Tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968, như khẳng định của Tổng Bí thư Lê Duẩn “Một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị” mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt. Cuộc Tổng tấn công diễn ra đồng loạt ở 4 thành phố lớn, 44 thị xã và hàng trăm thị trấn tại miền Nam gây chấn động dư luận quốc tế, tạo bước ngoặt quyết định cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng.
Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Trần Suyền, Chính ủy chiến dịch T25 |
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, mở ra thời cơ cho những đòn tiến công tiếp theo mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Âm vang Mậu Thân hằn sâu trong ký ức các chứng nhân lịch sử một thời quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chiến trường Phú Yên là một mắt xích của chiến trường khu 5 trong tổng thể chung cuộc tiến công của toàn miền Nam. Phú Yên là một trong số ít những địa phương nỗ lực tổ chức hai kế hoạch tiến công T25 và T26 với ba lần đánh vào TX Tuy Hòa.
Tư lệnh chiến dịch Lư Giang (Tư lệnh phân khu Nam - Quân khu 5) và chính ủy chiến dịch Trần Suyền (Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên) cùng rất nhiều chứng nhân lịch sử đã ghi lại trong hồi ký, kể lại trong các cuộc gặp mặt, hội thảo về khúc tráng ca Mậu Thân 1968 ở chiến trường Phú Yên.
Trong hồi ký “Quê hương anh dũng” và gặp gỡ chứng nhân lịch sử 20 năm tiến công Mậu Thân (1968 - 1988) tại TX Tuy Hòa, bác Trần Suyền tự hào nhớ lại: “Chấp hành Nghị quyết của Trung ương về Tổng công kích - tổng khởi nghĩa xuân Mậu Thân 1968, khu ủy và Quân khu 5 chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, từ đồng bằng ven biển lên miền núi, phối hợp nhịp nhàng với quân và dân toàn miền Nam giành thắng lợi quyết định.
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 12 (Trung đoàn 10) Hoàng Kim Giai |
Đối với chiến trường Phú Yên, kế hoạch tổng công kích của quân khu 5 xác định rõ: Trung đoàn 10 đánh cắt đường số 1 ở khu vực đèo Cù Mông, tạo thế chia cắt giữa Bình Định và Phú Yên, ngăn không cho quân địch từ Phú Yên theo đường số 1 ra phản kích vào lực lượng khởi nghĩa tại Quy Nhơn. Nhiệm vụ tiến công TX Tuy Hòa do lực lượng địa phương và nhân dân kết hợp công kích và khởi nghĩa.
Vậy là tại chiến trường Phú Yên, lực lượng tiến công của ta chỉ có Tiểu đoàn 12 (Trung đoàn 1), Tiểu đoàn 14 đặc công (phân khu Nam) và lực lượng vũ trang tỉnh gồm Tiểu đoàn 85, 2 Đại đội đặc công (201, 202), Đại đội trợ chiến 167, Đại đội công binh 50 và các đại đội trinh sát, thông tin, vận tải.
Trong khi đó, lực lượng địch tại địa bàn Phú Yên rất hùng hậu gồm Lữ đoàn dù Mỹ 173, Trung đoàn 28 (sư đoàn Bạch Mã Nam Triều Tiên), Trung đoàn 26 (sư đoàn Mãnh hổ Nam Triều Tiên), Trung đoàn 47 (sư đoàn chủ lực 22 Quân đội Sài Gòn), 25 đại đội bảo an, 8 đại đội biệt kích của tiểu khu Phú Yên, 24 trung đội biệt kích và 54 tổng đoàn dân vệ của các chi khu.
Quân số địch đông hơn ta rất nhiều lần. Địch còn có ưu thế tuyệt đối về phi pháo, xe tăng, thiết giáp, lại phòng thủ trong các công sự kiên cố ở các đô thị và căn cứ vững chắc ở đồng bằng ven biển.
Tương quan lực lượng chênh lệch như thế, khó khăn như thế nhưng chúng ta vẫn tiến công với tất cả ý chí, niềm tin và sự quả cảm vô bờ bến của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.
Nhà thơ Văn Công (Cao Xuân Thiêm) - Trưởng Ban Kinh tài Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền phương Phú Yên, người chăm lo hậu cần cho chiến dịch bồi hồi nhớ lại:
Trung tướng Nguyễn Thành Út (Chính trị viên Đại đội đặc công 202 xuân 1968) |
“Ngày 3/12/1967, anh Sáu Suyền - Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ ra khu họp để tiếp thu mệnh lệnh. Chiến dịch mở ra rất quy mô với phương châm hậu cần tại chỗ, Hội đồng chi viện tiền phương dốc toàn lực nhưng không thể huy động được lương thực để nuôi quân. Khi họp ở khu trở về, gặp anh Sáu Suyền, anh Năm Huề (Lương Công Huề), Tư lệnh trưởng Lư Giang, Phó Tư lệnh Y-Blok ngồi trên tảng đá gộp ăn cơm. Bữa cơm chiều của các vị lãnh đạo cao nhất ở chiến trường chỉ có sắn cõng cơm và nồi canh lá giang nêm muối, mì chính. Anh Năm Huề tuổi tác mới 50 mà hai hàm răng nhai sệu sạo, nghĩ càng thương. Bưng bát cơm ăn, tôi cảm xúc ứng khẩu đọc mấy câu thơ. Anh Lư Giang vui vẻ nghe đọc thơ và nói rằng: “Nhà kinh tế mà cũng làm thơ, có điều làm thế nào mà thơ bật ra muối gạo mới giỏi…”.
Sinh thời, đại tá Lê Trọng Sủng - Trung đoàn phó Trung đoàn 10 (Trung đoàn Ngô Quyền) kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 xúc động kể lại rằng: “Trung đoàn 10 được lệnh của Quân khu 5 chặn địch ở đèo Cù Mông để chi viện cho chiến trường Quy Nhơn. Ngày 27 Tết, hai tiểu đoàn 11 và 13 của trung đoàn 10 hành quân đến Đa Lộc. Nhân dân thôn Đa Lộc và thôn Trầm Tường từ sau đồng khởi đã bám trụ tại chân núi Hòn Đát đấu tranh với địch, không chịu dồn dân. Do vùng giải phóng thường xuyên bị địch đánh phá, lại thưa người nên sản xuất có hạn, nhân dân vừa sản xuất vừa chống địch, đời sống rất cơ cực. Lương thực dự trữ lúc này chỉ còn các rẫy sắn ở trong rừng. Sắn trồng lâu năm ẩn chìm trong lòng đất, chất độc hóa học của Mỹ không thấm hết được. Đó là nguồn lương thực dự trữ rất quý hiếm của lực lượng ta. Nhân dân Đa Lộc rất nghèo nhưng vẫn hết lòng ủng hộ kháng chiến. Thấy bộ đội thiếu ăn, các mẹ góp gạo tặng thêm mỗi chiến sĩ 5kg và lên núi cao khiêng con heo “tản cư” trong rừng về khao bộ đội ăn tết trước. Các chiến sĩ Trung đoàn 10 phải nhổ sắn non làm bánh tét mang theo trên đường hành quân.
Trung đoàn 10 đã phục kích ở đèo Cù Mông, diệt gọn 8 xe quân sự chở lính Nam Triều Tiên, chi viện đắc lực cho chiến trường Quy Nhơn, hỗ trợ cho huyện Sông Cầu phát động quần chúng nổi dậy.
Đại bộ phận Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) chặn địch ở đèo Cù Mông, còn Tiểu đoàn 12 được phân công hỗ trợ bộ đội địa phương Phú Yên tiến công vào TX Tuy Hòa. Tiểu đoàn trưởng Hoàng Kim Giai mùa xuân này bước vào tuổi 91 xúc động kể lại: “Chiều ba mươi tết, tiểu đoàn tập kết ở gộp Mòng Mòng (xã Hòa Quang) và được lệnh xuất kích. Tiểu đoàn hành quân đến dốc Ông Nao (Hòa Trị) thì dừng chân làm mọi công tác chuẩn bị cuối cùng.
Trưởng ban Kinh tài Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền phương Phú Yên Cao Xuân Thiêm mùa xuân 1968 |
Trời vừa tối, tiểu đoàn hành quân dọc theo sườn núi phía bắc núi Ễnh vào Long Tường (Hòa Trị) vượt qua bến Lội. Tiểu đoàn nhắm hướng sân bay Khu chiến (sân bay Chóp Chài - nay là khu vực từ bến xe Thuận Thảo đến Nhà máy Bia Sài Gòn). Hành quân đến núi Sầm thì đến giờ giao thừa, địch bắn rất nhiều pháo sáng. Đến 2 giờ sáng Mùng một Tết, tiểu đoàn tiếp cận mục tiêu. 3 giờ 30, súng cối của tiểu đoàn bắt đầu bắn dồn dập vào sân bay khu chiến phá hủy một số máy bay và phương tiện chiến tranh. Đại đội 1 B40 bắn sập lô cốt nhà lao tấn công vào khu trung tâm chiếm lĩnh trận địa.
Trung đội trinh sát đốt cháy một số xe M113 và phá hủy 4 khẩu pháo 105 ly. Đại đội 3 đánh chiếm sân bay làm thiệt hại nặng một đại đội Mỹ và đại đội bảo an bảo vệ sân bay, quân ta làm chủ gần hết sân bay khu chiến. Sau khi bị đánh phủ đầu, địch đều động một số xe bọc thép M113 dồn về góc đông sân bay tổ chức phản kích. Đại đội 1 đánh trả bìa đông nam xóm Đạo. Lúc này trời đã sáng, trụ lại đánh địch ban ngày.
Địch dốc toàn lực với lực lượng áp đảo, điên cuồng phản kích trong ngày mùng một Tết. Tiểu đoàn 12 đã chiến đấu dũng cảm với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cả tiểu đoàn khi được lệnh rút, tập kết về dốc Ông Nao chỉ còn 30 đồng chí, vô cùng bi tráng”.
Hai cựu binh đại đội đặc công 202 là Huỳnh Văn Luông và Lương Công Hùng hào hứng tường thuật lại sự kiện tiến công đêm giao thừa 50 năm trước: Đại đội 202 có 76 đồng chí do đồng chí Lê Trung Kiên làm Đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thành Út làm chính trị viên. Đại đội chia làm 4 mũi. Mũi 1 có 10 đồng chí do đồng chí Nguyễn Hiến làm Mũi trưởng có nhiệm vụ đánh vào Trung đoàn bộ 47 (ngày nay là Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên). Mũi 2 có 9 đồng chí do đồng chí Trần Văn Nhẫn làm Mũi trưởng có nhiệm vụ đánh vào Trung tâm huấn luyện Trung đoàn 47 (ngày nay là khu bệnh xá Tỉnh đội). Mũi 3 có 9 đồng chí do đồng chí Nguyễn Kề làm Mũi trưởng đánh vào Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 47 (ngày nay là Trường đại học Xây dựng Miền Trung). Mũi 4 có 9 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Hiệp làm Mũi trưởng đánh vào khu gia binh nằm gần Trung đoàn bộ 47. Lực lượng còn lại đánh vào khu cố vấn Mỹ. Trung đoàn bộ 47 được xây dựng và bảo vệ rất kiên cố, có hệ thống vật cản nhiều tầng, nhiều lớp, trang bị hỏa lực mạnh. Nhưng với cách đánh đặc công, lực lượng ta đã làm chủ trên địa bàn sau 15 phút nổ súng. Địch hoảng loạn nhưng sau đó hoàn hồn tập trung lực lượng phản kích quyết liệt. Đại đội đặc công kiên cường đánh trả và tìm cách liên lạc với Tiểu đoàn 85 theo phương án hợp đồng. Rất tiếc, Tiểu đoàn 85 bị biệt kích đổ quân chặn đường nên không tiến quân được vào thị xã như phương án tác chiến được giao. Để bảo toàn lực lượng, đại đội đặc công 202 tổ chức lui quân về Ninh Tịnh, Liên Trì, sau đó rút quân ra phía nam Hang Hổ, An Chấn, Tuy An. Cả đại đội không có thương vong. Đó là một kỳ tích đáng tự hào. Khi đánh vào thị xã lần thứ 3, Đại đội 202 có tổn thất.
Cũng trong đêm giao thừa tết Mậu Thân 1968, Trung đội Quyết thắng của Thị đội Tuy Hòa đánh vào Ty cảnh sát. Địch tháo chạy tán loạn, ta phá hủy một số lô cốt, thu và phá hủy một số vũ khí rồi tổ chức rút lui an toàn.
Trong đêm giao thừa tết Mậu Thân 1968, tất cả các huyện lỵ, chi khu, thị trấn trong tỉnh đều bị quân ta tấn công.
Bản hùng ca 1968 còn tiếp diễn với các trận tấn công vào thị xã đêm mùng năm Tết của Tiểu đoàn 85 và tổng tấn công đợt 2 ngày 4/3/1968. Ký ức hào hùng đêm giao thừa tết Mậu Thân 1968 mãi mãi hằn sâu trong tâm khảm các cựu binh về một thời quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
THANH BÌNH