Thí sinh vẫn còn cơ hội xét tuyển bổ sung

Thứ năm - 08/10/2020 00:01
Hiện các trường đại học đã hoàn tất công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 theo phương thức dựa vào điểm thi THPT. Kể từ ngày 10/10, nếu trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu

Hiện các trường đại học đã hoàn tất công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 theo phương thức dựa vào điểm thi THPT. Kể từ ngày 10/10, nếu trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu đã công bố ban đầu thì có thể xét tuyển bổ sung các đợt tiếp theo. Xét tuyển đợt tiếp theo có thể được thực hiện một lần hoặc nhiều lần.

 

Mới có hơn 50% trường đại học tuyển đủ chỉ tiêu

 

Theo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cả nước có 308 (trên tổng số 312 trường) sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học. Với mức điểm chuẩn các trường đại học vừa xác định, có 205 trường có thể sẽ tuyển được từ 70% trở lên nếu tất cả thí sinh trúng tuyển đều nhập học. Đặc biệt, 83 trường tuyển được dưới 50% chỉ tiêu sẽ phải tuyển sinh bổ sung. Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học đợt 1 trước 17 giờ ngày 10/10 (theo dấu bưu điện).

 

Hiện nay đã có một số trường công bố lịch xét tuyển bổ sung. Do đó, Bộ GD-ĐT lưu ý các trường xét tuyển bổ sung phải đảm bảo điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) các đợt sau không được thấp hơn đợt 1 và xét tuyển theo quy trình như đợt 1, xét điểm từ cao xuống thấp. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, trường phải công bố trên trang thông tin điện tử của trường và trên phương tiện thông tin đại chúng về điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển. Trường cập nhật danh sách thí sinh xác nhận nhập học lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

 

Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể căn cứ vào các thông tin do trường công bố để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung (nộp tại trường, qua chuyển phát nhanh, hoặc theo quy định của từng trường); thí sinh cũng có thể nộp xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt khác nhau để xét tuyển.

 

Còn cơ hội ở các đợt xét tuyển bổ sung

 

Các trường được xét tuyển nhiều đợt trong năm, đợt 1 xét tuyển chung cũng chỉ là một trong các đợt xét tuyển. Các trường căn cứ vào số lượng thí sinh xác nhận nhập học, xem xét chỉ tiêu tuyển sinh còn lại trong năm 2020 để quyết định có xét tuyển bổ sung nữa hay không (ở các đợt tiếp theo).

 

Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh bị trượt ở đợt 1 vẫn còn cơ hội trúng tuyển đại học bằng điểm thi THPT ở các đợt xét tuyển bổ sung.

 

Nếu các năm trước, điểm chuẩn trung bình 9 điểm/môn chỉ rơi vào ngành hot nhất là Y khoa thì năm nay đây là điểm chuẩn của hàng loạt ngành khác như: Khoa học máy tính, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kỹ thuật phần mềm, Ngôn ngữ Anh… Cá biệt, để trúng tuyển ngành Hàn Quốc học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) bằng khối C, thí sinh phải đạt 3 điểm 10.

 

Thực sự điểm chuẩn chỉ cao ở một số ngành tại một số trường, không phải tất cả đều cao. Chẳng hạn, Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh ngành thấp nhất 19 điểm, trong khi ngành cao nhất 28,45 điểm.

 

Một số trường như đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh mức chênh lệch giữa các ngành trên 10 điểm… Điều này cho thấy, thí sinh vẫn tập trung đăng ký vào những ngành, trường vốn thu hút nhiều thí sinh quan tâm. Vì vậy, kết thúc đợt 1, không ít thí sinh bị trượt hết tất cả nguyện vọng dù điểm thi 26-27.

 

Em Lê Minh Huy, Trường THPT Nguyễn Huệ cho hay: Thi 27 điểm nhưng em vẫn trượt nguyện vọng 1 vào ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh vì ngành này có điểm chuẩn tới 27,6. Cũng may là em có phương án dự phòng ở một số trường còn lại có điểm chuẩn thấp hơn.

 

Điểm chuẩn tăng cao khiến nhiều thí sinh hụt hẫng khi tuột mất cơ hội vào ngành học mình mong muốn ngay trong đợt tuyển sinh đầu tiên. Nhiều em chỉ thiếu 0,25 điểm. “Điểm thi năm nay cao nên thí sinh dễ ảo tưởng. Khi đăng ký nguyện vọng, nhiều em chủ quan, chỉ tập trung các ngành hot mà không có phương án dự phòng. Thực tế tuyển sinh từ các trường cho thấy trong cuộc cạnh tranh vào đại học nhóm đầu, thí sinh giành giật từng 0,25 điểm”, ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Xây dựng Miền Trung chia sẻ.

 

Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường nói chung, đặc biệt trường thuộc top đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu nên tuyển bổ sung các đợt sau, tạo điều kiện cho thí sinh có điểm thi THPT cao nhưng chưa trúng tuyển đợt 1.

 

Các trường được xét tuyển nhiều đợt trong năm, đợt 1 xét tuyển chung cũng chỉ là một trong các đợt xét tuyển. Các trường căn cứ vào số lượng thí sinh xác nhận nhập học, xem xét chỉ tiêu tuyển sinh còn lại trong năm 2020 để quyết định có xét tuyển bổ sung nữa hay không (ở các đợt tiếp theo). Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh bị trượt ở đợt 1 vẫn còn cơ hội trúng tuyển đại học bằng điểm thi THPT ở các đợt xét tuyển bổ sung.

 

THÚY HẰNG

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp