Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Thứ năm - 07/03/2019 16:15
Nhu cầu của khách du lịch ngày càng đa dạng, cuộc cạnh tranh thị trường khách ngày càng quyết liệt, vì vậy từ tầm vĩ mô như ngành Du lịch của quốc gia, đến các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch đều phải nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Nhu cầu của khách du lịch ngày càng đa dạng, cuộc cạnh tranh thị trường khách ngày càng quyết liệt, vì vậy từ tầm vĩ mô như ngành Du lịch của quốc gia, đến các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch đều phải nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới. Đây là điều kiện cơ bản để thu hút và giữ chân du khách.

 

Sự cũ kỹ đồng nghĩa với mất khách

 

Du lịch là xê dịch, là khám phá cái mới, lạ, trải nghiệm điều mình chưa từng hoặc ở mức độ nhu cầu cao hơn. Chính vì vậy, sản phẩm du lịch phải mới, lạ, đa dạng. Sự cũ kỹ đồng nghĩa với không thể thu hút và giữ chân du khách.

 

Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Theo các chuyên gia du lịch, các doanh nghiệp, địa phương muốn thu hút khách du lịch, ngoại trừ những điều kiện cơ bản về hạ tầng kỹ thuật thì yếu tố cốt lõi là sản phẩm du lịch phải độc đáo, đa dạng. Cùng một lúc, các loại hình dịch vụ ăn, ở, vui chơi, thăm thú, đi lại... phải đáp ứng tốt nhất. Ngay trong cùng một nhóm sản phẩm, cơ cấu các loại sản phẩm cũng phải phong phú.

 

Chẳng hạn, về sản phẩm quà lưu niệm, ngoài những mặt hàng phổ thông, phải có những mặt hàng cao cấp đáp ứng theo từng phân khúc khách, những sản phẩm phổ thông nơi đâu cũng có yêu cầu bắt buộc phải có đặc sản địa phương, vừa phải đa dạng chủng loại, hình thức... Hay tour du lịch, sản phẩm này tương đối ổn định, nhưng cũng đòi hỏi phải linh hoạt, phong phú. Ngoài những tour được định sẵn, phổ biến, có thể có thêm tour chuyên đề (du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch hội thảo, du lịch mạo hiểm...), tour mở.

 

Anh Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Công ty Du lịch Bình Minh Gold (TP Tuy Hòa) cho biết: “Công ty luôn xây dựng nhiều tour tuyến để tư vấn cho khách hàng lựa chọn, tùy vào đối tượng khách, mình có thể tư vấn những tour chuyên đề hợp với sở thích, lứa tuổi hoặc có thể thiết kế các tour mở theo nhu cầu du khách. Đổi mới nội dung tour hoặc mở các tour tuyến mới theo kịp nhu cầu của khách là nhu cầu thực tế”.

 

Khách du lịch xem và mua hàng lưu niệm ở di tích danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa - Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Nỗ lực làm mới và đa dạng sản phẩm du lịch

 

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, thời gian qua đã có nhiều chương trình cụ thể để làm đa dạng sản phẩm du lịch địa phương như: hỗ trợ các địa phương xây dựng điểm du lịch văn hóa cộng đồng gắn với hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian buôn Lê Diêm (huyện Sông Hinh), thôn Xí Thoại (huyện Đồng Xuân), thôn Hòa Ngãi (huyện Sơn Hòa); tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật “Chào Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện” tại Tháp Nhạn phục vụ khách du lịch định kỳ vào tối thứ bảy hàng tuần; chào cờ đầu năm, đón vị khách đầu tiên tại Mũi Điện.

 

Đồng thời đã triển khai đề án Phát triển thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp ưu tiên và sản phẩm đặc trưng tỉnh Phú Yên đến năm 2020 (Quyết định 563/QĐ-UBND ngày 20/3/2017); kết nối giữa các đơn vị sản xuất và cung ứng hàng hóa trong tỉnh, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa đặc trưng, sản phẩm lưu niệm, đưa hàng hóa vào siêu thị và tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.

 

Các ngành, địa phương từng bước đầu tư nâng cao chất lượng các lễ hội văn hóa truyền thống đặc trưng: Hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn, Lễ hội Vịnh Xuân Đài, Lễ hội đua thuyền đầm Ô Loan, Lễ hội Đền Lương Văn Chánh, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng... đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Các làng nghề truyền thống được hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất thử các mẫu sản phẩm lưu niệm mới từ cuộc thi sáng tạo kiểu dáng hàng thủ công mỹ nghệ, từng bước hình thành một số sản phẩm du lịch làng nghề và sản phẩm quà tặng lưu niệm phục vụ du lịch. Một số sản phẩm đã thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: gốm, gỗ, ốc mỹ nghệ, vỏ gáo dừa, đá cảnh, hàng thủy hải sản, cà phê…

 

Các địa phương trong tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; xây mới một số công trình phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh và phục vụ du lịch... Mỗi địa phương đang cố gắng hình thành sản phẩm, nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của mình.

 

Trên cơ sở này, các doanh nghiệp du lịch cũng đã bắt đầu biết tạo ra sản phẩm mới, đầu tư chăm chút cho sản phẩm của mình trở nên độc đáo và phong phú hơn. Thời gian gần đây nở rộ dịch vụ homestay, các điểm tham quan, quán cà phê, nhà hàng, quà lưu niệm, đặc sản... phần nào đáp ứng nhu cầu của du khách.

 

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: Đa dạng sản phẩm du lịch không chỉ dừng lại ở việc tạo ra các dịch vụ mới, mà phải tạo ra cơ chế, môi trường để tạo nên sức bật mạnh mẽ. Trong số những nguyên nhân, hạn chế của du lịch Phú Yên đó là sản phẩm du lịch chưa phong phú, tại các điểm đến dịch vụ còn hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa cao; các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí về đêm, điểm trưng bày, bán hàng lưu niệm vẫn còn ít... Điều này phải đầu tư khắc phục.

 

TRẦN QUỚI

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp