Tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực

Thứ năm - 07/03/2019 16:07
Xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực, ngày 26/4/2016, Tỉnh ủy khóa XVI đề ra Chương trình hành động (CTHĐ) số 07 về tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút nhân lực trình độ cao, gắn đào tạo với sử dụng.
Tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực

Xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực, ngày 26/4/2016, Tỉnh ủy khóa XVI đề ra Chương trình hành động (CTHĐ) số 07 về tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút nhân lực trình độ cao, gắn đào tạo với sử dụng. Qua thực hiện, số lượng, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực xã hội có những chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Trong 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có 13.730 người được tuyển mới để đào tạo nghề; trong đó, đào tạo dài hạn (trung cấp, cao đẳng) 3.224 người, đào tạo ngắn hạn 10.506 người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt hơn 64%, tăng 9% so với đầu năm 2016 (chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 70%). Năm 2018 đã giải quyết việc làm mới cho 24.650 lao động, vượt 6% kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động 435 người; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 47% trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế, đạt 100% kế hoạch năm.

 

Chuyển biến tích cực

 

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, CBCCVC toàn tỉnh hiện nay cơ bản đạt chuẩn về bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ. Đến tháng 4/2018, toàn tỉnh có 24.730 CBCCVC; trong đó cấp tỉnh và huyện 21.336 người, cấp xã 2.463 người.

 

Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, Tin học theo quy định. CBCCVC các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết có trình độ phù hợp với nhiệm vụ, sử dụng thành thạo máy vi tính phục vụ cho công việc.

 

100% CBCC cấp xã đã qua đào tạo trình độ chuyên môn, đạt chuẩn theo Thông tư 06/2012 của Bộ Nội vụ. Hầu hết các xã, thị trấn ven biển, miền núi đều có kỹ sư nông - lâm nghiệp, địa chính hoặc thủy sản; các phường đều có công chức trình độ đại học chuyên ngành xây dựng, quản lý đô thị, kinh tế.

 

Tỉ lệ giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn nâng từ 99,48% (đầu năm 2016) lên 99,97% (trong đó, 71% đạt trình độ trên chuẩn); 60% giảng viên cao đẳng (chỉ tiêu 60%) và 84,4% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sĩ hoặc tương đương; 3 giảng viên có học hàm phó giáo sư.

 

Cùng với cử 48 cán bộ đi đào tạo sau đại học trong nước và 2 cán bộ đào tạo ở nước ngoài ở các ngành, lĩnh vực đang cần, tỉnh cũng đã khảo sát, thống nhất chủ trương xây dựng đề án Bồi dưỡng ngắn hạn có yếu tố nước ngoài cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh.

 

Giai đoạn 2018-2020, tỉnh tổ chức 3 lớp bồi dưỡng ngắn hạn ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cho 75 cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, tỉnh cũng đã thu hút, bố trí công tác cho nhiều người thuộc diện “nhân lực trình độ cao”, trong đó có 63 bác sĩ.

 

Cũng theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết 42, ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 23, ngày 22/4/2005 của Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác quy hoạch cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hàng năm thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020; các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng xong quy hoạch cán bộ giai đoạn 2020-2025.

 

Hầu hết cán bộ được đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý đều cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn đối với từng chức danh theo quy định và có chiều hướng phát triển tốt. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ và theo yêu cầu nhiệm vụ, các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch.

 

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Mộng Ngọc cho biết: Ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các trường đại học và các bệnh viện lớn trong nước để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ từng bước đáp ứng nhu cầu khám bệnh ngày càng cao của nhân dân.

 

Đồng thời tham mưu UBND tỉnh hàng năm đăng ký chỉ tiêu đào tạo bác sĩ, dược sĩ chính quy theo địa chỉ và đào tạo theo chế độ cử tuyển tại các trường đại học y, dược. Từ năm 2016 đến tháng 4/2018, tỉnh đã xét cử tuyển 47 sinh viên là người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, khó khăn vào học các trường đại học, trong đó ngành Y có 31 sinh viên.

 

Tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh hiện đạt 64,05%, tăng 9,04% so với đầu năm 2016. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Thủy sản Hồng Ngọc (KCN Hòa Hiệp) - Ảnh: NGỌC HÂN

 

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo

 

Theo Thường trực Tỉnh ủy, bên cạnh những cơ quan, đơn vị thực hiện tốt, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện CTHĐ số 07 của một số cơ quan, đơn vị còn chậm, quyết tâm chưa cao; chưa có những đột phá trong chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Hầu hết các chính sách, đề án, kế hoạch được nêu trong CTHĐ số 07 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 96 của UBND tỉnh chậm được triển khai xây dựng, thực hiện như: Bộ tiêu chí về phát triển nhân lực để làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng sự phát triển nhân lực hàng năm của tỉnh; đề án Thí điểm khảo sát, sát hạch năng lực đội ngũ CBCCVC; chính sách đào tạo và thu hút đội ngũ giáo viên dạy nghề giỏi; đề án Thành lập Trung tâm hỗ trợ, theo dõi dạy nghề và quản lý lao động; quy chế liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp; đề án Thí điểm trả lương theo năng lực và kết quả công tác tại một số đơn vị sự nghiệp công lập…

 

Thời gian qua, chính sách đào tạo đại học trong nước và đào tạo sau đại học ở nước ngoài; chính sách thu hút, sử dụng trí thức trẻ, lao động có trình độ cao tuy được chú trọng nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Môi trường làm việc cho đội ngũ khoa học công nghệ còn thiếu, chưa tạo điều kiện tốt để lực lượng này có thể phát huy được khả năng của mình.

 

Chất lượng, cơ cấu đào tạo theo ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự phù hợp, chưa đáp ứng với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, nhất là những lĩnh vực mũi nhọn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như du lịch, dịch vụ; đào tạo nhiều nhưng chưa phù hợp với ngành nghề doanh nghiệp, xã hội đang cần… Tính chuyên nghiệp của đội ngũ CBCCVC chưa cao; khả năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp và giải quyết công việc còn hạn chế…

 

“Để CTHĐ số 07 của Tỉnh ủy đạt được mục tiêu đề ra, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải quán triệt, nhận thức sâu sắc trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của địa phương, đơn vị và tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả”, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt nhấn mạnh.

 

Từng cơ quan, đơn vị phải thường xuyên rà soát, bổ sung chương trình, kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực của cấp mình, đơn vị mình để xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị; định ra lộ trình và cân đối, huy động các nguồn lực để thực hiện.

 

Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, năng lực giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ giải pháp gắn đào tạo với sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực xã hội; phát huy tiềm lực của đội ngũ doanh nhân. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện và xây dựng mới các cơ chế chính sách; ưu tiên đầu tư ngân sách và huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Có cơ chế đặc thù để thực hiện thí điểm một số đột phá trong thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Nguồn nhân lực đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

 

Nhìn chung, qua hơn 2 năm thực hiện CTHĐ số 07 của Tỉnh ủy, các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Chất lượng nguồn nhân lực xã hội có chuyển biến tích cực, từng bước phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Công tác xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các loại hình đào tạo - giáo dục, dạy nghề bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Mạng lưới cơ sở đào tạo - giáo dục, cơ sở dạy nghề có bước phát triển về số lượng, chất lượng, quy mô. Tỉ lệ người lao động qua đào tạo liên tục tăng; trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, năng suất lao động từng bước được nâng lên.

 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đã kịp thời ban hành các nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật, bố trí ngân sách phù hợp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thu hút trí thức có trình độ sau đại học, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc bố trí công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, hỗ trợ kinh phí cho CBCCVC đi học.

 

Nhờ làm tốt công tác quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nên các cơ quan đã chủ động trong việc tạo nguồn cán bộ để thực hiện việc bố trí, bổ nhiệm, giới thiệu tham gia cấp ủy đảm bảo yêu cầu. Ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, chất lượng đội ngũ CBCCVC của tỉnh được nâng lên, cơ bản đạt chuẩn về trình độ, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt

 

LẠC HỒNG

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp