Giữa sỏi đá khô cằn, cây dại vẫn nở hoa

Thứ tư - 17/04/2019 05:27
Trên đôi chân teo tóp, Võ Hoàng Anh, học sinh lớp 10B6, Trường THPT Ngô Gia Tự (TP Tuy Hòa) vẫn ngày ngày đến lớp và bán vé số sau giờ học để phụ giúp gia đình. Bằng ý chí và nỗ lực, cậu học trò mồ côi mẹ đã đạt giải nhất học sinh giỏi THPT cấp tỉnh.
Giữa sỏi đá khô cằn, cây dại vẫn nở hoa

Trên đôi chân teo tóp, Võ Hoàng Anh, học sinh lớp 10B6, Trường THPT Ngô Gia Tự (TP Tuy Hòa) vẫn ngày ngày đến lớp và bán vé số sau giờ học để phụ giúp gia đình. Bằng ý chí và nỗ lực, cậu học trò mồ côi mẹ đã đạt giải nhất học sinh giỏi THPT cấp tỉnh.

 

Cảm mến tấm gương vượt khó của Hoàng Anh, 4 năm qua, bạn học cùng lớp, Nguyễn Văn Thi đã tình nguyện trở thành đôi chân của em, ngày ngày đưa bạn đến trường. Nghị lực của Hoàng Anh cùng tình bạn ấy đã lan tỏa cho đời những thông điệp ý nghĩa...

 

Tuổi thơ nghiệt ngã

 

Hoàng Anh sống với ông bà nội đã ngoài 70 tuổi trong căn nhà mái tôn ở thôn Uất Lâm (xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa). Khi chúng tôi đến nhà, Hoàng Anh đi bán vé số chưa về, bà nội đang vá dở cái áo cho em để kịp chiều mặc đến lớp.

 

Rót chén nước mời khách, bà Lê Thị Hạnh, nội của Hoàng Anh, kể về tuổi thơ nghiệt ngã của em. Giọng nhiều lần nghẹn lại vì xúc động, bà cho biết, mẹ Hoàng Anh sinh em khi mang thai được hơn 7 tháng, nặng chỉ 1,7kg. Vì sinh thiếu tháng nên cơ thể của em rất ốm yếu. Khi con người ta đến tuổi bò, tuổi đi thì Hoàng Anh vẫn còn nằm sấp, hai chân teo tóp. Lo lắng, ba mẹ đưa Hoàng Anh đi khám, bác sĩ chẩn đoán em bị bại não bẩm sinh.

 

Không chấp nhận sự thật nghiệt ngã, ba mẹ Hoàng Anh vay mượn, bồng con đi khắp các bệnh viện với hy vọng tìm kiếm một phép màu. Cho nên tuổi thơ của Hoàng Anh ở bệnh viện nhiều hơn là nhà. Năm 6 tuổi, khi các bạn cùng trang lứa bắt đầu học cách đánh vần ê a thì em mới chập chững những bước đi đầu tiên. “Nó mất đến hai năm học mẫu giáo lớn trước khi vào lớp 1. Ít ai bị chứng bại não mà học hành thông suốt, nên gia đình mong cháu đến lớp để có môi trường hòa nhập với bạn bè, quên đi bệnh tật”, bà Hạnh chia sẻ.

 

Những năm tiểu học, Hoàng Anh đến trường trên đôi chân của mẹ. Ngày nào, mẹ cũng cõng em đến lớp, lo lắng cho em từng bữa ăn đến giấc ngủ. Năm Hoàng Anh học lớp 4, mẹ em qua đời vì bạo bệnh, để lại cú sốc lớn cho ba cha con. Ba Hoàng Anh đưa cả nhà về quê ở với ông bà nội. Cũng từ đó, Hoàng Anh phải học cách tự lo cho bản thân. May mắn là dù bị khuyết tật nhưng trí tuệ và nhận thức của em vẫn phát triển bình thường.

 

Nỗ lực khẳng định mình

 

Với một học sinh bị bệnh bại não, đến trường học hành như bao bạn bè khác đã khó khăn, trong khi Hoàng Anh nhiều năm liền đạt học sinh khá giỏi, cho thấy một sự nỗ lực không ngừng ở em. Mới đây, cậu học trò này còn tạo dấu ấn khi đạt giải nhất môn Lịch sử Kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh, được chọn tham dự kỳ thi thành lập đội tuyển tỉnh dự thi cấp quốc gia năm học 2019-2020. Tin vui này không chỉ làm em bật khóc vì vui sướng mà còn khiến những người thân của em, giáo viên và học sinh của Trường THPT Ngô Gia Tự vỡ òa.

 

Nắng cũng như mưa, Thi luôn là người dìu Hoàng Anh trên đường đến lớp - Ảnh: HÀ MY

 

Điều đáng nói là 10 năm qua, Hoàng Anh chưa từng đến lớp học thêm. Mỗi ngày, Hoàng Anh đều dành ít nhất 5 tiếng để tự học và đọc sách. Ngoài giờ học, Hoàng Anh còn bán vé số để phụ giúp gia đình. Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng, em đã rong ruổi trong thôn để bán vé số. Chiều tan học, em về nhà “lùa” vội chén cơm, sau đó lên đường bán tiếp, đến 21 giờ về và bắt đầu ngồi vào bàn học.

 

Hoàng Anh thổ lộ: “Những ngày đầu, vì đi nhiều trong khi chân em yếu nên về sưng rộp lên và đau nhức. Nhưng vì muốn phụ ông bà nội trang trải cuộc sống, nên em gắng gượng đi bán. Cuối năm lớp 9, em được một cựu học sinh Trường THCS Trường Chinh (huyện Đông Hòa) tặng chiếc xe máy ba bánh. Nhờ đó, em có điều kiện mở rộng địa bàn bán vé số. Tiền lời mỗi ngày tầm 30.000-40.000 đồng, em mua thêm con cá, bó rau, phụ ông bà nội”.

 

Biết hoàn cảnh của Hoàng Anh, nhiều người thương, sau khi trả tiền vé số còn cho thêm vài chục nghìn đồng, nhưng cậu học trò lớp 10B6 đều lễ phép gửi lại và chỉ lấy đúng giá tiền vé ghi. Có hôm đang bán thì trời đổ mưa, Hoàng Anh phải cởi chiếc áo mình đang mặc để che chắn cho tập vé số không bị ướt. Ông bà, cô chú khuyên Hoàng Anh dừng công việc này, tập trung học, nhưng bản tính tự lập, nên em muốn tận dụng thời gian rảnh, lao động kiếm thêm.

 

Cô út của em, chị Võ Thị Hồng Cẩm chia sẻ: “Ba Hoàng Anh là thợ sắt, đi làm xa nhà từ mấy năm nay, tiền bạc kiếm được chỉ đủ để lo chi phí ăn học cho chị gái của Hoàng Anh, đang là sinh viên năm nhất Trường đại học Nha Trang. Còn Hoàng Anh tự lo cho mình, hầu như không xin thêm từ cô hay ông bà đồng nào. Mặc dù hai chân bị tật, đi lại khó khăn, nhưng nó luôn tự làm mọi việc”.

 

Không có đôi chân lành lặn như các bạn nhưng không vì thế mà Hoàng Anh tự ti, mặc cảm. Em luôn tìm đọc những tấm gương tật nguyền biết vươn lên và thành công trong cuộc sống để dặn lòng không bao giờ bỏ cuộc. Thần tượng của Hoàng Anh là doanh nhân, diễn giả Nguyễn Sơn Lâm. Lâm là nạn nhân của chất độc da cam, cơ thể chưa đầy 27kg và cao khoảng 90cm, nhưng anh đã truyền nghị lực, tình yêu cuộc sống cho hàng ngàn người. Và Hoàng Anh tin rằng nếu em nỗ lực không ngừng, tương lai của em cũng sẽ như lời của diễn giả Sơn Lâm, “xanh tốt và nở những “chùm hoa” thật đẹp”…

