Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình và các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện phù hợp với khả năng và lứa tuổi; bảo đảm thực hiện chính sách phổ cập giáo dục; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí; đào tạo, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, việc làm... cho thanh niên.
Đây là nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vừa được Chính phủ ban hành.
Đối thoại ít nhất mỗi năm một lần
Nghị định quy định Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Việc tổ chức đối thoại với thanh niên được thực hiện theo các hình thức đối thoại trực tiếp hoặc trực tuyến.
Nội dung đối thoại gồm việc thực hiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật đối với thanh niên; hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của thanh niên; những nội dung thuộc thẩm quyền hoặc trách nhiệm báo cáo với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị của thanh niên; vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong học tập, lao động, rèn luyện, tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; những kiến nghị, đề xuất khác của thanh niên.
Cơ chế, chính sách đối với thanh niên
Nghị định cũng quy định rõ cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi về: phổ cập giáo dục; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí; đào tạo, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, việc làm; trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần…
Về phổ cập giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phổ biến, tuyên truyền và vận động thanh niên, đặc biệt thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tham gia phổ cập giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương và cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền, vận động, triển khai tổ chức phổ cập giáo dục cho thanh niên chưa hoàn thành phổ cập giáo dục.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền, vận động thanh niên chưa hoàn thành trung học cơ sở tích cực tham gia thực hiện phổ cập giáo dục; chỉ đạo UBND các cấp định kỳ rà soát, thống kê số lượng thanh niên chưa được phổ cập; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện phổ cập giáo dục...
Lồng ghép chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên
Nghị định nêu rõ, Bộ Công an chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, rà soát, hướng dẫn giải quyết kịp thời các vụ việc gây tổn hại về thể chất và tinh thần của thanh niên, bảo đảm việc thực hiện các chính sách về hình sự, hành chính, dân sự cho thanh niên theo quy định của pháp luật.
Các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn, lồng ghép các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước; khi phát hiện vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của thanh niên phải kịp thời tìm hiểu, báo cáo nhanh chóng, đầy đủ cho các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết.
Gia đình có trách nhiệm giáo dục, phổ biến cho thanh niên về chính sách, pháp luật của Nhà nước; khi phát hiện vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của thanh niên phải kịp thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết, giúp đỡ thanh niên sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Theo TTXVN/Vietnam+