Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Cao nguyên Vân Hòa, vùng đất đỏ giàu tiềm năng

Thứ bảy - 30/11/2019 03:06
Từ TP Tuy Hòa đi theo quốc lộ 1 về hướng bắc, đến ngã tư Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An thì rẽ trái về hướng tây theo ĐT643 - con đường được đầu tư mở rộng khá đẹp, ngược lên khoảng 25km là đến cao nguyên Vân Hòa.
Cao nguyên Vân Hòa, vùng đất đỏ giàu tiềm năng

Từ TP Tuy Hòa đi theo quốc lộ 1 về hướng bắc, đến ngã tư Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An thì rẽ trái về hướng tây theo ĐT643 - con đường được đầu tư mở rộng khá đẹp, ngược lên khoảng 25km là đến cao nguyên Vân Hòa. Cao nguyên đầy nắng và gió này còn có cả sương mờ, được mệnh danh là Đà Lạt của Phú Yên.

 

Quanh năm mát mẻ

 

Sở Xây dựng tỉnh đang lựa chọn tư vấn đề xuất ý tưởng và thiết kế quy hoạch tỉ lệ 1/500 đô thị Vân Hòa. Hy vọng rằng một đô thị du lịch - nghỉ dưỡng sẽ bừng sáng trên núi rừng Phú Yên trong tương lai.

Cao nguyên Vân Hòa gồm 3 xã Sơn Nguyên, Sơn Định, Sơn Long thuộc huyện Sơn Hòa, có quốc lộ 19C chạy qua. Cao nguyên có độ cao trung bình 445m so với mặt nước biển, nhiều đồi núi cao như: Hòn Dung cao 456m, Hòn Núp cao 486m… Địa hình thoải dần từ tây, tây bắc về đông nam. Khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình 240C. Hướng gió chủ đạo là đông nam và tây nam, ít khi có gió to bão lớn. Lượng mưa trung bình của cao nguyên từ 1.700-1.900mm, mùa đông mưa giăng trắng xóa mọi nẻo đường.

 

Vân Hòa có nhiều khe suối như suối Tía, suối Cối…; đẹp nổi tiếng không chỉ có núi đồi trùng điệp, màu xanh ngút ngàn mà còn có hồ Suối Phèn và hồ Vân Hòa như hai giọt sương long lanh trong nắng, xanh như mắt ngọc. Sáng sớm sương mờ giăng bay la đà trên mặt hồ, sương tràn lên triền núi, sương leo lên lùm cây, thật là huyền ảo và thơ mộng.

 

Cao nguyên này là miền đất đỏ bazan giàu tiềm năng, còn nguyên sơ có thảm thực vật vô cùng phong phú, rừng nhiệt đới đồi núi thấp bao phủ 28% đất tự nhiên. Rừng có nhiều loài gỗ quý, nhiều loài hoa và động vật có giá trị, đất đai và khí hậu thích nghi với canh tác cây họ đậu. Khi đến Vân Hòa vào dịp trưa hè, mây trời cao lồng lộng, xanh thăm thẳm, nắng xuyên cành đổ bóng xuống những con đường mòn, nắng trườn trên các sườn đồi, nắng len vào nương rẫy.

 

Tiếng ve kêu ra rả ngân vang, uống chén nước chè xanh thơm ngon ngào ngạt, chè xanh Vân Hòa có tiếng dễ trồng và tươi tốt. Khi hoàng hôn buông xuống trời se se lạnh, ngồi trên triền hồ ăn trái bắp, củ khoai nướng lùi nóng hổi, ánh trăng đổ xuống mặt hồ lăn tăn như dát vàng. Càng về khuya trăng treo trên cành lá, núi đồi đang thì thầm với nhau, gió tây nam nhè nhẹ mang hương quế lọt qua khung cửa sổ, đưa ta vào giấc ngủ an lành.

 

Đặc sản ở Vân Hòa là trái mít và thơm (khóm). Mít ngọt giòn vàng ươm như mật ong, múi dày, hạt nhỏ không có xơ, thơm, ít mắt, ngọt lịm. Mắm truyền thống Vân Hòa được làm từ thơm và mít sóng sánh ngon đặc biệt, có thương hiệu từ lâu, gọi là “mắm Vân Hòa”.

 

Câu ca: “Gửi lời nhắn với nậu nguồn/Thơm non gửi xuống cá chuồn gửi lên”; thơm non Vân Hòa nấu mẳn với cá chuồn Long Thủy, ăn với cơm gạo Tuy Hòa ngon khỏi chê. Lên đây các bạn còn được thưởng thức món ăn tuyệt vời, gà ta nấu với lá dít rừng, rồi cu xanh xáo với xôi, hương khói lan tỏa thơm lừng, ăn một lần là nhớ suốt đời.

 

Ở Vân Hòa có cây đỏ, cây có họ với bòn bon xứ Quảng, hay dâu da xoan ở Bắc Bộ, là cây rừng khi khai hoang lập nghiệp dân để lại, có cây to cao như cổ thụ, cả trăm năm tuổi. Cây có chu kỳ sinh trái, lệ thuộc vào thời tiết, những năm được mùa, trái xum xuê thành chùm bao kín cả thân cây từ mặt đất lên đến ngọn. Vào cuối hạ đầu thu, trái chín đỏ rực, cùi hơi chua ngọt, trái ở trên cao, trời càng mưa càng ngọt, là món ăn vặt mà chị em phụ nữ rất thích.

 

Thế rồi tiếng lành lan xa, trẻ già, trai gái thập phương tìm về để “Trăm nghe không bằng một thấy/Trăm thấy không bằng một sờ”; được thấy, nâng niu, chụp ảnh lưu niệm bên gốc cây đỏ, được thưởng thức hương vị lạ như là đem lại điều may mắn cho con người trong năm; góp phần tô điểm, quyến rũ mọi người gần xa khi đến với cao nguyên xinh đẹp này.

 

 

Một vườn cây đỏ ở cao nguyên Vân Hòa. Ảnh: PV

Nhiều di tích lịch sử

 

Vân Hòa có mật độ di tích lịch sử cấp quốc gia cao mà ít nơi nào có được. Đó là quần thể di tích lịch sử Hội trường Mùa Xuân, được xây dựng năm 1973 - nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ V, (tháng 9/1973); là nơi tổ chức nhiều hội nghị khác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trạm quân bưu nơi tiếp nhận điện báo thư từ, lương thực thực phẩm từ hậu phương gửi lên.

 

Rồi bếp nấu không khói Hoàng Cầm, xưởng đúc vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng; nơi làm việc của cơ quan Đảng, quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay, xung quanh quần thể di tích Hội trường Mùa Xuân là rừng tự nhiên quý giá, trong chiến tranh “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, còn hôm nay rừng với các di tích như răng với môi, là quần thể di sản quý giá mà không nơi nào có được.

 

Nhà thờ Bác Hồ giáp ranh với xã Sơn Định, nằm bên quốc lộ 19C, được xây dựng tháng 9/1969, nơi tổ chức long trọng lễ truy điệu ngày mất của Bác Hồ của quân và dân Phú Yên. Nay nhà thờ được xây dựng lại, là điểm đến, tham quan, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

 

Một công trình quân sự nổi tiếng khác nằm ở vùng rìa cao nguyên Vân Hòa, đó là địa đạo Gò Thì Thùng ở xã An Xuân, được xây dựng tháng 4/1964 với độ sâu trung bình trong lòng đất 4,5m, rộng 0,8m, cao 1,8m, dài gần 2km, có nhiều cửa lên xuống, nhiều đoạn mở rộng ra làm kho, nơi ăn ở...

 

Phía trên địa đạo là giao thông hào, bao xung quanh, đi tới các cửa hầm, dài khoảng 10km. Chỉ có ý chí thép, tình quân dân mới đào được công trình quân sự vĩ đại này. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng âm vang vẫn còn mãi, cũng nơi địa đạo này đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt: tháng 6/1966 bộ đội ta từ trong lòng đất bất ngờ mọc lên thần tốc đánh giáp lá cà, tiêu diệt 378 tên địch và bắn hạ 5 máy bay của Tiểu đoàn dù 173 Mỹ, một trong những chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ của quân và dân Phú Yên.

 

Ngoài ra, nơi đây còn có lễ hội đua ngựa truyền thống mỗi khi mùa xuân về, nơi có cảnh quang đẹp, đủ điều kiện xây dựng, mở rộng thành một trường đua tầm cỡ khu vực; là nơi tổ chức hội thao đua ngựa, đua mô tô, thả diều và các loại hình thể thao khác.

 

Người Vân Hòa hiền lành, chân chất như cây hoa của núi đồi, tình sâu nghĩa nặng như con suối róc rách chảy bốn mùa. Nơi “đất lành chim đậu”, tất cả thương yêu, đùm bọc lẫn nhau như tình quân dân trong kháng chiến. Vân Hòa, cái nôi kháng chiến, hồn đất và tình người còn mãi với thời gian.

 

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp