Hiện nay, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình được áp dụng theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Tại điểm a khoản 1 Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng nếu cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó.
Như vậy, chỉ khi vợ ngăn cản chồng gặp gỡ bạn bè với mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý thì sẽ bị coi có hành vi bạo lực gia đình và bị xử phạt như quy định của điểm a khoản 1 Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Do đó, nếu như hành vi của người vợ không có mục đích như trên sẽ không bị xử phạt. Tuy nhiên, bên cạnh hiểu biết về quy định của pháp luật, vợ chồng bạn nên cùng chia sẻ thẳng thắn để tìm thấy tiếng nói chung.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP nêu, phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng.
Trong khi đó, Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 giải thích về tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân…
Như vậy, có thể hiểu, nếu không có thỏa thuận khác thì tiền lương của mỗi bên sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ, chồng. Trường hợp vợ tịch thu hết tiền lương của chồng, không cho chồng sử dụng tiền lương vào những mục đích chính đáng thì có thể sẽ phải chịu mức phạt từ 300.000-500.000 đồng nêu trên.
LS NGUYỄN HƯƠNG QUÊ
(Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên)