Ngày đầu tháng 6, khi trời còn chưa sáng, ngư dân ở xóm Rớ (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) đã thức dậy từ rất sớm để đi ghe ra biển, rải lưới cách bờ gần 1km theo vòng cánh cung. Sau khoảng 60-90 phút rải lưới, trên bờ có khoảng 10-14 người chia ra 2 tốp đứng về hai bên, kéo giật lùi và dần tiến lại gần nhau khi lưới được đưa lại gần bờ để thu thành phẩm.
Sản phẩm thu được là các loại cá cơm ngần, cá đục, cá mó, tôm và mực tươi rói. Họ phân loại, bán cho người dân gần đó hoặc qua thương lái ngay tại bờ biển. Tùy theo loại thủy sản, trung bình mỗi ngày lao động, ngư dân được chia từ 150.000-300.000 đồng/người.
Nghề kéo lưới quát tồn tại khá lâu ở địa phương, hàng năm bắt đầu thả lưới từ tháng 2 và kết thúc tầm 20 tháng 7 (âm lịch). Nhiều năm trước, mỗi mẻ lưới ngư dân thu cả tạ cá, bán được vài triệu đồng. Còn nay, nguồn thủy sản ven bờ dần cạn kiệt, mỗi mẻ lưới nhiều nhất cũng chỉ kiếm được trên dưới một triệu đồng.
Anh Đặng Văn Rốt ở xóm Rớ, cho biết những ngày biển lặng, không có gió, ngư dân địa phương kéo lưới quát được nhiều hay ít phụ thuộc vào con nước thủy triều |
Mỗi đội gồm cả nam và nữ, kết hợp sức mạnh để kéo mẻ lưới có trọng lượng nặng |
Ngư dân kéo lưới vào bờ |
Mẻ đầu tiên ngư dân kéo được nhiều mực lớn và cá |
Vợ chồng ông Chiến bán cá cho người dân ngay tại bờ biển |
Nếu mẻ lưới đầu tiên có nhiều cá mực thì ngư dân tiếp tục thả các mẻ lưới tiếp theo |
Sau thu hoạch mẻ lưới đầu, họ tiếp tục thu lưới và chuẩn bị thả mẻ tiếp theo |
NGỌC MINH (thực hiện)