Về làng chài - đi chợ hải sản, đùa vui cùng sóng

Chủ nhật - 19/03/2023 01:29
Tháng ba là thời điểm bắt đầu mùa du lịch biển đảo. Khi phố xá trở nên chật chội, nóng bức, người ta nghĩ đến biển, nhớ biển với những làng chài bình yên, muốn ngâm mình trong làn nước biển trong xanh, mát dịu, chơi đùa với những con sóng nhỏ...

Tháng ba là thời điểm bắt đầu mùa du lịch biển đảo. Khi phố xá trở nên chật chội, nóng bức, người ta nghĩ đến biển, nhớ biển với những làng chài bình yên, muốn ngâm mình trong làn nước biển trong xanh, mát dịu, chơi đùa với những con sóng nhỏ...

 

Một đoàn khách dã ngoại, cắm trại qua đêm ở bãi biển Hòn Chùa. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Đi chợ hải sản ngay bãi biển

 

Từ TP Tuy Hòa đi về phía bắc khoảng 7km là làng chài Long Thủy (xã An Phú), một ngôi làng ven biển có từ lâu đời. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề khơi lộng. Thỉnh thoảng tôi rủ những người bạn thành phố, hoặc khách phương xa đánh một vòng đến làng chài này để cảm nhận một buổi sáng ở biển rộn rã niềm vui với buổi chợ sớm mai.

 

Mùa này, khi biển bắt đầu đi dần ra xa, bãi cát trước làng chài như rộng lớn hơn. Buổi sáng, khi mặt trời bắt đầu ưng ửng ở phía đông, những chiếc thuyền đánh cá gần bờ bắt đầu cập bờ ở ngay chân sóng (thuyền nhỏ này đi tìm luồng cá từ chiều hôm trước; còn những thuyền lớn hơn, đánh bắt dài ngày ở khơi xa sẽ cập vào cảng cá). Lúc này, không gian bãi biển gần mép nước ngay trước làng trở thành chợ “đầu mối”. Cứ mỗi thuyền cập vào bờ là có một nhóm người tụ lại, ngư dân trên thuyền chuyền những giỏ cá xuống thúng chai, đưa vào bờ. Những giỏ cá các loại, tươi roi rói được các chị, các mẹ bán sỉ cho những người mua bán nhỏ hoặc tự mình mang đi các chợ quanh vùng.

 

Buổi sáng ở bãi biển Long Thủy, ngư dân thu dọn ngư cụ sau chuyến biển. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Việc mua - bán ở buổi chợ sớm diễn ra rất nhanh chóng. Người bán ở chợ bãi biển thường là chủ thuyền nên hầu như không nói thách. “Bán để người ta còn đi bán lại kiếm đồng lời, mình đâu cần thách giá”, một chị cho hay. Những người thích dạo chợ bãi biển buổi sáng sớm cũng có thể mua cá, mực tươi ngon ở ngay chân sóng để có một bữa hải sản đậm vị đại dương.

 

Sẽ càng vui hơn khi du khách đến vào những làng chài tổ chức lễ hội cầu ngư. Đây là lễ hội lớn nhất, diễn ra hàng năm của cư dân miền biển. Thời gian tổ chức lễ hội cầu ngư tùy mỗi làng và tình hình thực tế mà ban lạch định ngày mở lễ hội, thường trong khoảng tháng 3-8 âm lịch. Ngoài phần lễ, rước linh, cúng tế, hò bá trạo, hát lễ… thì trong những ngày tiếp theo, phần hội với nhiều trò chơi dân gian, hát bội rộn ràng khắp cả bãi biển.

 

Dọc dài các làng chài Phú Yên, nhiều nơi mang nét văn hóa truyền thống và được thiên nhiên ban tặng không gian biển tuyệt diệu vào mùa hè mà bất kỳ du khách nào cũng muốn một lần trải nghiệm, tận hưởng…

 

Ra Hòn Chùa ăn mực nang

 

Cách làng chài Long Thủy hơn 3km là làng chài Mỹ Quang, thuộc xã An Chấn (huyện Tuy An). Đây cũng là ngôi làng nổi tiếng với nghề đánh bắt gần bờ và muối mắm. Từ sáng đến chiều luôn rộn ràng cảnh tấp nập bến bờ, mua bán. Dứt chợ buổi sáng, đến khoảng 15 giờ là tiếp cảnh chợ chiều, đón những chiếc ghe nhỏ đánh bắt gần bờ cập bến. Không khí trên bãi dưới thuyền lại rộn ràng.

 

Trước mặt làng chài Mỹ Quang là Hòn Chùa, một đảo nhỏ ven bờ, địa điểm dã ngoại thú vị. Thông thường, du khách mua cá tôm ở ngay bãi, rồi thuê ghe đánh cá của người dân chở ra Hòn Chùa thưởng thức buổi tiệc tối BBQ lung linh ánh đèn trên biển, cắm trại qua đêm, chơi những trò chơi trên cát, ngủ một giấc thật sâu cho tới khi ánh mặt trời chiếu vào mặt, nhảy ùm xuống biển buổi sáng thật không gì bằng!

 

Ở Hòn Chùa, khách có thể chèo thuyền sup, lướt mô tô nước vui đùa với sóng và ngắm san hô. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Chị Lê Hoài Yến Phương, người chuyên tổ chức đưa khách ra Hòn Chùa cho biết, tour trọn gói ngủ đêm Hòn Chùa diễn ra theo lịch trình: 14 giờ chiều đón khách tại bến Long Thủy hoặc Mỹ Quang, hành trình thuyền ra Hòn Chùa khoảng 15 phút; tham quan ngắm san hô; tắm biển; tối dùng tiệc BBQ trên đảo; lều trại ngủ qua đêm; ăn sáng hải sản và sửa soạn rời đảo về bờ. Giá tour từ 550.000 đồng/người, khách được mua bảo hiểm. Nếu khách không muốn ngủ qua đêm có thể chọn dịch vụ đi thuyền qua Hòn Chùa và lặn ngắm san hô với giá 120.000 đồng/người. Những khách thích cảm giác mạnh có thể sử dụng dịch vụ đi mô tô nước hoặc lướt sóng bằng thuyền kéo.

 

“Thật tuyệt vời với một chuyến dã ngoại qua đêm trên đảo. Chúng tôi được chèo thuyền sup, lướt mô tô nước. Đặc biệt với áo phao và kính lặn, chỉ cần úp mặt xuống biển là có thể thấy cả đại dương”, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, một du khách đến từ Hà Nội cảm nhận.

 

Và một phần không thể thiếu đó là những bữa ăn với các loại hải sản tươi sống như tôm, mực nang, nhum (còn gọi là nhím biển, cầu gai), ghẹ, ốc... Ra Hòn Chùa có hai món, khách không nên bỏ qua là mực nang và nhum. Mực nang đã đi vào bài hát “Nẫu ca” thành thương hiệu xứ này: “Nhớ hầu (hồi) nào qua Phú Lỡ (Lễ) ăn ẩu (ổi) chua/ Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt/ Qua Hòn Chùa ăn mực nang…”.

 

Còn nhím biển tròn như quả cầu, to như trái cam sành, nhiều gai tua tủa như lông nhím (nhum gai) và nhum sọ gai ngắn áp sát thân. Nhum sọ chế biến đơn giản, chỉ cần nước cốt chanh vắt vào cho tái sơ, húp ngay trong vỏ. Người ta có thể nướng mỡ hành, ốp la nhum sọ trên than hồng; nhum um chuối, nấu cháo... Dù chế biến kiểu gì thì đây cũng là món ngon bổ dưỡng cho mọi người.

 

Một lần trải nghiệm đời sống người dân làng chài, được hưởng làn gió mát, tắm biển, lặn ngắm san hô hay qua đêm trên đảo, những stress thường ngày sẽ nhanh chóng tan ra trong lòng biển; nghe biển hát, gió mát hòa âm làm quên đi mọi muộn phiền khi hòa mình vào thiên nhiên…

 

TRẦN QUỚI

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp