Là một đơn vị tiên phong nghiên cứu và ứng dụng dược liệu của tỉnh, song song với hoạt động trồng dược liệu, phát triển sản phẩm thương mại, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung (Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Đài Việt) chú trọng bảo tồn các nguồn gen thuốc quý hiếm, hướng đến phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu Phú Yên nói riêng, vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.
Sợ cây thuốc quý tuyệt chủng
Phát triển dược liệu là một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh. Để gìn giữ và phát triển những nguồn gen quý, UBND tỉnh đã có Quyết định 528/2015/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020, trong đó có nhiều cây dược liệu quý hiếm, đặc hữu của vùng đất Phú Yên.
Chung tay thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen dược liệu, năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung đã thực hiện đề tài cấp tỉnh: “Nghiên cứu quy trình nhân giống nhân sâm Phú Yên (abelmoschus sagittifolius Kurz) bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng khảo nghiệm theo tiêu chuẩn GACP-WHO”. Năm 2020, trung tâm tiếp tục thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát triển sản xuất cây cam thảo Đá Bia (Jasminanthes tuyetanhiae T.B.Tran & Rodda-Apocynaceae, Asclepiadoideae).
Năm 2018, trung tâm này đón nhận tin vui lớn khi Tạp chí Ann.Bot.Fennici uy tín của Phần Lan, chuyên về dược liệu đã đưa tên của kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung gắn cho loại cây cam thảo Đá Bia, một loại cây dây leo có vị ngọt, được dùng thay thế cam thảo bắc. Trước khi được kỹ sư Tuyết Anh định danh, các nhà khoa học cho rằng cam thảo Đá Bia có tên khoa học là Telosma procumbens (Blanco) Merr, thuộc họ thiên lý. Kỹ sư Tuyết Anh sau đó đã định danh, bảo tồn nguồn gen thành công cây cam thảo Đá Bia và được thế giới công nhận với tên khoa học mới: Jasminanthes Tuyetanhiae T.B.Tran & Rodda Apocynaceae.
Trên hành trình tìm kiếm và bảo tồn nguồn gen cam thảo Đá Bia, bà Tuyết Anh cùng chồng là kỹ sư Hoàng Xuân Lâm và các lương y địa phương, người đi rừng mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng loại dây leo có hoa trắng nở sau mùa mưa như người ta nói về cây cam thảo Đá Bia vẫn bặt tăm. Cả chục mùa mưa đi qua, kỹ sư Hoàng Xuân Lâm chỉ sợ cây bị tuyệt chủng.
Đến năm 2016, đoàn mới tìm thấy một loại cây hoa trắng như mô tả của các vị lương y cao tuổi, mọc trong những gộp đá trên đèo Cả và xác định đây chính là cây cam thảo Đá Bia. Hiện cây cam thảo Đá Bia được nhân giống vô tính thành công và đang phát triển tốt trong nhà màng ngay tại Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung. Hiện đơn vị này đang nghiên cứu để cây ra quả vì dù đã nhiều mùa ra hoa nhưng chưa đậu quả.
Ngoài cam thảo Đá Bia, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung đã thu thập, trồng và đang theo dõi hơn 45 loại cây thuốc quý cần bảo vệ nguồn gen, như: bố chính sâm (sâm Phú Yên), bình vôi, trinh nữ hoàng cung, xáo tam phân, mật nhân, hồng đài, dây thìa canh, kim tiền thảo, đinh lăng, đương quy, phan tả diệp... Vừa qua, Bộ Y tế có quyết định phê duyệt đề tài KH-CN về quỹ gen cấp bộ, trung tâm được giao nhiệm vụ thực hiện đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc có giá trị kinh tế của vùng duyên hải Nam Trung Bộ”.
Gắn bảo tồn với phát triển sản phẩm thương mại
Theo bác sĩ CKII Trần Hữu Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền, hiện nay, không chỉ tại Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến sử dụng những loại thuốc điều trị bệnh có nguồn gốc từ thảo dược, gia tăng việc sử dụng thuốc và các sản phẩm về dược liệu.
Tuy nhiên, nguồn dược liệu cung cấp cho y học cổ truyền và nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược đang bị mất cân đối, phụ thuộc nhiều vào dược liệu nhập khẩu với giá cả đắt đỏ. Vì vậy, để có đủ nguồn cung phục vụ công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỉnh cần hướng tới phát triển dược liệu sạch, bền vững và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung khi thực hiện nhiệm vụ về cây cam thảo Đá Bia đặt mục tiêu phát triển loại cây dược liệu đặc hữu, tạo sản phẩm dược liệu sạch cung cấp cho các cơ sở y tế và nhà máy đông dược; xây dựng quy trình trồng cây cam thảo Đá Bia nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng quy trình sơ chế, chế biến cam thảo Đá Bia theo tiêu chuẩn GACP-WHO...
Việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc có giá trị kinh tế của vùng duyên hải Nam Trung Bộ” ngoài giúp phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái còn gắn với phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu.
Riêng đề tài về cây sâm Phú Yên, trung tâm nhân giống cấy mô theo phương pháp quang tự dưỡng, đến khi đưa ra trồng ngoài tự nhiên thì tỉ lệ cây sống cao. Hiện, trung tâm đã xây dựng quy trình phân tích hàm lượng hoạt chất chính trong củ sâm bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) để đánh giá chất lượng; đồng thời ký hợp đồng với người dân mở rộng diện tích trồng và bao tiêu sản phẩm.
Để phục vụ cho hoạt động sản xuất của trung tâm và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu được UBND tỉnh và Bộ Y tế giao, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung đã trang bị nhiều máy móc hiện đại và lao động có chuyên môn. Các kho tiếp nhận, sơ chế, chiết xuất, tinh chế có quy mô lớn với nhiều máy móc thiết bị để phục vụ khâu chế biến sau thu hoạch.
Kỹ sư Hoàng Xuân Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung cho biết: “Hàng năm, trung tâm luôn tiếp nhận nhiều công nghệ mới, tiên tiến cả trong và ngoài nước để phục vụ cho quá trình sản xuất, hướng đến bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mà sản phẩm của trung tâm đã đáp ứng tiêu chuẩn GACP-WHO.
Theo Báo cáo kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học, an toàn sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh và Sách đỏ Việt Nam 2007, Phú Yên có hơn 13 loài thực vật (trong đó có nhiều cây dược liệu quý) đang đứng trước nguy cơ đe dọa cần được bảo tồn. |
THÁI HÀ