“Trong người vẫn còn mệt, nhưng tôi cố gượng dậy để đi sắc thuốc uống và lo cơm nước cho vợ. Tôi mà nằm viện thì ai trông nom nhà cửa và chăm sóc bà ấy?” - ông Lê Văn Giắng, 66 tuổi, ở thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), vừa nói vừa hướng đôi mắt rất buồn về phía chiếc giường nhỏ đặt ở góc cuối nhà.
Vợ ông, bà Ngô Thị Hanh, 61 tuổi, nằm rúm ró ở một góc giường, gương mặt phờ phạc, mệt mỏi và đầy lo âu. Ông Giắng bảo, thời trai trẻ, ông đi bộ đội, sống trong cảnh bom rơi lửa đạn nhưng chưa bao giờ sợ hãi, nao núng. Vậy mà nay nhìn vợ, lòng ông cứ se thắt lại.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1968, ông Giắng đi bộ đội ở Tiểu đoàn D14 thuộc Liên khu V đóng quân tại Phú Yên. Năm 1977, ông xuất ngũ về địa phương cùng với vợ con làm ruộng. Mặc dù là thương binh hạng 4/4 và bệnh binh hạng 3 nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của thôn, xã. Từ năm 1978, suốt 4 năm liền, ông được người dân bầu làm Trưởng thôn, Phó bí thư Chi bộ thôn Đa Ngư. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, ông Giắng xin nghỉ việc để phụ giúp vợ chăm sóc 5 đứa con. Mặc dù cuộc sống còn túng thiếu, hai vợ chồng ông thường bảo nhau cố gắng nuôi các con ăn học thành tài. Vậy mà, tai ương đổ xuống gia đình ông.
Năm 2007, bà Hanh bị tai biến nằm một chỗ. Ông và gia đình đưa bà đi khắp nơi chữa trị. Tiền bạc lần lượt “đội nón ra đi” mà bệnh tình vẫn không khỏi, ông Giắng đành phải đưa vợ về nhà chăm sóc. Suốt 8 năm qua, ông Giắng vừa lo cho các con vừa chăm sóc cho bà. Lâu ngày, sức khỏe ông cũng yếu dần, người hay mệt mỏi, khó thở. Ông Giắng dự định tiết kiệm ít tiền từ lương thương binh hạng 4/4 và bệnh binh hạng 3 hàng tháng để đi khám bệnh. Thế nhưng, tiền để dành chưa có, bệnh ông phát nặng hơn, hai chân phù to, da vàng, bụng trướng. Nhờ con gái chở đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hòa khám bệnh, bác sĩ cho biết, ông bị xơ gan, lách lớn, tràn dịch ổ bụng, phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Phú Yên điều trị. Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cũng chẩn đoán bệnh giống như trên và làm giấy chuyển viện cho ông vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh điều trị. Sau khi nghe kết quả chẩn đoán của bác sĩ, ông Giắng cầm giấy chuyển viện rồi về nhà điều trị bằng thuốc nam. Ông Giắng chia sẻ: “Lương thương binh của tôi mỗi tháng là 2,5 triệu đồng; tất cả đều dành để chi phí ăn uống trong gia đình và mua thuốc cho bà Hanh. Giờ tôi có muốn đi TP Hồ Chí Minh để chữa bệnh cũng chẳng biết lấy đâu ra tiền”.
Hiện tại, các con của ông Giắng đều lập gia đình; 2 người con trai lấy vợ ở Khánh Hòa và Lâm Đồng, 3 người con gái có chồng ở thôn Đa Ngư, nhưng tất cả đều nghèo. Khi nghe ông bệnh, mỗi người thay nhau về chăm sóc cha mẹ vài tuần rồi phải đi làm mướn để kiếm tiền nuôi con. Chính quyền địa phương, Chi hội Phụ nữ thôn Đa Ngư đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và bà con thôn xóm góp tiền giúp đỡ ông Giắng có tiền chữa bệnh, nhưng cũng không thấm vào đâu với gia cảnh của ông hiện nay. Hiện gia đình ông Giắng rất cần sự chung tay giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Lê Văn Giắng, thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa hoặc Ban công tác Xã hội - Từ thiện, Phòng Bạn đọc - Tư liệu Báo Phú Yên, 62 Lê Duẩn, TP Tuy Hòa, Phú Yên.
KHÔI NGUYÊN