“Với chúng tôi, Hải Dương với Phú Yên tuy hai mà một. Kể từ khi đặt chân đến Phú Yên, chúng tôi đã xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình”, ông Trần Duy Vang, Trưởng Ban liên lạc Hội Đồng hương Hải Dương tỉnh Phú Yên chia sẻ.
Đã từ lâu, ngôi nhà nằm ở góc đường Võ Thị Sáu, Phan Chu Trinh (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) đã trở thành điểm hẹn của những người con Phú Yên quê Hải Dương vào mỗi độ Tết đến, xuân về và những dịp lễ trọng. Chủ nhân của ngôi nhà này là ông Trần Duy Vang, Trưởng Ban liên lạc Hội Đồng hương Hải Dương tỉnh Phú Yên. Vợ chồng ông Vang đều là cán bộ ngành Ngân hàng từ huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương được tăng cường cho Phú Yên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đã “bén rễ xanh cây” với mảnh đất này từ đó đến nay.
Vì Phú Yên ruột thịt
Ông Vang tâm sự: Hải Dương - Phú Yên kết nghĩa từ năm 1960 - giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả vì miền Nam, vì Phú Yên ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đồng bào Hải Dương đã ra sức lao động sản xuất, làm việc bằng hai bằng ba để tiếp sức cho Phú Yên trong cuộc chiến dài hơi. Hàng ngàn người con Hải Dương đã tạm biệt người thân lên đường vào Nam đánh Mỹ, trong số ấy có nhiều người vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Phú Yên anh hùng…
Sau khi tỉnh Hải Dương kết nghĩa với tỉnh Phú Yên, có bốn đường phố của TX Hải Dương (nay là TP Hải Dương) được đổi và mang địa danh của Phú Yên: phố Hàng Giầy đổi thành phố Sơn Hòa, phố Hàng Bạc đổi thành phố Xuân Đài, phố Hàng Đồng đổi thành phố Đồng Xuân, phố Hàng Lọng đổi thành phố Tuy An. Bốn đường phố này đến nay vẫn là những đường phố chính của Hải Dương. Ngoài ra còn có chợ Phú Yên. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, quân và dân Phú Yên tiếp tục được sự hỗ trợ chí nghĩa, chí tình từ những người bạn Hải Dương. Một trong những biểu tượng của tình đoàn kết, gắn bó thủy chung là Thư viện Hải Phú. Và cũng sau ngày giải phóng, nhiều người con Hải Dương đã nếm mật nằm gai, tham gia chiến đấu ở chiến trường Phú Yên, vì nặng tình với Phú Yên đã quyết định ở lại mảnh đất này để lập nghiệp và luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình.
Một trong những người con của Hải Dương đã chọn Phú Yên làm quê hương thứ hai và gắn bó suốt đời là ông Vũ Quốc Hội, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Trưởng Ban liên lạc Hội Đồng hương Hải Dương tỉnh Phú Yên. Năm 1967, theo tiếng gọi của đồng bào miền Nam ruột thịt, ông Hội rời làng quê Thanh Miện, cùng 120 thanh niên ưu tú của Hải Dương lên đường vào Nam chiến đấu ở chiến trường Phú Yên. “Vừa vào đến nơi ngày hôm trước, ngày hôm sau chúng tôi tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968. Trước khi đánh vào quận lỵ Hiếu Xương, đồng chí Sáu Sang, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1 đến động viên tinh thần, toàn đơn vị rất phấn khởi, ai cũng muốn được lập công đầu”, ông Hội nhớ lại.
Suốt 8 năm chiến đấu ở chiến trường Phú Yên, ông Hội cùng đồng đội là những người con Hải Dương luôn được sự cưu mang đùm bọc, chở che của người dân địa phương; liên tiếp tấn công làm cho quân địch thất điên bát đảo, hoang mang dao động. Nhiều trận đánh quả cảm của những người con Hải Dương làm cho địch chịu nhiều thiệt hại như: công đồn Pa Tí (dốc Cu, đèo Cả), tập kích vào cầu cảng, đơn vị hậu cần, kho vũ khí Vũng Rô; tập kích đại đội lính Nam Triều Tiên (ở Hòa Xuân) và lính Bạch Mã (Đa Ngư - Phú Lạc, Hòa Hiệp); phục kích đánh địch ở lầu Ông Lợi (Phú Lương, Hòa Tân)…
Kết nối nghĩa tình
Hội Đồng hương Hải Dương tỉnh Phú Yên được chính thức thành lập từ năm 2000. Đây là tổ chức tự nguyện của những người con Hải Dương đang sinh sống tại Phú Yên, bao gồm những cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Phú Yên trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và những người đến Phú Yên công tác và lập nghiệp sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngoài các chi hội ở TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, còn có Chi hội Đồng hương Hải Dương Trung đoàn Không quân 910.
Ông Trần Duy Vang cho biết: Hội Đồng hương Hải Dương tỉnh Phú Yên hiện có trên 100 thành viên (gia đình). Trong quá trình hoạt động, ban liên lạc luôn được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các ban ngành, đoàn thể của tỉnh Phú Yên. Cùng với làm tốt công tác tình nghĩa, thường xuyên giữ mối liên hệ với đồng hương; đoàn kết, thương yêu, tương trợ, chia sẻ buồn vui, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và đóng góp công sức xây dựng Phú Yên ngày càng phát triển, những người con Phú Yên quê Hải Dương cũng luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn, là nhịp cầu kết nối nghĩa tình Hải Dương - Phú Yên ngày càng bền chặt, thủy chung. “Mỗi khi có đoàn công tác của Hải Dương vào thăm, làm việc ở Phú Yên chúng tôi đều được tiếp xúc và thông tin về quê nhà. Chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi trước những thành tựu và đổi mới mà Hải Dương đã đạt được trong những năm qua. Với chúng tôi, Hải Dương với Phú Yên tuy hai mà một. Kể từ khi đặt chân đến Phú Yên, chúng tôi đã xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình”, ông Trần Duy Vang thổ lộ.
Một trong những hoạt động nghĩa tình của những người con Phú Yên quê Hải Dương, đó là công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ông Vũ Quốc Hội cho biết, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, nhiều người con của Hải Dương và các tỉnh, thành phố Hưng Yên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội… vào Nam chiến đấu ở chiến trường Phú Yên đã anh dũng hy sinh. Riêng chiến dịch Mậu Thân 1968 có 78 chiến sĩ quê Hải Dương hy sinh. Trong đó có những người đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Hội Đồng hương Hải Dương tỉnh Phú Yên chính là một trong những cầu nối để người thân của các liệt sĩ liên lạc, tìm kiếm hài cốt của cha, anh, chồng, con mình. Suốt nhiều năm qua, ông Hội đã đồng hành cùng thân nhân của liệt sĩ khi lên Đồng Tàu ở xã Hòa Thịnh, vực Phun ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), khi leo núi Chai ở xã Hòa Tân Đông, lúc lặn lội xuống Hòa Tâm (huyện Đông Hòa)… để tìm hài cốt đồng đội. Kết quả, nhiều hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy, đưa về quê nhà an táng như Nguyễn Nhật Lệ (huyện Kim Môn), Nguyễn Văn Bảng (huyện Gia Lộc), Đặng Văn Thăng (huyện Thanh Miện, Hải Dương), Nguyễn Thanh Bình (Hòa Bình)…
“Là những người may mắn sống sót và được tận hưởng cuộc sống thanh bình, chúng tôi không quên sự hy sinh của những đồng chí, đồng hương đã từng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Vậy nên, khi còn có thể là chúng tôi tiếp tục hành trình đi tìm đồng đội - những người đã giành lấy sự hy sinh để chúng ta có được cuộc sống tươi đẹp hôm nay”, ông Vũ Quốc Hội trải lòng.
Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày Hải Dương và Phú Yên kết nghĩa, trong thời gian qua Đảng bộ, chính quyền, quân, dân Phú Yên luôn nhận được sự hỗ trợ chí nghĩa, chí tình từ những người bạn Hải Dương. Hội Đồng hương Hải Dương tỉnh Phú Yên chính là một trong những nhịp cầu kết nối, góp phần đắp bồi tình nghĩa thủy chung, gắn bó keo sơn giữa hai tỉnh.
Trong thời gian tới, Ban liên lạc Hội Đồng hương Hải Dương tỉnh Phú Yên tiếp tục duy trì các hoạt động, tập hợp, đoàn kết những người con Hải Dương, tiếp tục là “nhịp cầu” kết nối hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên và có những đóng góp xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng phát triển giàu đẹp văn minh.
Ông Trần Duy Vang |
XUÂN HIẾU