Đó là bà Nguyễn Thị Kim Tường, hiện sinh sống tại 68/13 Nguyễn Huệ, phường 5, TP Tuy Hòa. Tham gia cách mạng lúc 15 tuổi, bà làm giao liên, binh vận ở cơ sở… Bị địch bắt năm 1968, trong trại giam của quân thù bà luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng kiên trung.
Bà Tường (thứ hai từ phải qua) cùng các nữ tù binh Phú Tài thăm Đài tưởng niệm các nữ tù binh hy sinh trong tù năm 2017. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chuyện hoạt động cách mạng giờ đây không phải là bí mật cần giấu kín như thời chiến nhưng bà Tường vẫn ít muốn nói tới, vì theo bà như vậy chẳng khác gì ngợi ca công lao của chính mình. Khó khăn lắm bà mới trải lòng sau khi được gợi lại những năm tháng sống trong “địa ngục trần gian”.
Giữ vững khí tiết cách mạng
Theo ông Lê Văn Thống, Phó Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước TP Tuy Hòa, bà Nguyễn Thị Kim Tường sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn Phú Lương, xã An Chấn, huyện Tuy An. Trước năm 1962, chưa đầy 15 tuổi, bà Tường làm giao liên nắm tình hình địch ở thôn, xã cung cấp cho cơ sở cách mạng. Nhờ vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, cô bé Tường được phân công công tác binh vận ở thôn Phú Lương, rồi làm ủy viên Ban Binh vận xã An Chấn. Ban ngày thì ở căn cứ Hang Hổ, thôn Phú Liên, đêm xuống cơ sở tuyên truyền đường lối cách mạng, xây dựng cơ sở bí mật và vận động lính ngụy bỏ súng quay về với cách mạng. Có lần đi công tác, bà bị địch bắt, nhưng nhờ nhanh trí nên thoát thân.
Bà Tường kể: “Năm 1966, tôi từ cơ sở trở về căn cứ, khi băng qua cánh đồng lúa ở thôn Phú Phong, thì gặp địch đi càn và nghi làm cộng sản nên bắt giữ. Lúc đó, tôi khóc òa lên và nói người nhà bảo lên thăm ruộng thử lúa chín chưa để hôm sau gặt thôi. Bọn lính nghe vậy và thấy tôi còn nhỏ nên dẫn về nhà gặp người thân. Trên đường đi, tôi suy nghĩ lựa nhà nào có người quen là yên tâm nhất. Vừa đến nơi, tôi khóc to, rồi bà con cơ sở xúm lại bao che nên chúng tưởng thật mà thả ra”.
Sau đó, bà Tường làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Chấn. Công tác ở Hội Phụ nữ, bà thường xuyên xuống cơ sở nắm tình hình địch và xây dựng cán bộ tại chỗ để phục vụ cách mạng. Bà Tường nhớ lại một lần suýt chết tại thôn Long Thủy, xã An Phú: “Hôm đó, vào ban ngày nên tôi cũng chủ quan đi ra ngoài và xuống hầm trốn pháo để xem thì nghe tin báo có địch đi càn nên nhờ cơ sở lấy xe đạp chở đi lánh. Vừa ra khỏi làng, tôi nghe tiếng bom nổ. Sau nghe kể lại là chúng thả lựu đạn ngay hầm pháo tôi vừa trốn”.
Mỗi lần đơn vị có chủ trương đánh địch ở điểm nào, bà Tường cùng anh chị em phải nằm vùng ngày đêm tại chỗ nghe ngóng tình hình địch, nắm vững địa hình và xây dựng cán bộ cơ sở chắc chắn dẫn đường đưa lực lượng vũ trang vào bố trí đánh địch. Lần nào bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
“Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, lúc ấy trời rạng sáng, đoàn công tác khoảng 10 người từ cơ sở đi lên căn cứ mới đến Ấp Lý (xã An Chấn) thì bị địch phục kích bao vây, nổ súng. Cả đoàn tản ra, mỗi người mỗi nơi. Tôi bị địch vây bắt đưa xuống giam ở Tiểu đoàn Nam Triều Tiên đóng tại Gò Đá. Sáng hôm sau, chúng đưa tôi vào giam ở Sư đoàn Bạch Mã đóng tại Hòa Hiệp, quận Hiếu Xương rồi dùng roi điện, gậy đánh bầm tím cả người nhưng tôi quyết thà hy sinh chứ không khai nửa lời. Một tuần sau, chúng đưa tôi vào nhà lao Khánh Hòa. 10 ngày sau chuyển tôi ra trại giam nữ tù binh Phú Tài (Qui Nhơn)”, bà Tường kể.
Tinh thần thép ở nơi ngục tù
Thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” giai đoạn 3 với chính sách “tìm diệt” và “bình định”, Mỹ - ngụy liên tục tổ chức những cuộc hành quân càn quét, bắt bớ, bắn giết cán bộ cách mạng và người dân vô tội. Tại trại giam nữ tù binh “độc nhất vô nhị” trên thế giới tại Phú Tài, xã Phước Long, huyện Tuy Phước (nay thuộc phường Bùi Thị Xuân, TP Qui Nhơn, Bình Định), địch bố trí thành 4 trại, gồm: trại 1 (trại chiêu hồi); trại 2 và trại 3 là nơi giam giữ các nữ tù binh giữ vững khí tiết, không khai báo, không đầu hàng, giữ vững lập trường cách mạng; trại 4 là khu biệt giam, địch dựng lên 6 chuồng cọp.
Trại giam nữ tù binh Phú Tài chủ yếu là phụ nữ với tuổi đời còn rất trẻ từ 17-22, đa số các chị chưa lập gia đình. Mới vào trại, bà Tường bị đưa vào khu biệt giam, địch dùng mọi hình thức tra tấn nhưng không khai thác được gì nên chúng đưa bà ra trại 2, 3. Một tháng sau, bà móc nối với tổ chức Đảng trong nhà lao tiếp tục hoạt động, được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ Đảng tỉnh Phú Yên (thuộc Đảng bộ BK) kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên Phú Yên.
Bà Tường (hàng sau, thứ hai từ trái qua) cùng các cựu tù chính trị yêu nước chụp hình lưu niệm tại Sầm Sơn, Thanh Hóa năm 1974. Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Với âm mưu hủy hoại thân xác của chị em nhằm tiêu diệt tinh thần, làm tê liệt ý chí đấu tranh của chị em, chúng dùng đủ hình thức tra tấn vô cùng độc ác. Chính vì vậy, cấp ủy chi bộ luôn động viên chị em cố gắng vững vàng, tin vào cách mạng, không chiêu hồi. Đồng thời tổ chức tập hát, múa, sáng tác kịch, làm thơ… để đến ngày Quốc khánh, Tết Nguyên đán… biểu diễn văn nghệ. Đây cũng là liều thuốc tinh thần làm dịu cơn đau, xua u tối chốn lao tù của chị em chúng tôi”, bà Tường cho biết.
Ngoài ra, chi bộ còn tổ chức học văn hóa. Bà Tường nhớ lại: “Tôi và một số chị em nhờ các anh đi tạp dịch xin giấy bìa carton cứng rồi cắt vuông vứt, chia cho mỗi người một tấm. Buổi tối chị em lén xuống nhà bếp cạo lọ nồi, lấy mỡ heo để dành thắng ra trộn vào trét lên miếng carton, sau đó lấy bìa giấy bóng trắng dán lên giấy carton để viết. Ai biết chữ thì chỉ cho người không biết, rồi tập làm các phép toán cộng, trừ… Hàng ngày, tụi tôi để dành lại một ít cơm, giấu đem phơi trên nền xi măng của phòng giam cho khô rồi bỏ vào túi ni lông đào hố chôn, cất giấu nhiều nơi, phòng khi đấu tranh tuyệt thực thì lại lấy ra ăn để có sức chiến đấu. Nói chung, dù bị địch cầm cố, tra tấn dã man nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tranh đấu bằng mọi cách có thể”.
Có những lần biểu tình đấu tranh đòi tăng cơm, đòi có thuốc uống khi ốm đau, đòi phát quần áo mặc, nước sinh hoạt…, chị em bị chúng bắt ra phơi nắng cả ngày, có khi cả tuần. Nhiều chị vì không chịu nổi đòn roi tra tấn của địch ra chiêu hồi. Bà Tường bị chỉ điểm nên địch đã bắt ra phơi nắng ngoài sân cả ngày rồi biệt giam, chịu mọi cực hình tra khảo. Song, vượt qua tất cả, bà đã chứng tỏ bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng.
Tháng 5/1972, địch chuyển trại giam nữ tù binh Phú Tài vào Cần Thơ. Đến ngày 23/7/1973, tại sân bay Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), địch trao trả toàn bộ nữ tù binh cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, trong đó có bà Tường. Ngày 10/4/1974, bà được đưa ra Bắc chữa bệnh tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Năm 1976, bà Tường trở về quê công tác tại Hội Nông dân huyện Tuy An, đến năm 1980 chuyển về Hội Nông dân TX Tuy Hòa và nghỉ hưu năm 1993. Được tín nhiệm bầu làm Hội thẩm TAND TX Tuy Hòa rồi Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước phường 5, nhiệm vụ nào bà cũng tận tâm, tận lực. Năm nay đã bước qua tuổi 73, sức khỏe suy giảm dần nhưng bà Tường rất tích cực trong công tác hội. Với vai trò Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước phường 5, bà vận động từ nhiều nguồn thành lập quỹ hội dùng để thăm viếng hội viên khi ốm đau, điếu tang, trợ giúp những hội viên khó khăn, hỗ trợ các cháu vượt khó học giỏi…
Bà Nguyễn Thị Kim Tường là một nữ tù kiên trung trong thời chiến và gương mẫu trong thời bình. Hội Tù chính trị yêu nước phường 5 luôn là một trong những cơ sở hội hoạt động hiệu quả. Đồng đội phát huy tinh thần đoàn kết, quả cảm, cùng tương trợ nhau tiếp tục đóng góp xây dựng địa phương. Ông Lê Văn Thống, Phó Chủ tịch Hội Tù Chính trị yêu nước TP Tuy Hòa |
KHÔI NGUYÊN