Hoạt động nổi dậy ở Tuy Hòa trong mùa xuân 1968

Thứ năm - 07/03/2019 16:30
Trên địa bàn TX Tuy Hòa, trước Tổng tiến công và nổi dậy, Thị ủy Tuy Hòa kiên cường trụ bám vùng ven thị xã xây dựng căn cứ lõm Chóp Chài ngay sát nách hang ổ kẻ thù, xây dựng bàn đạp Bình Phú A, B, C (nay là phường 9 và xã Bình Kiến)
Hoạt động nổi dậy ở Tuy Hòa trong mùa xuân 1968

Trên địa bàn TX Tuy Hòa, trước Tổng tiến công và nổi dậy, Thị ủy Tuy Hòa kiên cường trụ bám vùng ven thị xã xây dựng căn cứ lõm Chóp Chài ngay sát nách hang ổ kẻ thù, xây dựng bàn đạp Bình Phú A, B, C (nay là phường 9 và xã Bình Kiến) gồm các thôn: Ngọc Phong, Minh Đức, ấp Thanh, Phước Hậu, Thượng Phú, Phú Vang, Liên Trì, Ninh Tịnh và các phường 1, 2, 3. Từ bàn đạp, lực lượng ta ém quân, chuyển vũ khí, tổ chức các trận đánh vào Tỉnh đường, Chi cảnh sát, Đài phát thanh, Trung đoàn 47 ngụy.

 

Đồng chí Trần Đặng

Tất cả các thôn của bàn đạp Bình Phú đều có hầm bí mật kiên cố và bán kiên cố. Hầm bí mật nằm ở góc vườn, giữa vườn, dưới gốc cây, tảng đá, lùm tre, cồn đất, bờ mương nước, cạnh giếng nước, dưới nền nhà ở, dưới nền chuồng heo, chuồng bò… Hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội, cất giấu vũ khí tài liệu, dự trữ lương thực, nước uống… Những hầm bí mật này do cơ sở ta đào và phục vụ khi có cán bộ, bộ đội ta ở hoạt động.

 

Thôn Phước Hậu có 10 hầm bí mật, thôn Liên Trì có 28 hầm bí mật (18 hầm kiên cố và 10 hầm bán kiên cố), thôn Ninh Tịnh có 8 hầm bí mật (5 hầm kiên cố và 3 hầm bán kiên cố). Riêng khu vực phía tây thôn Liên Trì, xóm Long Đức, từ đường ray xe lửa đến chân núi Chóp Chài có 22 hầm bí mật (14 hầm kiên cố và 8 hầm bán kiên cố), xóm Bầu có 2 hầm bí mật, xóm Nhũi có 1 hầm bí mật, xóm Gò có 3 hầm bí mật (1 hầm kiên cố và 2 hầm bán kiên cố). Các hầm bí mật ở thôn Liên Trì có lúc nuôi giấu cả trung đội vũ trang để bất ngờ bật lên đánh giặc giữa ban ngày như hầm bí mật ở đất vườn bà Nguyễn Thị Phai, ông Nguyễn Cục. Hầm bí mật nhà vợ đồng chí Lê Kiên (Quang) - Thị đội phó Tuy Hòa ở xóm Bầu là nơi ẩn náu của Ban Chỉ huy Thị đội. Hầm bí mật ở dưới nền chuồng bò của ông Đặng Đề (xóm Nhũi - Liên Trì) và một số hầm khác là nơi che giấu súng cối 82 ly, trung đại liên, ĐKZ, H12, B40, B41 để lực lượng ta dội bão lửa vào hang ổ của địch.

 

Nhờ hệ thống hầm bí mật kiên cố, bán kiên cố và dựa vào lòng dân, được nhân dân che chở, nuôi dưỡng, các mũi công tác ngày đêm bám trụ, đứng vững trong thôn ấp, ngay cả những xóm sát TX Tuy Hòa. Từ hầm bí mật, lực lượng ta “xuất quỷ nhập thần”, tổ chức diệt ác ôn, chỉ điểm; tập kích vào lực lượng phòng thủ của địch dày đặc trên địa bàn, pháo kích vào các căn cứ và các vị trí đầu não của địch trong nội thị.

 

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Thị ủy Tuy Hòa khẩn trương chuẩn bị các mặt để tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định. Các mũi công tác của thị xã triển khai xuống các địa bàn của mình phụ trách bám dân, xây dựng kế hoạch, phân công các lực lượng nòng cốt để phối hợp đúng giờ G.

 

Lực lượng nổi dậy bên trong giao cho đồng chí Trần Đặng, Thị ủy viên phụ trách chuẩn bị cho lực lượng tại chỗ. Đồng chí Đỗ Tấn Hữu (Sáu Hữu) lo mảng trí thức học sinh, sinh viên, Phật giáo, lực lượng thứ ba. Đồng chí Lê Đức Minh, Thư ký công đoàn và đồng chí Nguyễn Thị Hiệp, Ủy viên Thường vụ công đoàn ở bắc thị xã nắm các nghiệp đoàn lao công trong thị xã. Đảng viên cơ sở hợp pháp, cán bộ cơ sở nòng cốt của từng phường khi có thời cơ huy động quần chúng nổi dậy xuống đường tấn công địch. Lực lượng bên ngoài, chủ yếu cơ sở bí mật hợp pháp và gia đình binh lính tốt.

 

Các cơ sở nòng cốt TX Tuy Hòa tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: đồng chí Võ Bá Duy (đảng viên), Phạm Duy Lưu (đảng viên), Trần Thị Lan (đảng viên), Nguyễn Cục (đảng viên), Hồ Thị Hảo (đảng viên, sau là Thị ủy viên sống hợp pháp hoạt động trong vùng địch kiểm soát), Nguyễn Thị Thửng (đảng viên), Nguyễn Thị Thuận, Nguyễn Thị Phai, Trần Thị Mực, Đàm Thị Lý, Huỳnh Thị Nê, Hồ Thị Lý (ở Long Đức, thôn Liên Trì), đồng chí Thừa, đồng chí Kim (ở Long Đức, thôn Liên Trì); Mười Chuẩn (xóm Bầu, thôn Liên Trì), ông Giềnh, anh Chỉnh, bà Nước, anh Hạnh (xóm Gò, thôn Liên Trì), Đặng Đề (xóm Nhũi, thôn Liên Trì), Lương Kim Hạt, Phạm Thị Trổ, Phạm Thị Sa (đảng viên), Nguyễn Thị Nồng (đảng viên, sau đề nghị Thị ủy viên, sống hợp pháp), Nguyễn Thị Ngâm, Cao Thị Gòn, Nguyễn Thị Mai (thôn Phước Hậu); Đỗ Thị Ngo, Nguyễn Thị Bảy, Hồ Thu (thôn Phú Vang), Nguyễn Tỹ (đảng viên), Nguyễn Quang, Nguyễn Quyền, anh Công, chị Liên ở khu đồn Ninh Tịnh, anh Thắng (Ninh Tịnh), Võ Thị Hồng Giác, Nhà may 3 số 5 (555), Nguyễn Trung Thành, Lê Kinh Hứa (nhà giáo lão thành), Nguyễn Thị Nưng (Tám Măng), Nguyễn Thị Còn (phường 1).

 

TRẦN ĐẶNG

Nguyên Bí thư Thị ủy Tuy Hòa trong kháng chiến chống Mỹ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp