Trước việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông, Điều phối viên của Viện Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược Indonesia (Lesperssi), chuyên gia Beni Sukadis cho rằng bất kỳ quốc gia nào đã thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đều phải tuân thủ văn kiện này.
Ông Sukadiskhẳng định việc Trung Quốc đưa nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào EEZ của Việt Nam rõ ràng là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và cần bị lên án.
Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời chuyên gia Beni Sukadis cho rằng, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận nhiều hơn tại các diễn đàn. Theo chuyên gia này, ASEAN có những nguyên tắc chuẩn mực riêng của khối, gọi là “Phương cách ASEAN”, trong đó có nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Những nguyên tắc cơ bản này cần được đề cao không chỉ giữa các nước thành viên ASEAN mà ở cả khu vực Đông Nam Á. Theo ông Sukadis, nếu một quốc gia ngoài ASEAN vi phạm lãnh thổ của một quốc gia thành viên ASEAN thì toàn bộ khối phải có nghĩa vụ tập hợp lại để thảo luận nghiêm túc về vấn đề này. Ông cũng bày tỏ hy vọng tiến trình thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt kết quả tích cực.
Trong khi đó, chuyên gia Dinna Wisnu của Đại học Quốc gia Indonesia cho rằng những gì Trung Quốc đang thực hiện ở biển Đông là "không thể chấp nhận được" và khiến các nước trong khu vực rất quan ngại. Bà Wisnu nhấn mạnh, các quốc gia trong khu vực cần có hành động mạnh mẽ hơn với Trung Quốc.
Theo bà Dinna Wisnu, cần đẩy mạnh hơn nữa các thỏa thuận song phương giữa các nước thành viên ASEAN, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, nhằm tạo sức mạnh và vị thế cho ASEAN trên các diễn đàn quốc tế.
Theo TTXVN/Vietnam+