 

4 năm, dìu bạn đến lớp

 

Một chiều đầu tuần, lớp trưởng lớp 10B6 Nguyễn Văn Thi có cuộc họp ở văn phòng Đoàn trường. Nghe tiếng chuông báo hết giờ học, Thi liền xin Bí thư Đoàn trường cho về sớm để đến lớp dìu Hoàng Anh ra nhà xe. Thế rồi, một tay Thi cầm cặp cho bạn, tay kia làm điểm tựa cho bạn bấu vào, nhích từng bước chầm chậm về hướng nhà xe. Trên đường đi, Thi dặn Hoàng Anh chút nữa về tới nhà đưa cặp sách để bạn mang về nhà sửa. Chiếc cặp của Hoàng Anh, khóa ngoài bị hư mấy hôm nay mà chưa kịp thay. Rồi hai bạn chở nhau trên chiếc xe máy về nhà, tiếng cười giòn tan…

 

Hình ảnh này đã không còn xa lạ với giáo viên và học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự. Từ năm lớp 6, Thi và Hoàng Anh đã học chung, nhưng đến năm lớp 7, hai em mới kết thân và kể từ đó, mưa cũng như nắng, Thi luôn là tài xế, dìu Hoàng Anh trên con đường từ nhà đến lớp và ngược lại. Nói về việc làm của mình, Thi chia sẻ: “Khi biết được hoàn cảnh của Hoàng Anh, em rất cảm phục những nỗ lực và muốn san sẻ phần nào những mất mát của bạn. Vì vậy, 4 năm qua, em tình nguyện đưa đón Hoàng Anh đi học. Ba má em coi Hoàng Anh như con, còn gia đình bạn coi em như con cháu trong nhà”.

 

Khi còn học ở Trường THCS Trường Chinh, mặc dù nhà Hoàng Anh ngược đường đến trường, nhưng ngày nào Thi cũng cót két đạp xe chở bạn hơn 3km đến lớp. “Đường xa, trời lại nắng, mồ hôi túa ra, ướt hết cả áo của Thi. Nhưng không lúc nào bạn than vãn, mà chỉ động viên em cố gắng học. Nhiều hôm trời mưa, Thi nhường chiếc áo mưa duy nhất cho em mặc, còn bạn phong phanh về nhà, ướt như chuột lột… Nhờ có Thi mà đường đến lớp của em đỡ gập ghềnh và vất vả”, Hoàng Anh giãi bày.

 

Lên năm lớp 10, vì trường học cách xa nhà gần 7km, nên Thi được ba má cho chiếc xe máy cũ để thuận tiện đi lại. Ngày ngày, Thi lại đến nhà Hoàng Anh, chở bạn đến lớp. Không chỉ đỡ đần nhau trong cuộc sống, Thi và Hoàng Anh còn là đôi bạn cùng tiến trong học tập. “Hoàng Anh và em có những tích cách đối lập, song chúng em cộng hưởng, hỗ trợ cho nhau. Chúng em sẽ nỗ lực học thật tốt để thi đậu đại học, viết tiếp ước mơ của mình”, Thi chia sẻ.

 

Nghị lực của Hoàng Anh, tấm lòng giúp đỡ bạn vô tư, không vụ lợi của lớp trưởng Thi và tình bạn trong sáng, đẹp đẽ của hai em rất đáng được trân quý. Tôi rất tự hào vì nhà trường có những học sinh như các em. Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ hay các tiết ngoại khóa, nhà trường thường biểu dương những tấm gương sáng, hành động đẹp như thế này để vun vén trong các em nhân cách sống tốt đẹp…

 

Thầy Huỳnh Văn Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự

 

HÀ MY

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp