Trở về từ chiến trường, mang trên mình nhiều vết thương, nhưng cựu chiến binh (CCB) - thương binh Nguyễn Hoàng Lý ở khu phố Long Bình, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn, luôn kiên trì tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Sau 28 năm trong quân ngũ, chiến đấu hết mình cho quê hương, ông Lý trở về đời thường với chứng nhận thương binh hạng 3/4. Gia đình khó khăn, tiền lương và thu nhập không đủ trang trải cho 6 người con ăn học, để phát triển kinh tế, ông nhận khoán 15ha đất rừng, trồng 4.000 cây xà cừ, bạch đàn và keo lai. Đến năm 2008, ông thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh hàng mỹ nghệ ốc (nay phát triển thêm mặt hàng điêu khắc, tiện gỗ).
Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào công việc mới, ông Lý cho biết: “Bước đầu gia đình tôi gặp không ít khó khăn. Hàng thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ ốc là mặt hàng mới nên sức quảng bá chưa sâu rộng; trình độ điêu khắc còn yếu, chủ yếu là tự học, tự làm, tự sáng chế khuôn mẫu, trong khi đó sản phẩm thị trường đòi hỏi chất lượng ngày càng cao; đồng vốn có hạn nên khi mùa vụ khai thác cần thu gom để dự trữ thì chúng tôi thiếu vốn, các đại lý phải xuất bán đi nơi khác. Giá cả vỏ ốc cũng lên xuống thất thường...”.
Được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành, đặc biệt là Sở Công thương đã hỗ trợ đào tạo 15 lao động ở xưởng của ông học nâng cao tay nghề và giúp ông tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm, ký gửi tiêu thụ ở các khách sạn của tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, sản phẩm mỹ nghệ của xưởng được ký gửi tại khách sạn Công đoàn, khu du lịch Sao Việt, điểm du lịch Gành Đá Đĩa, các điểm dừng chân trên quốc lộ 1... đã được nhiều du khách mua làm quà lưu niệm.
Ngoài ra, qua tham gia các hội chợ thương mại do tỉnh hoặc các tỉnh khác tổ chức như: Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Vũng Tàu và các hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, cơ sở của ông đã có được chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Qua đó tạo việc làm ổn định cho 8 lao động trong gia đình và thuê thêm 4 lao động với mức lương từ 3,5-4 triệu đồng/tháng. Từ các nguồn như trồng rừng, kinh doanh mỹ nghệ, chăn nuôi…, mỗi năm gia đình ông thu về trên 300 triệu đồng tiền lãi.
Theo ông Cao Việt Sỹ, Chủ tịch Hội CCB huyện Tuy An, cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ của ông Lý không chỉ giúp trẻ em và người lớn có thêm thu nhập khi nhặt vỏ ốc về bán, mà còn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường cho các làng ven biển, làm sạch đẹp cảnh quan nên rất được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Gần 70 tuổi, sức khỏe không còn như những người đồng đội cùng lứa và những vết thương vẫn đau nhức khi trái gió trở trời, nhưng hàng ngày, ông Lý vẫn hăng say lao động sáng tạo. Ngoài việc sản xuất kinh doanh, ông còn tích cực tham gia công tác Hội, các phong trào, cuộc vận động ở địa phương và giúp đỡ một số gia đình khó khăn.
Những ai có mong muốn học tập kinh nghiệm về làm đồ mỹ nghệ, ông đều nhiệt tình hướng dẫn. Nhiều năm liền gia đình ông được xét công nhận gia đình văn hóa; ông được UBND huyện tặng nhiều giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân, cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.
ĐẶNG SỸ