Để chủ động ứng phó thiên tai, mưa bão, Ban Quản lý bảo trì đường bộ (Sở GTVT) đã triển khai công tác bảo trì trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ theo kế hoạch, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.
Các đơn vị tổ chức sửa chữa lề đường trên tuyến ĐT642, đoạn qua TX Sông Cầu. Ảnh: NAM KHÁNH |
Hoàn thành nhiều công trình
Theo Sở GTVT, ngay từ đầu tháng 9, đơn vị đã ra quân vận động người dân và các địa phương khơi thông, nạo vét các điểm tắc nghẽn rãnh dọc, các vị trí cống bị ngập úng để đảm bảo thông thoát nước; rà soát, đánh giá lại các vị trí rãnh dọc có nguy cơ bị hư hỏng, đặc biệt là các công trình cầu trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ do Sở GTVT quản lý. Trước đó, công tác bảo trì đường bộ được Sở GTVT triển khai ngay từ những tháng đầu năm, với tổng kinh phí đã giao dự toán 176,8 tỉ đồng.
Cụ thể, công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên trên các tuyến quốc lộ được ủy quyền được giao năm 2024 là 18,75 tỉ đồng; đến nay đã thực hiện được 13,7 tỉ đồng. Các đơn vị đã thi công 13 công trình sửa chữa định kỳ, với tổng kinh phí trên 94,8 tỉ đồng. Hiện phần lớn các công trình cơ bản hoàn thành; riêng công trình sửa chữa hư hỏng tại một số đoạn, tuyến trên quốc lộ 19C đang được Sở GTVT lựa chọn nhà thầu thi công.
Về công tác sửa chữa đột xuất, 6 công trình chuyển tiếp từ năm 2023 sang năm 2024 đều đã hoàn thành. Ba công trình trên các tuyến quốc lộ 19C, 25, 29 đang thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 12; 1 công trình xử lý điểm đen tại Km77, quốc lộ 19C, đoạn qua huyện Đồng Xuân đang chờ giải phóng mặt bằng để triển khai trong quý I/2025...
Đối với các tuyến tỉnh lộ, tổng kinh phí cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ năm 2024 là 15 tỉ đồng; đến nay đã thực hiện gần 11,46 tỉ đồng. Các đơn vị đã hoàn thành 4 công trình sửa chữa định kỳ chuyển tiếp từ năm 2023 sang năm 2024; 4 công trình mới năm 2024 đang được triển khai.
Trong đó, 3 công trình làm mới là cầu Bến Nhát, cầu La Hai và hệ thống ATGT đang được thi công; dự kiến hoàn thành trong tháng 12; 1 công trình bổ sung là công trình xử lý ngập úng trên tuyến ĐT642 chuẩn bị thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2025.
Không chủ quan, lơ là
Ông Đinh Đăng Viễn, Giám đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ tỉnh cho biết: Đến thời điểm này, phần lớn công trình bảo trì đường bộ đã hoàn thành, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân êm thuận, an toàn.
Tuy nhiên, tại một số đoạn, tuyến vẫn có khả năng phát sinh những vị trí hư hỏng mới, nhất là khi trời mưa kéo dài. Với những vị trí mới phát sinh hư hỏng, các đơn vị quản lý đường bộ cần xử lý trước mắt bằng các vật liệu phù hợp nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Sau khi kết thúc mưa bão, Sở GTVT sẽ kiểm tra, đánh giá và tổ chức xử lý tiếp.
Mới đây, Sở GTVT cũng đã chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư, đơn vị thi công các dự án đường bộ tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiến độ, đảm bảo ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong mùa mưa bão; yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Các nhà thầu cần lập kế hoạch thi công tổng thể, chi tiết các hạng mục, công trình theo tiến độ yêu cầu của dự án; huy động thiết bị, nhân lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công; có phương án thi công các hạng mục phù hợp với điều kiện thời tiết bất lợi…
Ông Phạm Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh: Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết, điều kiện thủy văn để có kế hoạch thi công đảm bảo an toàn cho người và thiết bị máy móc.
Đặc biệt, các đơn vị cần thường xuyên tổ chức lực lượng theo dõi các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt trượt, xói lở, sình lún để có biện pháp hạn chế, phân luồng giao thông hoặc dừng thi công, khai thác nếu nguy hiểm; tăng cường kiểm tra tình trạng công trình, hạng mục công trình có nguy cơ hư hỏng ngay trong thời gian xảy ra thiên tai, bão lũ nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường ảnh hưởng đến ATGT và an toàn công trình để có biện pháp xử lý kịp thời; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, lơ là.
Các đơn vị cần bố trí nhân lực thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình có nguy cơ hư hỏng ngay trong thời gian xảy ra thiên tai, bão lũ nhằm sớm phát hiện và xử lý các dấu hiệu bất thường ảnh hưởng đến ATGT và an toàn công trình; kiên quyết không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, lơ là.
Ông Phạm Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở GTVT |
NGÔ XUÂN