Ngày 25/8 năm nay, BĐBP Phú Yên tròn 54 tuổi (25/8/1965- 25/8/2019). Suốt chặng đường 54 năm xây dựng, chiến đấu và rèn luyện, lực lượng BĐBP Phú Yên không ngừng lớn mạnh và trưởng thành; luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, gian khổ, gắn bó máu thịt với nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Ra đời trong bom đạn
54 năm trôi qua, những con người có mặt từ buổi đầu thành lập lực lượng, giờ hơn một nửa đã về với đất mẹ. Thế nhưng, những địa danh Suối Cối, Thồ Lồ, Phú Mỡ, Hòn Giang, Hòn Lúp; những mốc thời gian gắn với những trận đánh sinh tử, hình ảnh về những người chiến sĩ kiên trung của Đại đội An ninh vũ trang (ANVT) ngày ấy như Nguyễn Kim Vang, Lê Thị Minh Hãnh với ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ chiến sĩ hôm nay.
Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính ủy BĐBP Phú Yên, người tiếp nhận nhiều câu chuyện lịch sử của thế hệ ngày ấy cho biết, ngày 25/8/1965, Tỉnh ủy Phú Yên ra quyết định thành lập Đại đội ANVT Phú Yên lấy phiên hiệu A22, trên cơ sở lấy lực lượng từ trung đội cảnh vệ làm cán bộ khung của đại đội.
Trong đó, nhiệm vụ của Trung đội Một là bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy, bảo vệ các mục tiêu chính trị, điện đài cơ mật để đảm bảo thông tin liên lạc chỉ đạo từ Khu V với Tỉnh ủy. Trung đội Ba bảo vệ trại giam, trại binh vận. Còn Trung đội Hai làm nhiệm vụ cơ động diệt ác, phá kìm, đánh địch ở vùng tranh chấp.
Gọi là đại đội với biên chế 60 người nhưng ngày đầu chỉ trên dưới 20 đồng chí. Ra đời trong chiến tranh cách mạng, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, đối mặt với muôn vàn gian khổ, thiếu thốn giữa vùng rừng núi, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, lại thường xuyên bị địch vây ráp, càn quét, lực lượng ANVT Phú Yên đã phát động quần chúng nhân dân diệt ác, phá kìm, xây dựng trận địa bố phòng chống địch càn quét, đào hầm tránh máy bay địch, tham gia thu gom bom, mìn, đạn pháo cũ của địch để chế tạo vũ khí mới; tổ chức tăng gia sản xuất để có lương thực, thực phẩm nuôi quân.
10 năm kể từ khi thành lập đến ngày đất nước thống nhất, thành quả đáng tự hào của Đại đội ANVT Phú Yên là luôn bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan đầu não của tỉnh. Rất nhiều lần địch liên tục tổ chức các cuộc càn quét, vây ráp, phục kích vào cơ quan Tỉnh ủy và truy lùng các đồng chí thường vụ khi cơ quan đang nhóm họp, hội nghị, đại hội. Có khi hàng tháng trời bị vây ráp, mọi người chỉ ăn toàn củ mài, củ chuối hay củ hủ đát, hột đát để cầm hơi. Thế nhưng, nhờ được nhân dân hết lòng giúp đỡ, che chở và bằng sự mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, lực lượng ANVT Phú Yên đã chặn đứng nhiều trận càn của địch, bảo vệ an toàn cán bộ lãnh đạo và các mục tiêu quan trọng của tỉnh.
Giữ vững phẩm giá
Đất nước thống nhất, cuối tháng 4/1975, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã có quyết định thành lập Ban Chỉ huy ANVT Phú Yên (sau đổi thành BĐBP Phú Yên). Đồng chí Lê Đức Tân được giao giữ chức Chỉ huy trưởng, chỉ huy đoàn quân 195 chiến sĩ công an vũ trang, theo lệnh điều động tăng cường từ Vĩnh Linh vào Phú Yên, cùng lực lượng ANVT tại địa phương thành lập các đơn vị biên phòng dọc theo tuyến biển Phú Yên.
Theo đại tá Nguyễn Ngọc Minh, ở giai đoạn này, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các lãnh đạo của tỉnh, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội, gìn giữ nền hòa bình vừa mới giành được, các đơn vị BĐBP Phú Yên còn tăng cường công tác đấu tranh với các tổ chức phản động, đấu tranh chống bọn biệt kích xâm nhập và bọn tội phạm kích động nhân dân, tổ chức đưa người vượt biển.
Mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển và giữ vững an ninh chính trị trên tuyến biển của tỉnh ở giai đoạn này càng hết sức cam go. Bởi, các thế lực phản động thường dùng chiêu bài bỏ nhiều tiền, vàng ra mua chuộc, dụ dỗ cán bộ chiến sĩ. Do vậy, cùng với việc tăng cường chỉ đạo thực hiện “Bốn biện pháp nghiệp vụ”, bám nắm tình hình, bám nắm địa bàn, Ban Chỉ huy Biên phòng Phú Yên đã chú trọng quản lý cán bộ, quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng trong lực lượng.
Nhớ về thời kỳ này, ông Đoàn Anh Lự, cán bộ BĐBP Phú Yên đã nghỉ hưu, kể: “Ngày đó chúng tôi còn là những cán bộ trẻ. Cán bộ chỉ huy đồn biên phòng luôn quan tâm, dõi theo, giáo dục cán bộ, chiến sĩ trẻ nhận thức rõ mỗi việc làm, từng hành động, biết đấu tranh với bản thân, vượt qua những tác động nhất thời của hoàn cảnh để giữ gìn phẩm giá của người chiến sĩ cách mạng, xứng đáng với niềm tin yêu mà nhân dân đã gửi gắm”.
Vững vàng trước nhiệm vụ mới
Đại tá Nguyễn Văn Minh, Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên cho biết, cuối năm 1989, sau khi Phú Yên tách ra từ tỉnh Phú Khánh, BĐBP Phú Yên nhanh chóng tổ chức lại lực lượng, xây dựng đơn vị để đảm đương nhiệm vụ. Do mới tái lập nên cơ sở vật chất, trang thiết bị của BĐBP Phú Yên rất khó khăn, thiếu thốn. Có 4/8 đơn vị phải ở nhờ nhà dân hoặc ở tạm nhà kho của hợp tác xã. Sở chỉ huy đóng tại Đại đội Huấn luyện - Cơ động, biên chế tổ chức chưa đầy đủ.
“Giữa khó khăn đó, hơn lúc nào hết phương châm “gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào dân để bảo vệ biên giới” được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP Phú Yên phát huy”, đại tá Nguyễn Văn Minh khẳng định.
Cũng tròn 30 năm kể từ lúc tỉnh Phú Yên tái lập, trên từng địa bàn, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đã cùng ở, cùng làm, chia sẻ khó khăn với dân, chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh, tích cực làm cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các chính sách, tuyên truyền cho người dân hiểu biết về luật pháp, giúp nhân dân yên tâm làm ăn; làm chỗ dựa cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới biển của tỉnh trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống bão lụt, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường.
Hơn 30 năm gắn bó với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP, lão ngư Trà Chí Thu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) tâm sự: “Chứng kiến niềm vui của những anh em biên phòng mỗi khi hoàn thành một căn nhà mới xây cho người nghèo, làm xong một tuyến đường bê tông hay vận động được những suất quà, sách vở, xe đạp trao tặng cho các em nhỏ, bà con chúng tôi càng thấm thía câu nói quân dân cá nước”.
Rồi, “những mùa bão lũ, anh em dầm mình cả ngày trong gió mưa để chằng chống nhà cửa cho dân, đắp bờ bao chắn sóng vùng triều cường, kéo ghe thuyền bị sóng gió đánh chìm, ứng trực suốt đêm di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, lái ca nô vào vùng bị cô lập chia cách để cứu trợ, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho dân”, ông Thu nhớ từng chi tiết.
Nói đến BĐBP, người dân các làng biển Phú Yên không thể không nói đến lực lượng “tai, mắt”, những cánh tay nối dài. Đó là thành viên các tổ tàu thuyền an toàn. Ngư dân Huỳnh Tấn Anh ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) tâm đắc cho biết, hai mô hình tổ tàu thuyền an toàn, dòng họ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo được xây dựng từ nỗ lực vận động, kết nối của BĐBP Phú Yên. Gần 15 năm qua, với sự duy trì hoạt động, động viên của anh em BĐBP, bà con ngư dân đã gắn kết, cùng chia sẻ thông tin ngư trường, giúp nhau vượt nạn. Nhờ vậy, ngư dân thêm tự tin vươn khơi bám biển, đem về những mùa cá bội thu.
“BĐBP và cán bộ, nhân dân vùng biển luôn thương yêu, gắn kết như người thân trong gia đình. Vì thế, nhất cử nhất động của các đối tượng phạm tội trên tuyến biển không lọt qua những tai, mắt của BĐBP. Giữ niềm tin trong lòng dân, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Phú Yên đã đắp nên “thành lũy” vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”, ông Huỳnh Tấn Anh khẳng định.
Giữa khó khăn, hơn lúc nào hết phương châm “gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào dân để bảo vệ biên giới” được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP Phú Yên phát huy.
Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính ủy BĐBP Phú Yên
Giữ niềm tin trong lòng dân, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Phú Yên đã đắp nên “thành lũy” vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Ngư dân Huỳnh Tấn Anh (huyện Đông Hòa) |
PHƯƠNG OANH