Đại tá Đinh Văn Điền, Chính ủy Hải đoàn 32, Cảnh sát biển (CSB) Vùng 3 khẳng định, là lực lượng nòng cốt, trực tiếp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ ngư dân; lực lượng CSB Việt Nam nói chung, Hải đoàn 32-CSB Vùng 3 nói riêng luôn đồng hành và sát cánh cùng ngư dân vươn khơi bám biển.
Đại tá Đinh Văn Điền cho biết: Cục CSB Việt Nam được thành lập vào ngày 28/8/1998, trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Bước ngoặt mang tính quyết định cho sự phát triển của lực lượng CSB, đó là năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 677 phê duyệt dự án Xây dựng lực lượng CSB giai đoạn 2001-2010, đồng thời Bộ Quốc phòng quyết định điều chuyển các vùng CSB từ các vùng Hải quân về trực thuộc Cục CSB.
Đại tá Đinh Văn Điền (thứ 2 từ trái sang) đến thăm, tặng hoa Ban Biên tập Báo Phú Yên nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6). |
Lực lượng chính quy, tinh nhuệ
Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 thuộc Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam là đơn vị độc lập tác chiến, quản lý và bảo vệ biển từ Cù Lao Xanh (Bình Định) tới bờ Bắc cửa Định An (Trà Vinh) và biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa.
Hải đoàn 32 trực thuộc Vùng CSB 3, được thành lập vào ngày 7/8/2014, là đơn vị nâng cấp từ Hải đội 302, đứng chân tại vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa); với căn cứ là cảng nước sâu tự nhiên hàng đầu Việt Nam, kín gió, được trang bị các tàu công suất lớn, hiện đại. Trong đó có chiếc CSB-8001 là tàu hiện đại nhất Đông Nam Á hiện nay.
Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Hải đoàn 32 là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, đảm bảo an ninh, an toàn và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Sau khi được nâng cấp từ hải đội lên hải đoàn, đơn vị đã nhanh chóng ổn định về tổ chức biên chế, cơ sở vật chất, đi vào nền nếp, xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ trọng tâm của Hải đoàn, xây dựng mối đoàn kết quân, dân…
“Từ ngày thành lập đến nay, Hải đoàn 32 đã có sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng và chiều sâu; cả về chính trị tư tưởng cũng như năng lực, tổ chức. Cán bộ chiến sĩ trong đơn vị luôn chủ động bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3; xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, khắc phục khó khăn, nhanh chóng đưa đơn vị vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu.
Không chỉ góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững an ninh trật tự, an toàn hàng hải, trấn áp và đấu tranh có hiệu quả với các loại vi phạm, tội phạm trên các vùng biển, đơn vị còn góp phần tích cực vào công tác tìm kiếm cứu nạn, đối ngoại quốc phòng, tăng cường hợp tác quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời xây dựng mối đoàn kết quân - dân, xây dựng đơn vị và địa bàn đóng quân an toàn, góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ CSB”, đại tá Đinh Văn Điền cho biết.
Đồng hành với ngư dân
Theo đại tá Đinh Văn Điền, “Đồng hành với ngư dân” là chủ trương lớn mà Bộ Tư lệnh CSB đã triển khai cho toàn lực lượng trong những năm qua. Thực hiện chủ trương này, ngày 24/5, Hải đoàn 32 phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), tổ chức tuyên truyền về biển đảo, Luật CSB và phát tờ rơi cho hơn 200 cán bộ chủ chốt của huyện. Trước đó, ngày 8/4, Hải đoàn 32 cũng phối hợp với Trường THPT Trần Quý Cáp (phường Ninh Diêm, TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) tổ chức tuyên truyền về biển, đảo và pháp luật, phát tờ rơi cho hơn 1.600 cán bộ, giáo viên, học sinh đang công tác và học tập tại trường này.
Nội dung tuyên truyền gồm: thông tin về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đường lối, quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giải pháp xử lý các tình huống trên biển; tình hình an ninh, trật tự, an toàn biển đảo trong thời gian gần đây; Luật CCS Việt Nam. Đồng thời giới thiệu những kết quả và thành tích nổi bật của CSB Việt Nam và Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 trong thời gian qua. Qua đó trang bị cho cán bộ, giáo viên và các học sinh những kiến thức cơ bản về vị trí vai trò của biển, đảo, Luật Biển Việt Nam…, nâng cao nhận thức về chủ quyền, tầm quan trọng của biển, đảo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nói về thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, đại tá Đinh Văn Điền dẫn chứng: Ngày 10/7/2018, tàu 9001 của Hải đoàn 32 đã cứu hộ tàu cá BĐ-98271, kịp thời cứu sống 9 thuyền viên đưa vào đảo Phú Quý khi tàu bắt đầu chìm sau khi bị phá nước thả trôi tự do nhiều ngày liền trong điều kiện gió cấp 6, cấp 7. Tiếp đó ngày 20/8/2018, tàu 2010 cứu hộ tàu cá QNg-98793TS bị thủng mạn, chết máy đang thả trôi tự do trong điều kiện gió cấp 6, cứu 10 thuyền viên… Hay lúc 1 giờ 30 ngày 1/2, nhận được thông tin tàu APL Vancouver, quốc tịch Singapore bị cháy trên khu vực biển cách Mũi La, Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) khoảng 4 hải lý; Bộ Tư lệnh CSB đã điều tàu 8005 thuộc Vùng CSB 3 khẩn cấp xuất phát đi cứu nạn. Do thời tiết khu vực biển tàu gặp nạn không thuận lợi, sóng gió cấp 5, 6, giật trên cấp 7 nên việc cứu nạn rất khó khăn. Không quản ngại nguy hiểm, cán bộ chiến sĩ tàu 8005 đã nhiều lần tiếp cận sát tàu bị nạn, chiến đấu với “giặc lửa” hơn 14 giờ liền, 24 thuyền viên trên tàu APL Vancouver đã được cứu nguy. “Bà con ngư dân hãy yên tâm bám biển; lực lượng CSB luôn sẵn sàng để bảo vệ ngư dân”, đại tá Đinh Văn Điền nhấn mạnh.
Theo Luật CSB Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, chính thức có hiệu lực ngày 1/7/2019: CSB Việt Nam là LLVT nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
CSB Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của CSB Việt Nam (Điều 4):
Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng.
Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam đến đơn vị cấp cơ sở.
Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển.
Dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. |
LẠC VIỆT