Du lịch thay đổi theo đại dịch

Chủ nhật - 23/05/2021 11:14
Đại dịch COVID-19 ập đến, quần thảo như cơn bão biển trái tính, gàn dở chẳng theo một quỹ đạo nào, khiến cho thế giới lao đao, trong đó ngành Du lịch là bị tác động trực tiếp, nặng nề nhất.

Đại dịch COVID-19 ập đến, quần thảo như cơn bão biển trái tính, gàn dở chẳng theo một quỹ đạo nào, khiến cho thế giới lao đao, trong đó ngành Du lịch là bị tác động trực tiếp, nặng nề nhất. Không ít doanh nghiệp du lịch đã lần lượt phá sản, khách du lịch cũng đã cuồng chân 2 năm nay. Dẫu kêu than cũng không thể thay đổi sức tàn phá của virus SARS-CoV-2, chi bằng thay đổi để thích ứng.

 

Khi mà con người chưa có giải pháp hữu hiệu nhất để khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi COVID-19 thì cách duy nhất là phải thích ứng với nó trong tình hình mới.

 

Du lịch trực tuyến

 

Cuộc cách mạng 4.0 của nhân loại đang diễn ra, việc ứng dụng công nghệ, điện tử vào ngành Du lịch trở thành điều kiện tất yếu để tạo nên nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, kích thích sự tăng trưởng và phát triển du lịch trên toàn thế giới. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhân loại đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Những giải pháp công nghệ cho du lịch càng được đẩy nhanh hơn, phát triển mạnh mẽ hơn phù hợp với tình hình giãn cách xã hội.

 

Thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong nước áp dụng việc bán hàng, thanh toán online. Ngày càng nhiều sàn giao dịch điện tử về du lịch, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây, khi xuất hiện COVID-19 thì các sàn giao dịch này càng phát huy hiệu quả. Việt Nam có hơn 10 sàn giao dịch du lịch, phổ biến như: ivivu.com, mytour.vn, tripi.vn, chudu24.com, gotadi.com… Xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ trong du lịch trở thành tất yếu. Ngành Du lịch đang không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên các chương trình chiến lược phù hợp, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, tạo hệ sinh thái du lịch thông minh, tạo đột phá trong phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Đối với doanh nghiệp du lịch Phú Yên, gần như 100% khách sạn từ 3-5 sao, công ty lữ hành, nhà hàng đều có website, fanpage giới thiệu, quảng bá sản phẩm; hầu hết đơn vị áp dụng bán hàng, thanh toán online và tham gia một số sàn điện tử như Agoda, Booking, Tripi.vn, gotadi.vn, ivivu.com... Các doanh nghiệp du lịch đều tận dụng sức mạnh lan tỏa trên các công cụ hỗ trợ có sẵn như mạng xã hội (Facebook, Zalo…).

 

Công tác quảng bá, số hóa, trực tuyến cũng đang trở thành xu thế tất yếu. Điển hình nhất là dự án quảng bá Google Arts and Culture - Kỳ quan Việt Nam do Tổng cục Du lịch và Tập đoàn Google thực hiện đầu năm 2021 đã và đang mang lại hiệu ứng rất tốt, đưa hình ảnh du lịch Việt Nam gần hơn với thế giới.

 

Dự án Google Arts and Culture - Kỳ quan Việt Nam ra mắt với 35 triển lãm trực tuyến gồm 1.369 bức ảnh tuyệt đẹp của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt, mang đến những góc nhìn phong phú, mới mẻ từ những điểm đến nổi tiếng, những di sản và kỳ quan của Việt Nam.

 

Lạc vào Google Arts and Culture - Kỳ quan Việt Nam, bạn như đang được du lịch trực tuyến với những cảnh đẹp mê hồn trong bối cảnh bạn không thể bước ra khỏi nhà vì đại dịch. Nó như một bảo tàng sống động dẫn dắt người xem theo mạch câu chuyện cuốn hút về vẻ đẹp bất tận của Việt Nam, triển lãm trực tuyến đưa du khách bắt đầu hành trình từ “8 điều nên biết về Việt Nam” hay “5 điều bạn nên làm dịp đầu năm mới” với những thông tin thú vị và hình ảnh ấn tượng về lịch sử, văn hóa, phong tục, ẩm thực, cảnh quan hùng vĩ của Việt Nam. Khám phá kỳquan của Việt Nam trên Google Arts and Culture tại địa chỉ https://artsandculture.google.com/project/wonders-of-vietnam hoặc tải và sử dụng ứng dụng với từ khóa “Wonders of Vietnam”, hiện đã có sẵn cho hệ điều hành iOS và Android.

 

Du lịch an toàn trong mùa dịch tại gành Đá Đĩa. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Trọng tâm là thị trường khách nội địa

 

Kỳnghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua có số ngày nghỉ khá dài (4 ngày) với một lượng lớn khách du lịch nội địa “tràn” về các địa điểm du lịch trong nước là một minh chứng cho thấy nguồn khách nội địa là động lực giúp ngành Du lịch phục hồi. Tại Phú Yên, lượng khách đến trong dịp lễ này tăng đột biến. Tổng lượt khách du lịch đến xứ ở hoa vàng cỏ xanh đạt khoảng 24.300 khách. Trong đó, tại các cơ sở lưu trú là 16.100 lượt khách. Khách tham quan tại các di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, Tháp Nhạn và Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh đạt gần 31.000 lượt. Trong tháng 4, tổng lượng khách du lịch đến Phú Yên đạt 97.230 lượt; các khách sạn từ 3-5 sao, các resort ven biển gần như không còn phòng trống trong dịp lễ.

 

Đó là lượng khách thực đón, sau khi có thông tin về làn sóng dịch thứ tư bùng phát, các địa phương trong nước lần lượt áp dụng các biện pháp hạn chế, cộng với tâm lý cần được an toàn của du khách, nên lượng khách hủy, hoãn tour chiếm tỉ trọng khá lớn. Ông Đàm Đại Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Du hành Đại Hữu, cho biết đơn vị mới chỉ thực hiện hơn một nửa số tour khách trong dịp lễ, phần còn lại khách chủ động hủy, hoãn tour khi có thông tin COVID-19 bùng phát trở lại.

 

Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), tiềm năng của một thị trường nội địa 100 triệu dân với nhu cầu về du lịch cao cấp, du lịch trải nghiệm là rất lớn. Đây là thời điểm các địa phương, doanh nghiệp cần định hướng xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững, tạo thói quen đi du lịch cho người dân như một nhu cầu thiết yếu.

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều địa phương trong nước xuất hiện các ổ dịch cộng đồng, phải giãn cách xã hội, thêm một lần nữa cần định vị chi tiết hơn thị trường khách nội địa trong không gian nội tỉnh, chứ không phải quy mô trong nước. Qua các số liệu về lượt khách du lịch, thành phần khách nội tỉnh không được thống kê một cách đầy đủ. Đây cũng là một thị trường khách rất đáng lưu ý, nhất là các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí ở các khu, điểm du lịch. Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, nói: “Trong bối cảnh giữa các tỉnh còn chưa thông suốt việc đi lại để phòng chống dịch, các doanh nghiệp du lịch Phú Yên cần quan tâm xây dựng các gói sản phẩm để kích cầu lượng khách du lịch nội tỉnh này”.

 

Du lịch đang “đóng băng”, “ngủ đông” ngay giữa mùa hè, mùa cao điểm du lịch là một sự bất khả kháng. Thời gian này, cơ quan quản lý ngành cần có chương trình hành động quảng bá du lịch, các doanh nghiệp định vị lại chính sách thị trường khách nội địa, trong đó chú ý thành phần khách nội tỉnh để có các gói sản phẩm phù hợp; đồng thời chung tay nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư sản phẩm phong phú sẵn sàng mở cửa đón khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

 

Trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ưu tiên đầu tiên là an toàn sức khỏe, thực hiện có hiệu quả các biện pháp, phòng chống dịch. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng, chúng ta cần phải thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, nhưng cũng cần có những giải pháp hiệu quả tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội. Đối với ngành Du lịch, Sở VH-TT-DL cần chủ động đề xuất phương án, xây dựng kế hoạch và các giải pháp phù hợp để tăng trưởng du lịch.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

 

TRẦN QUỚI

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp