Kinh nghiệm điều trị bệnh mề đay

Thứ năm - 07/03/2019 17:01
Không đe dọa đến tính mạng nhưng mề đay - một loại bệnh dị ứng ngoài da - làm cho người bệnh cảm thấy rất khó chịu.

Không đe dọa đến tính mạng nhưng mề đay - một loại bệnh dị ứng ngoài da - làm cho người bệnh cảm thấy rất khó chịu. Sau nhiều năm áp dụng có kết quả, y sĩ Nguyễn Hữu Chiến, Chủ tịch Hội Đông y xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) đã chia sẻ kinh nghiệm điều trị mề đay thể phong nhiệt tại hội nghị Thừa kế lần thứ 2 của Hội Đông y tỉnh Phú Yên.

 

Triệu chứng thường gặp của mề đay là những nốt ban đỏ hoặc trắng, những mảng gồ ghề có kích cỡ khác nhau xuất hiện trên mặt, tay, chân…, ngứa ngáy khó chịu. Những mảng này có thể biến mất sau vài giờ nhưng cũng có thể tồn tại hàng tháng trời.

 

Theo Đông y, nguyên nhân mề đay chủ yếu do phong hàn kết hợp với huyết nhiệt bên trong và một số thức ăn, nước uống không thích hợp với cơ thể. Ca bệnh mà y sĩ Nguyễn Hữu Chiến báo cáo tại hội nghị Thừa kế có các triệu chứng: trên da nổi từng đám màu hồng tươi, không đều, rất ngứa; mặt có lúc bốc nóng; nước tiểu vàng; táo bón. Sáng sớm lúc trời mát, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, khi nắng nóng thì rất khó chịu; rêu lưỡi vàng; mạch phù sác.

 

Chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh mề đay thể phong nhiệt, y sĩ Nguyễn Hữu Chiến dùng bài thuốc sau: kim ngân hoa (12g), liên kiều (8g), kinh giới (6g), bạc hà (8g), ngưu bàng tử (8g), cam thảo (6g), phòng phong (8g), thuyền thoái (9g), đại thanh diệp (10g), bồ công anh (12g), sài đất (10g), ké đầu ngựa (12g), lá muồng trâu (6g), sắc nước uống để thanh nhiệt, giải độc, trừ phong, giải biểu, nhuận tràng… Nước đầu tiên: 4 chén sắc còn 1 chén. Nước thứ hai: 3 chén rưỡi sắc còn 8 phân. Hai nước trộn lại, chia uống hai lần trong ngày, uống sau khi ăn 20 phút. Theo y sĩ Nguyễn Hữu Chiến, bệnh nhân uống 5 thang thì các triệu chứng giảm, uống thêm đủ 20 thang thì khỏi bệnh.

 

Theo y văn, mề đay có thể nhẹ và tự hết khi ngưng tiếp xúc với chất gây dị ứng. Nhưng khi dị ứng lặp lại, phát ban toàn thân có thể nặng, bệnh nhân khò khè khó thở, thậm chí bị sốc phản vệ. Vì vậy, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế nếu bệnh trở nặng, gây đau đớn, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày, không đáp ứng với phương pháp điều trị… Khi cảm thấy choáng váng, tức ngực hoặc khó thở, khô lưỡi và sưng họng, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân cần gọi cấp cứu ngay.

 

NGỌC LAN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp