Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy vào TX Tuy Hòa mùa xuân 1968, nhiều người con ưu tú của quê hương đã xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong những người lính đã ngã xuống để có đất nước hôm nay có ba liệt sĩ được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng Lê Trung Kiên
Anh hùng Lê Trung Kiên sinh ngày 10/2/1939, quê quán xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Đông Hòa), nhập ngũ ngày 20/10/1960.
Lê Trung Kiên sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân nghèo ở làng cát Hòa Hiệp giàu truyền thống cách mạng. Được cách mạng giáo dục, anh hăng hái tham gia công tác cách mạng ở địa phương. Trước khi thoát ly lên chiến khu gia nhập quân giải phóng thuộc đơn vị Đại đội Đặc công 202 (Tỉnh đội Phú Yên), anh đã xây dựng được bảy cơ sở cách mạng tại quê nhà, vận động 15 thanh niên địa phương gia nhập lực lượng vũ trang.
Trong quá trình hoạt động, Lê Trung Kiên luôn dũng cảm, không ngại hy sinh, gian khổ, xông xáo vào những nơi khó khăn nhất. Từng năm lần bị thương, anh vẫn sát cánh đơn vị bám sát chiến trường. Nhờ chuẩn bị chiến trường kỹ càng, có phương án chiến đấu tốt, có tinh thần dũng cảm, anh luôn có mặt trong các mũi nhọn tiến công. Các trận đánh do Lê Trung Kiên chỉ huy, đơn vị đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó.
Qua 48 trận đánh, với những cương vị khác nhau, Lê Trung Kiên góp phần vào thắng lợi của đơn vị. Trong trận đánh ấp chiến lược kiểu mẫu Phú Cần (7/1964), khi mở cửa đột phá, địch chống trả quyết liệt, Lê Trung Kiên vừa bình tĩnh chỉ huy đơn vị, vừa kiên quyết xông lên dập tắt hỏa điểm địch. Trận đánh phát triển thuận lợi, đơn vị diệt toàn bộ địch trong ấp, tạo thời cơ cho bà con nổi dậy giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng.
Tháng 10/1964, Lê Trung Kiên chỉ huy một tổ bộ đội đặc công của tỉnh luồn sâu vào vùng địch kiểm soát để đánh sân bay Tuy Hòa. Trận đánh diễn biến gay go, địch chống trả quyết liệt với ý định đến sáng mới phản kích. Lê Trung Kiên một mình mưu trí, dũng cảm xông lên dùng bộc phá và thủ pháo phá hủy hoàn toàn kho đạn của địch đặt trong sân bay, tạo thuận lợi cho đơn vị phát triển tiêu diệt địch.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, với cương vị Đại đội trưởng Đại đội Đặc công 202, Lê Trung Kiên hai lần chỉ huy đơn vị đánh vào Sở Chỉ huy của Trung đoàn 47 quân đội Sài Gòn đóng ở TX Tuy Hòa. Đây là trung đoàn chủ lực của địch có nhiệm vụ kìm kẹp đồng bào Phú Yên, càn quét và đánh phá vùng giải phóng. Trong cả hai trận đánh này, đơn vị của Lê Trung Kiên chỉ huy diệt nhiều địch, gây khí thế cho đồng bào thị xã nổi dậy giành quyền làm chủ. Lê Trung Kiên đã anh dũng hy sinh ngày 3/3/1968, trong trận đánh Sở Chỉ huy Trung đoàn 47 ngụy lần thứ hai tại TX Tuy Hòa.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Lê Trung Kiên luôn nêu cao ý chí tiến công, quyết tâm tiêu diệt địch, dù khó khăn gian khổ cũng chấp hành nghiêm mọi mệnh lệnh chỉ thị của cấp trên, giành khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho đồng đội, sống khiêm tốn, giản dị, được anh em tin yêu, mến phục. Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, hai Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, ngày 15/2/1970, Lê Trung Kiên được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Anh hùng Nguyễn Anh Hào
Anh hùng Nguyễn Anh Hào (Năm An) sinh năm 1932, quê quán ở xã Hòa Bình 1, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Tây Hòa). Khi hy sinh, đồng chí là Ủy viên Ban An ninh tỉnh Phú Yên, phụ trách Ban Điệp báo và an ninh đô thị tỉnh.
Sớm giác ngộ cách mạng, tháng 8/1945, Nguyễn Anh Hào tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Tuy Hòa, sau đó được phân công làm Trưởng Công an xã Hòa Bình. Từ năm 1947-1954, đồng chí được điều động về Ban Bảo vệ chính trị Ty Công an Phú Yên.
Năm 1954, Nguyễn Anh Hào tập kết ra Bắc, được phân công về Ty Công an tỉnh Yên Bái. Năm 1961, đồng chí tình nguyện về Nam chiến đấu và được điều về Ban An ninh tỉnh Phú Yên, phụ trách điệp báo và an ninh đô thị. Đây là một địa bàn mà cuộc chiến từng ngày diễn ra hết sức quyết liệt, đồng chí đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thường xuyên bám dân, bám địa bàn, vận động quần chúng, phân hóa lôi kéo làm rệu rã hàng ngũ địch; chỉ huy đơn vị đánh 120 trận, diệt 253 tên tề điệp, ác ôn, bắt giáo dục cải tạo 194 tên phản động các loại, kịp thời phá 32 vụ gián điệp, xây dựng 266 cơ sở trong lòng địch… Ngoài ra, đồng chí còn độc lập đánh 47 trận, tiêu diệt 28 tên địch, bắt sống 41 tên, xây dựng được 67 cơ sở điệp báo trong hàng ngũ địch.
Tháng 5/1962, Nguyễn Anh Hào được giao nhiệm vụ tiêu diệt xã trưởng Giải (xã An Thọ), một tên ác ôn khét tiếng, từng bắn giết, moi gan, mổ bụng hàng chục cán bộ ta. Xã trưởng Giải rất giỏi võ nghệ, lại luôn có lính bảo vệ; nhiều lần ta phục kích tiêu diệt nhưng không thành. Sau mỗi lần chết hụt, tên ác ôn này càng hung hăng chống phá cách mạng quyết liệt hơn. Việc tiêu diệt xã trưởng Giải đã làm cho bọn tay sai ác ôn trong vùng hoang mang lo sợ, chùn tay gây tội ác.
Tháng 6/1966, trong một chuyến công tác, đồng chí Nguyễn Anh Hào đã phát hiện và tập kích vào một toán lính Mỹ, tiêu diệt một tên, bắt sống một tên, thu hai súng, phá tan âm mưu của địch đánh phá vào hành lang căn cứ của ta.
Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 vào hang ổ kẻ thù ở TX Tuy Hòa, Nguyễn Anh Hào trực tiếp chỉ huy lực lượng điệp báo trong lòng địch, phối hợp với các lực lượng vũ trang đánh vào khu cố vấn Mỹ, ty cảnh sát, nhà lao. Trước thất bại nặng nề đó, sau cơn hoảng loạn, địch tăng cường lực lượng có máy bay, xe tăng yểm trợ mở cuộc tấn công bao vây Bộ chỉ huy của ta. Đồng chí đã chỉ huy lực lượng an ninh phá vỡ vòng vây của địch, tiêu diệt hàng chục tên, đồng thời đưa các đồng chí lãnh đạo của tỉnh rút về căn cứ an toàn. Trong trận chiến đấu này, Nguyễn Anh Hào anh dũng hy sinh.
Với những thành tích đóng góp đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Nguyễn Anh Hào được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba.
Ngày 21/1/1997, đồng chí Nguyễn Anh Hào được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng Nguyễn Thế Bảo
Anh hùng Nguyễn Thế Bảo (Nguyễn Cật) sinh năm 1930, quê ở xã Hòa Thắng, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Phú Hòa).
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân tại vùng quê giàu truyền thống cách mạng, năm 1946, Nguyễn Cật tham gia dân quân xã, năm 1947 thoát ly tham gia cách mạng, công tác ở Ty Công an Phú Yên, rồi lần lượt đảm nhận các nhiệm vụ: Trưởng đồn công an ở xã An Ninh (huyện Tuy An), thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) và xã Hòa Thịnh (huyện Tuy Hòa). Năm 1953, đồng chí được cấp trên cử ra chiến khu Việt Bắc học lớp đào tạo công an và sau đó tham gia tiếp quản thủ đô. Năm 1960, Nguyễn Cật được đề bạt là Phó Khu công an Ba Đình, Hà Nội. Năm 1962, đồng chí được điều động về miền Nam làm Phó Ban An ninh tỉnh Phú Yên. Ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 1962, đồng chí Nguyễn Cật chỉ huy đơn vị diệt ác phá kìm, đột nhập phá ấp chiến lược xã Hòa Định, huyện Tuy Hòa 2 (nay là huyện Phú Hòa). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trên đường rút về căn cứ, đơn vị đã lọt vào ổ phục kích của địch. Đồng chí đã bình tĩnh chỉ huy đơn vị mưu trí và dũng cảm chiến đấu với địch, bảo toàn lực lượng của ta và rút lui an toàn. Trong Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí chỉ huy đơn vị tiến công vào TX Tuy Hòa chiến đấu quyết liệt với địch, liên tiếp bẻ gãy nhiều đợt tấn công của chúng. Địch có máy bay, xe tăng M113 yểm trợ. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Cật, đơn vị công an tham gia trận đánh đã bắn cháy ba chiếc M113 của địch và đẩy lùi đợt tấn công. Địch huy động một lực lượng lớn gồm Lữ đoàn dù 173 của Mỹ, Trung đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên, Trung đoàn 47 quân đội Sài Gòn có máy bay yểm trợ ném bom vào lực lượng ta. Trước tình hình đó, đồng chí đã chỉ đạo đơn vị rút lui an toàn phản kích dữ dội, còn bản thân mình ở lại giữa vòng vây của địch, tiếp tục chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Tấm gương chiến đấu kiên cường, bất khuất, mưu trí sáng tạo, dũng cảm hy sinh của đồng chí Nguyễn Cật đã để lại cho đồng đội và quần chúng nhân dân lòng tiếc thương vô hạn. Tỉnh ủy và lực lượng An ninh Phú Yên đã tổ chức đợt học tập tinh thần chiến đấu cao cả và hạ quyết tâm chiến đấu theo tấm gương của liệt sĩ Nguyễn Thế Bảo.
Với những thành tích đóng góp đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Nguyễn Thế Bảo được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại.
Ngày 3/8/1995, liệt sĩ Nguyễn Thế Bảo được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
VIỄN BÌNH