… khi quê hương được giải phóng gần như kiệt quệ. Cộng với thiên tai bão lũ, hạn hán gây thiệt hại về thủy lợi, giao thông, sản xuất nông nghiệp…
Mặc dù sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng tình hình kinh tế - xã hội miền núi trong thập niên 80 gặp rất nhiều khó khăn: đi lại bị ách tắc, thông tin liên lạc yếu kém, dân cư sống không tập trung, tình trạng du canh, du cư còn phổ biến; sản xuất nông, lâm nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên, phát rừng làm rẫy, lương thực không đủ ăn, sản xuất công nghiệp hầu như không có gì, tiểu thủ công nghiệp chỉ chiếm 5% số lao động tại địa phương; kinh tế quốc doanh chủ yếu là nông trường quốc doanh trồng cây công nghiệp và chăn nuôi, nhưng không hiệu quả; hoạt động thương nghiệp chủ yếu mua bán trao đổi hàng nông sản thực phẩm.
Hợp tác xã nông nghiệp, mua bán, tín dụng hiệu quả hoạt động kém, xã viên không gắn bó; cơ sở hạ tầng miền núi chưa có gì; 80% số người mù chữ, tình trạng bỏ học giữa chừng hoặc trong độ tuổi đi học không đến trường phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình hình dịch bệnh thường xảy ra, phổ biến là bệnh sốt rét, mê tín dị đoan phát triển; 90% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị đói giáp hạt; đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn…
Thủy điện Sông Hinh - Ảnh: MINH KÝ |
Sau khi có Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi; các chỉ thị, quyết định tiếp theo như: Chỉ thị 68TC/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 525/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 393/TTg, Quyết định 565/TTg, Quyết định 960/TTg và Quyết định 135/1998/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Phú Yên đã đề ra nhiều nội dung, biện pháp thực hiện cụ thể, phù hợp với điều kiện miền núi và vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, tạo sự chuyển biến về nhiều mặt của đời sống xã hội.
Cụ thể là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng trồng rừng đi đôi với bảo vệ rừng, mở rộng diện tích trồng các loại cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm và sản xuất lương thực đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Tổng diện tích gieo trồng trong toàn vùng lên đến 31.733ha, tăng 10.233ha so với năm 1989. Trong đó, cây mía 18.650ha, năng suất 53 tấn/ha, nhiều hộ có thu nhập từ 20-70 triệu đồng/năm từ cây mía, góp phần xóa đói giảm nghèo; lúa nước 1.801ha, tổng sản lượng lương thực 55.891 tấn, tăng 54.166 tấn, bình quân lương thực đầu người 350kg/năm. Lâm nghiệp, đến cuối năm 1999 toàn tỉnh trồng được 5.879ha rừng tập trung từ chương trình PAM, 327 và trồng trên 3 triệu cây phân tán. Trồng cây công nghiệp dài ngày: cà phê 1.080ha, tập trung ở 4 nông trường quốc doanh; 155ha tiêu và trồng thử nghiệm 45ha cây cao su tiểu điền. Chăn nuôi, đàn bò có 91.041 con, tăng 15% so với năm 1989, trong đó bò lai sin 9.572 con; đàn heo trên 32.000 con, tăng 35,9% so với năm 1989.
Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa 3 nhóm ngành: nông - lâm - công nghiệp xây dựng và dịch vụ bước đi vững chắc theo hướng công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí làm đất và thu hoạch, sản xuất vật liệu xây dựng. Hàng năm, Nhà nước đã đầu tư từ 10-15 tỉ đồng để triển khai các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội miền núi thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, điện, bưu điện, định canh định cư, xóa đói giảm nghèo… Nhiều công trình có vốn đầu tư lớn như: thủy điện Sông Hinh, hồ chứa nước Phú Xuân, 56 công trình thủy lợi được xây dựng tưới cho 3.588ha lúa… Nhờ đó, bộ mặt nông thôn miền núi đã thay đổi. Đến năm 2000, 100% số xã miền núi có ô tô đến trung tâm xã, các tuyến giao thông huyết mạch như: quốc lộ 25 (Tuy Hòa - Sơn Hòa), ĐT645 (Tuy Hòa - Ea Bá), ĐT641 (Tuy An - Đồng Xuân), ĐT642 (Triều Sơn - Sơn Định), ĐT643 (Hòa Đa - Trà Kê), ĐT644 (Sông Cầu - Xuân Lãnh), ĐT646 (Tịnh Sơn - Phước Tân), ĐT647 (Xuân Phước - Phú Mỡ), ĐT648 (Ngân Điền - Vân Hòa)… được nâng cấp sửa chữa, nhựa hóa phục vụ đi lại thuận lợi giữa miền núi và đồng bằng.
Đến cuối năm 2000, có 22/43 xã miền núi sử dụng điện lưới quốc gia; 18/43 xã có điện thoại; 100% buôn làng có trường học và mạng lưới y tế hoạt động; 3 huyện miền núi đã hoàn thành đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ. Toàn tỉnh có 4 trường phổ thông dân tộc nội trú và hơn 100 sinh viên người dân tộc theo học các tường đại học, cao đẳng. Hiện có 30% số hộ được dùng nước sạch, 80% số hộ có nhà sàn lợp ngói, nhà xây lợp ngói hoặc tôn; 38% số hộ có xe máy và 40% hộ có ti vi. Năm 1989, vùng miền núi có 31.900 hộ đói nghèo đến nay đã giảm xuống còn 15.780 hộ, bình quân mỗi năm giảm được 4,9% số hộ nghèo. Riêng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân mỗi năm giảm được 1,9% số hộ đói nghèo, hiện số hộ dân tộc thiểu số còn đói nghèo là 4.511 hộ.
Các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống được bảo tồn, phát huy, nhiều tác phẩm văn học dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số được sưu tầm, giới thiệu.
Những thay đổi về kinh tế - xã hội đã nêu trên cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp sâu sát thực tế, kịp thời, đúng hướng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương, phù hợp với lòng dân; các tộc người sống cộng cư với nhau tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa đẩy nhanh sự phát triển của xã hội.
PHAN THANH - ĐÀO NHẬT KIM