Ban chỉ đạo cải cách hành chính (BCĐ CCHC), chính quyền điện tử (CQĐT) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh được thành lập, đã hỗ trợ đắc lực cho UBND tỉnh xây dựng, phát triển CQĐT hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ DTT, thành viên của BCĐ về một số vấn đề liên quan.
* Ông nhận định thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của BCĐ đối với tình hình CCHC, CQĐT và ứng dụng CNTT của Phú Yên hiện nay?
- Trước hết, tôi thấy việc đưa CCHC, CQĐT và ứng dụng CNTT vào một nhóm công việc do cùng một BCĐ triển khai là một việc hết sức đúng đắn. CQĐT và ứng dụng CNTT đương nhiên là đi liền với nhau, nhưng việc gắn với CCHC thể hiện một cách tiếp cận có ý nghĩa thực tiễn cao. Bởi đích đến của CQĐT là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp; trong đó, CCHC vừa là chủ trương vừa là thước đo đầu ra quan trọng.
Chúng ta có thể đầu tư nhiều hay ít cho CNTT, cho CQĐT nhưng nếu kết quả không là những thủ tục hành chính được cải cách, tinh giản gọn nhẹ, giảm thời gian, chi phí và tăng sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp thì có thể nói việc đầu tư cho CNTT, CQĐT đó không hiệu quả.
Ngược lại, việc lấy CCHC là mục tiêu sẽ giúp việc định hướng và định lượng CQĐT cũng như ứng dụng CNTT một cách đúng đắn, giúp đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả hơn. Đó là ý nghĩa đầu tiên của việc thành lập BCĐ này.
Bên cạnh đó, việc CCHC, CQĐT, ứng dụng CNTT trước đây vốn thuộc về văn phòng ủy ban và các sở khác nhau dẫn đến tình trạng còn khó khăn trong liên thông, tích hợp từ quy trình nghiệp vụ đến các hệ thống thông tin và dữ liệu. Việc chồng lấn lên nhau là chắc chắn, nên rất cần có một đơn vị bao quát tổng thể, đảm bảo tính đồng bộ cũng như tính khả thi của các kế hoạch đặt ra. Đây là vai trò quan trọng của BCĐ.
BCĐ còn có thế mạnh là cơ chế mềm hơn với các tổ giúp việc, điều này cũng giúp tỉnh huy động được nhiều chuyên gia trong cũng như ngoài tỉnh cùng tư duy, hoạch định công việc chung. Tôi hy vọng BCĐ sẽ phát huy tốt cơ chế các tổ công tác này.
Ông Nguyễn Thế Trung |
* Theo ông, cần đẩy mạnh thực hiện những giải pháp nào để xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử (CQĐT) của Phú Yên và ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh trong năm 2019?
- Chúng ta đều biết Văn phòng Chính phủ đang dự thảo nghị quyết mới về CPĐT, nên điều đầu tiên Phú Yên cần làm là nắm bắt và bám sát các nội dung trong dự thảo này. Qua bản dự thảo có thể thấy ngoài việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, thì Chính phủ đang có những đường hướng mạnh mẽ tạo ra nền tảng CPĐT tích hợp toàn quốc, đặc biệt trong đó tích hợp dữ liệu và tích hợp các hệ thống thông tin phục vụ người dùng cuối là ưu tiên hàng đầu. Như vậy, vấn đề đặt ra với Phú Yên đầu tiên, đó là ta cần rà soát các dữ liệu số đã có, các hệ thống thông tin đã có để qua đó hoạch định việc tích hợp phục vụ người dùng cuối.
Vừa qua, Phú Yên đã rất tích cực triển khai các hệ thống CQĐT, trong đó có thể kể tới cổng điện tử, quản lý văn bản điều hành, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống email công vụ. Khi các hệ thống này hoạt động, điều quan trọng là chúng ta cần nắm được hiện trạng người dùng, các hệ thống như vậy đã đến với người dùng chưa, những công chức nào đang sử dụng hiệu quả, ai chưa sử dụng và đặc biệt là người dân, doanh nghiệp đã sử dụng chưa, họ có hài lòng không.
Theo tôi nghĩ, Phú Yên cần có một hệ thống báo cáo về CQĐT, CCHC tổng thể và chi tiết, qua đó BCĐ có thể rà soát tư vấn lãnh đạo tỉnh đưa ra những quyết định phù hợp hơn cho giai đoạn tới. Chúng ta cũng cần suy nghĩ về tài sản thật sự của hệ thống CQĐT không nằm ở bao nhiêu máy chủ, bao nhiêu phần mềm mà phải là bao nhiêu người dùng, độ hài lòng thế nào; chúng ta có bao nhiêu dữ liệu số, khai thác thế nào để phục vụ tốt hơn, kiến tạo được nhiều hơn. Đây cũng là tinh thần của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, cuộc cách mạng dựa trên kết nối thông qua dữ liệu.
Có được kết quả rà soát rồi, việc tiếp theo tôi nghĩ tỉnh cần làm đó là đứng lùi lại một chút từ các việc đang triển khai mà nhìn về chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở các chiến lược này, tỉnh cần hoạch định, phát triển những năng lực gì ở mức độ nào.
Ví dụ như năng lực quản lý tài nguyên, năng lực quản lý quan hệ với người dùng…, để trên cơ sở đó đưa ra các mục tiêu, định hướng CCHC và CQĐT phù hợp. Lấy việc nâng cao năng lực là thước đo sẽ giúp Phú Yên đi đúng và đi nhanh không chỉ trong CQĐT mà quan trọng hơn là phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước.
Một cửa huyện Tây Hòa ứng dụng CNTT mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục cho tổ chức, cá nhân - Ảnh: PHẠM THÙY |
* Được biết, DTT là công ty CNTT đầu tiên tại Việt Nam tích hợp thành công giải pháp trên nền tảng nguồn mở theo kiến trúc tổng thể CQĐT hướng đến cung cấp mọi dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ cao nhất. Với nguồn lực mạnh mẽ như thế, là Chủ tịch HĐQT, ông có dự định hỗ trợ gì cho Phú Yên trong lĩnh vực này?
- Là đơn vị tham gia phát triển CPĐT, CQĐT, hơn 10 năm nay, DTT đã chọn phương pháp sử dụng kiến trúc tổng thể để gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách nghiệp vụ hướng theo chiến lược phát triển. Chính vì thế khi có cơ hội tham gia với Phú Yên, việc đầu tiên chúng tôi đóng góp là đưa ra những tư vấn tổng thể cách làm và lộ trình phát triển CQĐT.
Chúng tôi hiện cũng tham gia các tổ tư vấn, tổ công tác của Văn phòng Chính phủ và Bộ TT-TT trong lĩnh vực CPĐT nên cũng nắm bắt được nhiều thông tin và hy vọng sẽ giúp ích được Phú Yên trong quá trình hoạch định phát triển.
Ngoài ra, DTT đã có nhiều phiên bản tích hợp giải pháp CQĐT trên nền nguồn mở nên chúng tôi tự tin có thể đảm bảo tính khả thi trong các tư vấn mình đưa ra dựa trên các giải pháp kỹ thuật thực tế.
Tuy nhiên phải làm rõ rằng quá trình đầu tư lựa chọn đơn vị nào làm CQĐT là một quá trình khách quan, phải làm đúng luật nên việc Phú Yên chọn giải pháp nào, đơn vị nào thì cần làm đúng quy định - những việc này tôi sẽ không tham dự để đảm bảo tính khách quan.
Mặt khác, để giúp tỉnh đưa ra được những quyết định đúng đắn trong lựa chọn đầu tư, DTT sẵn sàng giới thiệu và triển khai thử nghiệm các giải pháp để tỉnh đánh giá và so sánh. Việc triển khai các giải pháp dựa trên nguồn mở cũng cho phép việc thử nghiệm dễ dàng, đặc biệt là các thử nghiệm tích hợp mang tính phức tạp cao.
Và về lâu dài các giải pháp dựa trên nguồn mở cũng đảm bảo an toàn thông tin cao hơn, tổng chi phí đầu tư thấp hơn và linh hoạt hơn. Chúng tôi hiểu việc tiết kiệm ngân sách nhà nước là quan trọng, nên với Phú Yên, chúng tôi đã đưa ra các phương án để thực hiện theo mô hình xã hội hóa, chính quyền chỉ phải đầu tư khi hiệu quả đã rõ.
* Xin cảm ơn ông!
HẢI NAM (thực hiện)