Giáo dục chính trị (GDCT) là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; là một nội dung không thể thiếu của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức chính trị và xây dựng bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống cho mọi quân nhân, bảo đảm cho quân đội ta luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong các tình huống.
Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về công tác này nhân hội thi Cán bộ giảng dạy chính trị năm 2020 do Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm đăng cai, đại tá Đào Ngọc Quỳ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục Hậu cần Hải quân cho biết:
- Trong thời gian tới, tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, xung đột cao. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đặt ra những yêu cầu mới, nặng nề hơn. Vì vậy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không phụ sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Quân chủng Hải quân nói chung và Cục Hậu cần Hải quân nói riêng phải không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của các cơ quan, đơn vị, trong đó lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, mà trước hết phải làm tốt công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới.
Đại tá Đào Ngọc Quỳ |
* Để các cơ quan, đơn vị Cục Hậu cần Hải quân làm tốt công tác GDCT, theo đại tá cần phải làm gì?
- Theo tôi, trước tiên cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp phải thường xuyên quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác GDCT, tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 124 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới” và đề án “Đổi mới công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới” của Bộ Quốc phòng. Mọi hoạt động của công tác GDCT phải được cấp ủy lãnh đạo chặt chẽ, chính ủy, chính trị viên chủ trì chỉ đạo, người chỉ huy và các cơ quan phối hợp điều hành.
Thứ hai, GDCT không phải là hoạt động riêng lẻ, mà là hoạt động có tổ chức; cũng không chỉ là giảng bài chính trị đơn thuần, mà là toàn bộ hoạt động tác động vào nhận thức, tư tưởng, tâm lý, tình cảm của bộ đội. Vì vậy phải luôn gắn với lãnh đạo tư tưởng, gắn với huấn luyện quân sự, gắn với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Việc soạn bài, giảng bài chính trị chỉ là một nội dung hình thức cơ bản trong rất nhiều nội dung hình thức đa dạng, phong phú của công tác GDCT. Vậy nên GDCT phải rất cụ thể, hiện nay phải thực hiện 5 chữ: dạy, kèm, lo, kết, mở.
Dạy là, như bố mẹ, ông bà dạy con cháu, anh dạy em. Đó là, dạy cho bộ đội biết đâu là đẹp, đâu là xấu, đâu là đúng sai phải trái, đâu là việc phải làm, phải tránh; dạy phải biết yêu thương đồng chí, kính trọng nhân dân; dạy biết xả thân trước quân thù; dạy bộ đội bằng chính tấm gương của mình. Đồng thời thực hiện trên dạy dưới và anh em dạy lẫn nhau.
Kèm là, gắn trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với bộ đội; cán bộ, đảng viên phải luôn gần gũi bộ đội, hiểu tâm tư, nguyện vọng. Kèm bộ đội chưa tốt, chưa nghiêm, cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Lo là chăm lo cho bộ đội, cả vật chất lẫn tinh thần. Lo cho cả gia đình của bộ đội, nhất là những đồng chí khó khăn.
Kết là kết hợp cả đơn vị, gia đình, địa phương phải cùng giáo dục bộ đội. Nếu chỉ đơn vị làm GDCT, đơn vị sẽ không hoàn thành nhiệm vụ.
Mở là cởi mở 3 áp lực (thành tích, tâm lý, công việc). Đừng bao giờ làm cho đơn vị có một bầu tâm lý nặng nề; phải triệt tiêu ngay bệnh thành tích, vì đấy là lực cản sự đi lên. Đừng làm cho bộ đội lúc nào cũng “đầu tắt mặt tối” vì nhiệm vụ mà không có thời gian vui chơi giải trí.
* Vậy mục đích chính của công tác GDCT là gì, thưa đại tá?
- GDCT suy cho cùng là tạo niềm tin vững chắc cho bộ đội, nhất là về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta. Do đó, trước triên phải làm cho bộ đội hiểu, yêu mến; có hiểu, có yêu, thì mới có niềm tin vững chắc - GDCT làm được việc đó.
Thực tế cho thấy, trong chiến tranh: Điện Biên Phủ, thành cổ Quảng Trị, địa đạo Củ Chi, chiến tranh Biên giới… bộ đội ta thương vong rất lớn, song vẫn giữ vững trận địa chiến đấu. Đó là vì bộ đội ta được rèn luyện bản lĩnh, ý chí, khao khát độc lập tự do, tin tưởng tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng; vì niềm tin độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
* Theo đại tá, làm thế nào để đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên đến bộ đội nhanh nhất, chính xác nhất; chuyển hóa thành hành động thống nhất và tích cực của bộ đội?
- Để làm được điều này, theo tôi, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị không được máy móc, thụ động, ỷ lại, chờ trên mà phải bằng mọi phương tiện có thể, tổng hợp thông tin, định hướng ngay cho bộ đội. Ở nơi nào, khi nào có điều kiện thì tổ chức giảng bài trình chiếu. Khi không có điều kiện thì triển khai tài liệu thu gọn theo dạng hỏi - đáp, hoặc in, sao bài giảng vào các băng đĩa hình. Phải kết hợp cả phương pháp truyền thống và hiện đại trong GDCT; lấy giáo dục theo hướng gợi mở để kích thích sự sáng tạo của bộ đội. Một bài giảng chính trị chỉ thực sự có sức cuốn hút khi hội đủ 4 yếu tố, đó là: phải đúng đường lối, đúng đối tượng, có tính chiến đấu và đầy ắp thông tin. Khi tuyên truyền cho bộ đội, cán bộ giảng dạy chính trị phải thể hiện được 3 yếu tố: thần, khí, sắc (ánh mắt, giọng nói, nét mặt) để cuốn hút sự chú ý của bộ đội.
Phải thực hiện ở đâu có hoạt động của bộ đội, ở đó công tác GDCT phải được làm tốt. Bộ đội không được học tập chính trị đó là lỗi của cấp ủy, mà trước hết là chính ủy, chính trị viên. Phải triệt để khắc phục bệnh thành tích, bệnh hình thức và đừng để “chân đèn không sáng”. GDCT thông qua giảng bài rất quan trọng nhưng phải kết hợp và đặc biệt quan tâm giáo dục bộ đội qua hoạt động thực tiễn và bằng phương pháp nêu gương, bởi “Một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Và phải luôn nhớ: nhận thức đúng - trách nhiệm cao - hành động giỏi. Kết quả GDCT tư tưởng không chỉ là quân số học tập, kết quả khá, giỏi bao nhiêu mà phải thể hiện ở chỗ: Bộ đội có rõ, có tin hay không? (Đó là, có thấu suốt và tin tưởng tuyệt đối chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp ủy, chỉ huy các cấp; có rõ kẻ thù, đối tượng tác chiến; rõ tình hình nhiệm vụ, chức trách được giao). Bộ đội có nghiêm không? (Chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật và bảo đảm an toàn, không làm bất cứ điều gì làm hoen ố phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới). Bộ đội có sẵn sàng không? (Sẵn sàng nhận và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì; sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh mà vẫn lạc quan, yêu đời, coi nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc là niềm vui, là việc làm đẹp nhất của người chiến sĩ Hải quân).
* Đại tá đánh giá như thế nào và có yêu cầu gì với đội ngũ cán bộ chính trị của các đơn vị thuộc Cục Hậu cần Hải quân hiện nay?
- Đội ngũ này kiêm nhiệm rất nhiều công việc và trách nhiệm thật nặng nề. Có thể nói, thời gian nghiên cứu là rất ít, nhưng không phải vì thế mà sao nhãng nhiệm vụ. Yêu cầu cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên phải có đủ phẩm chất cơ bản, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ hiện nay. Đó là: Vững vàng, sắc sảo, nhanh nhạy, chặt chẽ, chín chắn, đức độ; gần gũi, chân thành, đi trước, chia sẻ, động viên, khen thưởng kịp thời, đúng, trúng. Đồng thời phải là những đồng chí mẫu mực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; luôn xung kích đi đầu trong phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
* Xin cảm ơn đại tá!
XUÂN HIẾU (thực hiện)