Chính sách giải quyết việc làm cho người khuyết tật

Thứ năm - 07/03/2019 16:25
Nhiều cử tri đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa về giải pháp giải quyết việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Nhiều cử tri đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa về giải pháp giải quyết việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

 

*Sở LĐ-TB-XH trả lời:

 

Theo quy định tại Nghị định 28/2012/NĐ-CP:

 

1. Người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được hưởng chính sách sau đây:

 

a) Vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh (SXKD) từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức hỗ trợ vay thực hiện các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm.

 

b) Hướng dẫn về SXKD, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

 

2. Cơ sở SXKD sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật quy định tại Điều 34 Luật Người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi sau đây:

 

a) Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH. Mức hỗ trợ theo tỉ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở SXKD, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở SXKD theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

 

b) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.

 

c) Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển SXKD từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vay vốn và mức lãi suất cho vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm.

 

d) Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật.

 

đ) Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ SXKD đối với cơ sở SXKD sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên; giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ SXKD đối với cơ sở SXKD sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.

 

Tuy nhiên, hiện nay đa số người khuyết tật trên địa bàn tỉnh chủ yếu cần sự trợ giúp xã hội hàng tháng, bản thân còn mặc cảm về khuyết tật, chưa chủ động học nghề để tạo việc làm ổn định.

 

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người khuyết tật về việc học nghề và tạo việc làm, Sở LĐ-TB-XH đã và đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan đưa ra giải pháp như:

 

Hàng năm, Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các cơ quan Báo Phú Yên; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về những gương người khuyết tật vượt khó, tạo việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và xã hội.

 

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tăng cường cho vay vốn ưu đãi để SXKD cho bản thân người khuyết tật và cho cơ sở SXKD sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật.

 

Tăng cường công tác dạy nghề cho người khuyết tật (dưới hình thức truyền nghề và nhận vào làm tại cơ sở truyền nghề) nhằm giúp người khuyết tật có được việc làm ổn định.

 

Đối với các cơ sở SXKD sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ các chính sách theo quy định tại Nghị định 28/2012 của Chính phủ.

 

PHẠM THÙY (thực hiện)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp