Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài. Vì vậy tăng cường đấu tranh PCTN chính là tạo dựng, lấy lại niềm tin của dân đối với Đảng.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình và đoàn công tác của Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng - Ảnh: XUÂN HIẾU |
Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) xác định: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, ngành… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Từ đó đến nay, nhất là từ Đại hội XII của Đảng, cuộc đấu tranh PCTN đã có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”.
Nâng cao nhận thức và hành động trong PCTN
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về PCTN, thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền cơ quan, ban ngành trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Luật PCTN; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và các chỉ thị, kế hoạch, quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác PCTN, lãng phí, nhất là thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN…
Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đỗ Thái Phong, với vai trò nhiệm vụ được giao, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã nỗ lực, chủ động thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh PCTN, lãng phí; chủ động theo dõi, nắm tình hình công tác PCTN, lãng phí ở địa phương để tham mưu, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Cùng với Ban Nội chính Tỉnh ủy, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về PCTN luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan đơn vị quan tâm, lãnh đạo, đặt lên hàng đầu và chỉ đạo thực hiện quyết liệt gắn với việc phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Thị Minh Hiền cho biết: Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được Đảng ủy triển khai nghiêm túc gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Đảng ủy tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; các chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về PCTN. Qua đó góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động, ý thức trách nhiệm trong công tác PCTN, lãng phí của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng
Nhìn chung trong thời gian qua, các vụ việc, vụ án tham nhũng đều được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cao Thị Hòa An, riêng trong quý III/2018, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 3 đảng viên; giải quyết tố cáo 1 đảng viên; đang xem xét thi hành kỷ luật 5 đảng viên; đình chỉ sinh hoạt đảng 1 đảng viên có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng.
Cùng thời gian trên, Ban Nội chính Tỉnh ủy cũng đã tiếp nhận 13 đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến tiêu cực, tham nhũng và chỉ đạo kiểm tra, xác minh. Đồng thời theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan chức năng đối với các vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng, nhất là các vụ việc, vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo để kịp thời báo cáo, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý theo quy định.
Đặc biệt, qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ của đơn vị, phát hiện 1 cán bộ thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh có hành vi tham ô tài sản Nhà nước. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với cán bộ này về tội tham ô tài sản để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Tiếp đó, cơ quan này mở rộng điều tra và khởi tố thêm 1 bị can với cùng tội danh tham ô tài sản và 1 bị can về tội thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng.
Về kết quả điều tra, kiểm sát, xét xử các vụ án kinh tế, trong quý III/2018, Cơ quan CSĐT hai cấp đã thụ lý điều tra 9 vụ/27 bị can, tăng 4 vụ và 19 bị can so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 1 vụ, 1 bị can. Viện KSND 2 cấp thụ lý kiểm sát 1 vụ, 1 bị can; TAND tỉnh thụ lý, xét xử sơ thẩm 2 vụ, 5 bị cáo.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lương Minh Sơn khẳng định: Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác PCTN, lãng phí trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa tham nhũng bảo đảm theo quy định của Nhà nước.
Công tác thanh tra, kiểm tra trên một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng được tăng cường, từng bước phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Một số cấp ủy kịp thời chỉ đạo xử lý các vụ việc có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng đảm bảo theo quy định, góp phần giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung trong công tác đấu tranh PCTN hiện nay.
Không có vùng cấm, ngoại lệ
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Trong buổi làm việc với Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN vào trung tuần tháng 10 vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy và các cơ quan nội chính của tỉnh cũng đã thẳng thắn nhìn nhận điều này.
Đó là công tác tự kiểm tra phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị chưa được phát hiện và quan tâm đúng mức. Nhiều vụ việc có dấu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí xảy ra trong nhiều năm nhưng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thanh quyết toán hàng năm không phát hiện sai phạm.
Tiến độ điều tra, xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm, kéo dài. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả mang lại chưa cao…
Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm này là do cấp ủy, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; chưa quyết liệt, sâu sát trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tự kiểm tra, giám sát về lĩnh vực PCTN.
Theo đồng chí Nguyễn Hòa Bình, thời gian tới, các cấp ủy đảng cần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng.
Qua đó tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo hành lang chính trị, pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm công tác PCTN có hiệu lực, hiệu quả.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ để PCTN hiệu quả.
Quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”, tạo bước đột phá trong công tác PCTN.
LẠC HỒNG