Người góp công xây dựng ba di tích lịch sử cấp tỉnh

Thứ năm - 18/06/2020 05:48
Để linh hồn đồng đội có được nơi yên nghỉ, để thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc

Để linh hồn đồng đội có được nơi yên nghỉ, để thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, có những cựu chiến binh đã không quản ngại gian khó, đầu tư công sức và tiền bạc để xây dựng những công trình vinh danh chiến thắng, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho con cháu mai sau. Đại tá, thương binh Lưu Công Thục là một người như thế.

 

Tuổi trẻ lập nhiều chiến công

 

Lưu Công Thục sinh năm 1950, tại xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Tròn 17 tuổi, ông nhập ngũ vào Sư đoàn 338. Rồi được lệnh hành quân vào Nam thuộc Sư đoàn 325B ở Kon Tum. Ông bị thương trong trận đánh tại cao điểm 824, điều trị tại Quân y viện 211 (thuộc B3), đóng trên đất Campuchia. Cuối năm 1968, ông được bổ sung về Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) sau này là Tiểu đoàn 13 của Tỉnh đội Phú Yên.

 

Mình được sống là phước đức lắm rồi. Càng nghĩ càng thương anh em một thời đồng cam cộng khổ, nhường nhau từng thìa cháo, cọng rau, viên thuốc. Anh em hy sinh chẳng được hưởng thứ gì nên tôi rất muốn việc mình làm sẽ cầu mong cho vong linh họ được siêu thoát. Ông Lưu Công Thục

Lưu Công Thục và đồng đội đã đặt chân đến mọi vùng đất Phú Yên, từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân. Giữa khốc liệt, thiếu thốn của chiến tranh, những giải phóng quân năm xưa vẫn một lòng sống chết bên nhau trong sự đùm bọc che chở thương yêu của đồng bào. Trải qua 8 năm trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông đã góp phần lập nên những chiến công xuất sắc cùng với quân và dân Phú Yên giải phóng tỉnh nhà. Trong số đó có các chiến công nổi bật như: Trận phản kích ở ấp Bắc Lý (Sơn Hòa), ngày 19/6/1971, địch tập trung một lực lượng lớn bao vây Đại đội 2, sau nhiều giờ chiến đấu quyết liệt đơn vị ông tiêu diệt hàng trăm tên địch, nhưng do không cân sức nên suốt một ngày chiến đấu, Đại đội 2 hy sinh 57 cán bộ chiến sĩ, 14 anh em còn lại đều bị thương phải tổ chức rút lui. Hay như tháng 1/1972, Tiểu đoàn 13 đóng quân ở Trại Cháy, xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa. Ông Thục là trung đội phó, được giao nhiệm vụ chỉ huy tập kích địch ở đồi Đá Ong. Ông đã chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3. Ngày 27/5/1972, đơn vị ông đánh địch tại ấp Quán Cau (Tuy An). Sau trận này, ông Thục được phong chuẩn úy tại trận. Ngày 2/6/1972, tham gia đánh tiêu diệt gọn đại đội Nam Triều Tiên khét tiếng gian ác ở Đồng Tre. Ngày 7/8/1972, ông chỉ huy trung đội tập kích địch và chốt giữ đèo Tam Giang (Tuy An). Ngày 20/8/1972, đánh địch ở đồi Mái Nhà và cơ động đánh địch ở xã An Hòa (Tuy An). Trận này ông được phong đại đội phó tại trận, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 2…

 

Trước Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ V (tháng 9/1973), diễn ra Đại hội thi đua công, nông, binh toàn tỉnh, ông là đại biểu ưu tú, được lựa chọn báo cáo điển hình đầu tiên và được chọn dự Đại hội thi đua của Quân khu 5. Ngày 19/3/1975, đại đội trưởng Lưu Công Thục chỉ huy Đại đội 1 đánh tiêu diệt địch tại cứ điểm Cầu Cháy, trận này đơn vị giành thắng lợi, Tiểu đoàn 13 hy sinh 16 đồng chí.

 

Góp công sức tôn tạo ba di tích lịch sử cấp tỉnh

 

Sau giải phóng, ông tiếp tục công tác trong quân đội, là đại tá chỉ huy Sư đoàn 305 cho đến ngày về hưu. Dẫu thương tật thỉnh thoảng tái phát, nhưng ông Thục vẫn luôn quan tâm đến đồng đội đã hy sinh. Ông Thục tích cực tìm kiếm giúp thân nhân quy tập hơn 20 mộ liệt sĩ. Đặc biệt là ông đã bỏ ra nhiều tâm huyết, công sức tham gia vận động xây dựng nhà bia liệt sĩ, trực tiếp góp công thực hiện thành công ba địa danh chiến công được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Cụ thể, ông cùng đại tá Trần Văn Mười vận động xây dựng mộ tập thể cho 57 liệt sĩ hy sinh tại ấp Bắc Lý (bây giờ là khu phố Bắc Lý, Sơn Hòa). Công trình được hoàn thành năm 2012, với kinh phí hơn 2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Hàng năm, vào ngày 18/6, chính quyền, nhân dân địa phương và Ban liên lạc Tiểu đoàn 13 tổ chức cúng giỗ liệt sĩ.

 

Năm 2018, ông cùng các ông Phạm Trung Mạo, Châu Thanh, Đặng Phi Thưởng, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Ngô Quyền quyên góp xây dựng nhà bia tưởng niệm 167 liệt sĩ hy sinh trong trận ngày 5/4/1968 tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng. Công trình được xây dựng với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng, từ nguồn đóng góp tự nguyện của cựu chiến binh Trung đoàn 10. Trong lễ khánh thành nhà bia do UBND huyện Phú Hòa tổ chức ngày 31/8/2018, đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã phát biểu: “Tôi rất xúc động khi về đây chứng kiến một công trình tâm linh được khánh thành. Xúc động nhất, đó là bằng tình cảm của những người lính, các cựu chiến binh đã dành dụm, đóng góp đồng lương ít ỏi của mình cùng xây dựng một công trình có ý nghĩa đặc biệt. Tôi giao cho địa phương, các cấp, ngành liên quan sớm xác lập hồ sơ đề nghị công nhận đây là di tích lịch sử cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia; để nơi đây trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh của địa phương”. Hàng năm vào ngày 5/4 nơi đây diễn ra ngày giỗ tập thể liệt sĩ Tiểu đoàn 12.

 

Gần đây, đầu năm 2020, ông Thục cùng Ban liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn 13 đã đứng ra vận động cựu chiến binh của đơn vị trên khắp cả nước quyên góp xây dựng nhà bia để thờ 16 cán bộ, chiến sĩ D13 hy sinh ngày 19/3/1975 tại cầu Cháy, Hòa Mỹ Đông, Tây Hòa. Ngày 14/6/2020, công trình hoàn thành với tổng số tiền 250 triệu đồng.

 

Hai công trình Bắc Lý và Mỹ Thành đã được công nhận trước năm 2019. Công trình Nhà bia tâm linh ở cầu Cháy đã được UBND tỉnh ký quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, UBND huyện Tây Hòa công bố vào sáng 18/6/2020. Các công trình trên có ý nghĩa rất lớn, là địa điểm trực quan giáo dục truyền thống cách mạng, nơi tham quan du lịch tâm linh, niềm tự hào về chiến công của cha anh cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp