Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương vừa phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên tổ chức tập huấn, trong đó có nội dung “Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại điều trị đái tháo đường typ 2”. Báo Phú Yên trao đổi với ThS-BSCKII Kiều Đình Khoan, Trưởng Khoa Lão, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương về đái tháo đường - căn bệnh không lây nhưng có tỉ lệ tử vong cao trong số các bệnh không lây nhiễm.
ThS-BSCKII Kiều Đình Khoan tại lớp tập huấn. Ảnh: YÊN LAN |
* Thưa bác sĩ, có một thực tế là không ít bệnh nhân đái tháo đường tìm cách kiểm soát đường máu bằng những bài thuốc lưu truyền trong dân gian. Bác sĩ nói gì về điều này?
- Đái tháo đường là một bệnh không lây nhiễm, phải kiểm soát và “sống chung” với nó. Việc quan trọng đầu tiên là điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập. Nếu bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập hoặc sử dụng những cây thuốc nam có chất lượng tốt mà kiểm soát được đường máu thì không cần phải sử dụng đến các loại thuốc khác. Đấy là trường hợp mới bị đái tháo đường, không nặng.
Đối với rối loạn đường máu, rối loạn mỡ máu, đầu tiên là phải điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập. Kể cả về sau, khi bệnh đái tháo đường có biến chứng, thì chế độ ăn uống, sinh hoạt… cũng phải được duy trì thường xuyên.
Về những bài thuốc trong dân gian, chúng ta phải biết chọn lọc, lựa chọn những cây thuốc đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn. Đối với giới chuyên môn chúng tôi, sự an toàn phải đặt lên hàng đầu. Thuốc phải rõ ràng nguồn gốc, chất lượng.
Có những loại “thuốc” được làm thành bột hoặc làm thành viên, người dân không hề biết rằng người ta đã đưa một số tân dược vào trong đó; cả những loại thuốc mà hiện nay không sử dụng nữa nhưng người ta vẫn đưa vào, người dùng đâu biết được! Một số loại cũng có tác dụng giảm đường máu, nhưng có thể gây biến chứng suy thận hoặc các biến chứng khác. Như vậy rất là nguy hiểm! Thuốc men phải được kiểm soát nghiêm ngặt.
* Những bài thuốc, phương pháp y học cổ truyền có vai trò như thế nào trong điều trị đái tháo đường, thưa bác sĩ?
- Đối với bệnh đái tháo đường, để kiểm soát, “sống chung” với nó thì thảo dược hoặc các thuốc y học cổ truyền mang tính chất hỗ trợ điều trị. Bệnh nhân phải đảm bảo được chế độ ăn uống, chế độ luyện tập và thuốc men. Còn những bệnh nhân đái tháo đường đã dùng đến tân dược có tác dụng mạnh, chuyên sâu thì không thể bỏ thuốc được. Một số bệnh nhân tự bỏ thuốc, điều đó rất nguy hiểm.
Dùng thuốc đông y là một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị đái tháo đường, hỗ trợ điều trị các biến chứng của bệnh này và cải thiện các triệu chứng lâm sàng.
* Thưa bác sĩ, cá thể hóa trong điều trị có ý nghĩa như thế nào trong điều trị đái tháo đường?
- Chẩn đoán đái tháo đường dựa trên chỉ số đường huyết, nhưng lâm sàng của người bệnh rất đa dạng. Có thể đây là hậu quả của nhiều bệnh đã được kiểm soát, cũng có thể nhiều bệnh lý là hậu quả của đường máu tăng cao.
Với mỗi người, mỗi độ tuổi và với bệnh nền, sự tổn thương các cơ quan đích - có thể là tim mạch, có thể là thận, có thể là gan… khác nhau nên phải cá thể hóa để thực hiện mục tiêu kiểm soát đường máu, ngăn ngừa các biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đối với y học cổ truyền, cá thể hóa càng quan trọng, vì với đông y, việc cân bằng âm dương là quan trọng. Cùng một bệnh nhưng vấn đề mất cân bằng âm dương lại hoàn toàn khác nhau.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Theo y học cổ truyền, dựa vào các triệu chứng lâm sàng thường gặp, đái tháo đường (tên bệnh lý theo y học hiện đại) thuộc chứng tiêu khát, được chia thành 3 thể: thượng tiêu (phế táo), trung tiêu (vị nhiệt) và hạ tiêu (thận âm hư), đều có gốc là âm hư. Tùy theo chứng trạng, phương pháp điều trị bệnh này lấy dưỡng âm thanh nhiệt, sinh tân và kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt. |
YÊN LAN (thực hiện)