Sở NN&PTNT vừa có báo cáo đánh giá tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2024. Theo đó, các chỉ tiêu, kế hoạch của ngành Lâm nghiệp đạt kế hoạch đề ra; có 5 điểm nhấn quan trọng tác động tích cực đến tình hình KT-XH và môi trường trên địa bàn tỉnh.
1. Hoàn thành Đề án trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025, đạt 120% kế hoạch
Đề án trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên đã hoàn thành trong năm 2024 với 17,9 triệu cây, đạt 120% so với kế hoạch. Ảnh: NGÔ NHẬT |
Sở NN&PTNT cho biết, Đề án trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Hằng năm, đơn vị này tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Các ngành, địa phương còn kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí, cây giống để triển khai thực hiện đề án. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã tích cực tham gia đóng góp kinh phí, cây giống, công lao động để trồng cây xanh, trồng rừng theo đề án được duyệt.
Đến thời điểm này, Đề án trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên đã hoàn thành. Lũy kế đến nay toàn tỉnh đã trồng được hơn 17,9 triệu cây, đạt 120% so với kế hoạch.
2. Trồng rừng ngập mặn khu vực đầm Ô Loan, cây phát triển tốt
Trong tương lai, rừng cây sẽ góp phần khôi phục, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn trong khu vực đầm Ô Loan. Ảnh: NGÔ NHẬT |
Năm 2024, ngành Lâm nghiệp triển khai Dự án trồng rừng ngập mặn khu vực đầm Ô Loan ở huyện Tuy An (xã An Hòa Hải, An Hiệp và An Ninh Đông), với tổng diện tích 50ha, kinh phí trên 18 tỉ đồng.
Hiện tại, cơ quan chức năng đã trồng 17ha và đang triển khai đấu thầu 33ha còn lại tại khu vực đầm Ô Loan. Theo ghi nhận của phóng viên, cây có tốc độ sinh trưởng tốt. Nhiều người dân chờ đợi các loại thủy hải sản nổi tiếng của đầm Ô Loan, như: sò huyết, cá mai, cá cầu... sẽ quay trở lại, tạo sinh kế cho người dân trong vùng phát triển kinh tế theo hướng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn bền vững ven biển, ứng phó biến đổi khí hậu.
3. Hoàn thành phê duyệt Đề án phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp tỉnh Phú Yên giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050
Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân trồng cây lan kim tuyến tại khu vực Suối Mun (xã Phú Mỡ). Ảnh: NGÔ NHẬT |
Theo đề án, đến năm 2030, Phú Yên phát triển vùng nguyên liệu trồng dược liệu (nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng) tập trung tại các tiểu vùng có điều kiện sinh thái phù hợp lên khoảng 20.000ha; thu hút khoảng 10.000 hộ gia đình tham gia trồng và phát triển dược liệu.
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang rà soát tham mưu các nội dung của đề án; đồng thời chờ Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn để triển khai thực hiện. Thời gian qua, một số chủ rừng đã trồng, trồng thử nghiệm các mô hình cây dược liệu trên lâm phần quản lý, làm cơ sở đánh giá, nhân rộng để nâng cao giá trị sử dụng đất.
4. Hoàn thành rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng theo phân loại rừng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo kết quả rà soát, điều chỉnh trên toàn tỉnh, tổng diện tích 3 loại rừng năm 2025 là 254.517ha. Ảnh: NGÔ NHẬT |
Năm 2024, UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng theo phân loại rừng tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tổng diện tích 3 loại rừng năm 2025 là 254.517ha (diện tích đất, rừng đặc dụng 15.845ha, chiếm tỉ lệ 6,23%; diện tích đất, rừng phòng hộ 105.473ha, chiếm 41,44%; diện tích đất, rừng sản xuất 133.199ha, chiếm 52,33%).
Đây sẽ là cơ sở để tỉnh huy động tối đa nguồn lực xã hội, phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và tác dụng, giá trị đa dụng của rừng để phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp trong thời gian tới.
5. Tín hiệu tích cực về thuê môi trường rừng kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí
Phú Yên đang quan tâm, chú trọng phát triển hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng. Ảnh: NGÔ NHẬT |
Năm 2024, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 91 là việc tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy chế quản lý rừng về quản lý hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng. Từ đây thu hút 8 dự án trên lâm phần Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả và Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa.
Hiện có 1 dự án du lịch nghỉ dưỡng đã đi vào hoạt động trong quý III/2024, đó là Dự án du lịch nghỉ dưỡng Lạc Sanh (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa). Các dự án còn lại đang tiến hành các thủ tục xây dựng công trình theo quy định để đưa dự án vào hoạt động.
TRẦN NGÔ