Cô Ngọc và tiếng đàn truyền cảm hứng

Thứ năm - 07/03/2019 16:56
4 năm dạy organ cho các em nhỏ tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Phú Yên, bằng sự nhiệt tình, chịu khó, cô giáo trẻ Ngô Thị Mỹ Ngọc đã giúp các học trò tìm thấy niềm vui bên cây đàn phím điện tử.
Cô Ngọc và tiếng đàn truyền cảm hứng

4 năm dạy organ cho các em nhỏ tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Phú Yên, bằng sự nhiệt tình, chịu khó, cô giáo trẻ Ngô Thị Mỹ Ngọc đã giúp các học trò tìm thấy niềm vui bên cây đàn phím điện tử.

 

Mùa mưa. Mưa giăng trắng trời nhưng cuối tuần, các “bà mẹ chăm chỉ” vẫn đưa con đi học đàn, vì họ biết cô giáo dạy organ đã vượt đường xa đến lớp. Nhà Ngọc ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa). Để đến nơi dạy nhạc, cô giáo phải đi hơn 10km, trong mưa. Vì vậy, không có lý do gì mà tụi nhỏ đang sống ngay tại TP Tuy Hòa lại nghỉ học, chỉ vì trời mưa to quá.

 

Đó là chuyện của hai năm về trước. Sau này, Ngọc thuê nhà tại phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), từ đó qua cầu Hùng Vương và đi một đoạn ngắn nữa là đến lớp dạy đàn. Tuy nhiên, để đến ngôi trường tiểu học ở thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa), nơi Ngọc dạy Âm nhạc, cô giáo này lại phải đi hơn 10km. Gần lớp đàn thì lại xa trường, Ngọc đã vượt qua quãng đường xa đó bằng sự tận tụy và nhiệt huyết của một người trẻ.

 

Mỹ Ngọc dạy electronic keyboard tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Phú Yên chừng 4 năm, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương 2, Khoa Sư phạm Âm nhạc. Là giáo viên organ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm song Ngọc có sự nhiệt tình và tấm lòng dành cho tụi nhỏ. Mùa hè, học trò của Ngọc khá đông, được chia thành hai lớp, học một tuần ba buổi.

 

Bên cạnh một số cô bé cậu bé thích học đàn, có năng khiếu âm nhạc là những bạn nhỏ đến lớp vì cha mẹ thấy rằng cần phải “xóa mù” âm nhạc cho con. Cũng có một số bạn nhỏ buộc phải đến lớp học đàn để tránh nguy cơ… cận thị, vì ở nhà xem tivi nhiều quá! (Những bạn này thường dễ nản, bỏ học giữa chừng).

 

Vào năm học, tụi nhỏ bận rộn với lịch học dày đặc nên lớp đàn vơi đi một nửa. Chỉ những em thật sự yêu thích mới gắn bó lâu dài với lớp, và những ông bố bà mẹ nhận thức rằng âm nhạc rất cần thiết là vẫn đưa con đến lớp học đàn. Lịch học cũng thay đổi, chuyển sang thứ bảy và chủ nhật.

 

“Những em yêu thích âm nhạc thì đi học rất chuyên cần, không bỏ một buổi nào; có em được mẹ đăng ký học hai buổi một ngày. Còn những em chưa yêu thích, đến lớp xem các anh chị tập đàn, dần dần cảm thấy thích thú. Tôi hướng dẫn các em từng bước một, vừa tập vừa chơi, không để cho các em cảm thấy áp lực”, Ngọc chia sẻ. Học trò của cô giáo trẻ này đa phần là học sinh cấp một, cấp hai, song cũng có một số em chưa biết chữ. Chỉ vào cô bé xinh xắn, có gương mặt sáng bừng, Ngọc cho biết: “Bé này đang học mẫu giáo, cuối tuần mẹ đưa đến đây học đàn”.

 

Để các bé chưa biết chữ làm quen với cây đàn phím điện tử, làm quen với khuôn nhạc, giáo viên phải chịu khó. Ngọc đánh dấu, hướng dẫn từng nốt một và nói với cô bé: “Khi nào con thấy mỏi tay thì đứng lên đi chung quanh xem các anh chị tập đàn, sau đó con ngồi lại tập tiếp”. Một khi các bé đã làm quen và hứng thú rồi thì công việc sẽ dễ dàng hơn.

 

Các nghiên cứu khoa học cho thấy âm nhạc có tác dụng tốt cho trí não, tinh thần. Đối với trẻ em, âm nhạc rất quan trọng vì giúp trẻ tự tin, phát huy khả năng sáng tạo, cải thiện khả năng cảm thụ, khả năng vận động, giao tiếp… và bồi đắp tâm hồn cho trẻ. Đàn organ là một nhạc cụ có tính linh hoạt, khả năng ứng dụng cao, được thiết kế cả phần trống và nhạc đệm nên tương đối dễ học, dễ chơi.

 

Loại đàn này hoạt động dựa trên công nghệ tổng hợp âm thanh và thu âm thanh của nhiều nhạc cụ khác như piano, clarinet, trumpet, flute, violon, guitar, harmonica… rồi cài vào trong đàn theo hệ thống phím. Vì vậy, đàn organ có thể phát ra âm thanh của các nhạc cụ khác nhau. Và với chức năng hòa đệm tự động theo các tiết điệu có sẵn, electronic keyboard mang đến cho người chơi đàn cảm giác như đang chơi với một ban nhạc.

 

Vì những đặc điểm đó, đàn organ là lựa chọn của nhiều bậc cha mẹ khi muốn “xóa mù” âm nhạc cho con. Tuy nhiên, với những đứa trẻ đi học đàn theo mong muốn của cha mẹ chứ chưa phải xuất phát từ sở thích của trẻ, giáo viên sẽ là người truyền cảm hứng và khơi dậy niềm yêu thích âm nhạc cho trẻ, nếu người đó tâm huyết với công việc của mình.

 

Mỹ Ngọc khá kiệm lời. Cô giáo trẻ không nói về những điều to tát, chỉ chia sẻ niềm vui khi học trò của mình hứng thú học đàn, tập và chơi được những bản nhạc khó.

 

Em Đỗ Lam Phương ở phường 5 (TP Tuy Hòa) kể: “Đầu tiên, em học đàn là vì mong muốn của ba mẹ, nhưng sau một thời gian thì em bắt đầu yêu thích”. Lam Phương tập đàn đã 5 năm, trong đó học tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi từ năm 2016. “Cô Ngọc dạy dễ hiểu. Em nghĩ học đàn là cần thiết. Những lúc đầu óc căng thẳng, mình có thể chơi đàn để giảm stress”, cô học trò lớp 7 nói.

 

Bà Phạm Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Kế hoạch - Đào tạo, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Phú Yên, nhận xét: “Cô Ngọc là giáo viên dạy organ trẻ nhất ở trung tâm. Cô Ngọc nhiệt tình, chịu khó nên học sinh yêu mến và cô duy trì lớp tốt”.

 

YÊN LAN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp