Nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong mùa mưa bão, các ngành, đơn vị đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông; đồng thời chuẩn bị nhân lực, vật lực, sẵn sàng ứng phó và kịp thời khắc phục sự cố trên các tuyến giao thông. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường cũng được thường xuyên thực hiện.
Trên cơ sở kinh nghiệm từ những năm trước, Sở GT-VT đã xây dựng các phương án cụ thể, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để xử lý khi có sự cố về hạ tầng giao thông.
Gấp rút sửa đường
Những ngày này, công tác duy tu, sửa chữa đường trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ được khẩn trương thực hiện. Trên tuyến ĐT645 đoạn qua huyện Đông Hòa và Tây Hòa, hàng chục công nhân cùng máy móc, thiết bị được huy động để sớm hoàn thành hệ thống rãnh thoát nước dọc bên phải tuyến.
Ông Nguyễn Lê Hoan, Giám đốc Ban quản lý dự án vốn Bảo trì đường bộ tỉnh, cho biết: Tuyến ĐT645 có lưu lượng phương tiện khá đông nhưng đường lại hẹp. Bên cạnh đó, hệ thống rãnh thoát nước dọc lại chưa được đầu tư đồng bộ nên vào mùa mưa, tình trạng nước thoát không kịp, chảy tràn trên mặt đường thường xuyên xảy ra, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Sở GT-VT Phú Yên đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư, địa phương có công trình giao thông đang triển khai trên địa bàn tỉnh tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động trong mùa mưa bão sắp đến. Các chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công đảm bảo chất lượng công trình, có điểm dừng kỹ thuật hợp lý, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tránh thiệt hại trong mùa mưa bão. Đối với các công trình vừa thi công, vừa khai thác, nhà thầu thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại; không để xảy ra tình trạng ngập úng, gây hư hỏng công trình. |
Chính vì thế, để góp phần đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân, đơn vị đang thi công rãnh thoát nước dọc tại nhiều đoạn trên tuyến; đồng thời gia cố lề đường bằng bê tông xi măng đối với những đoạn có rãnh dọc hiện hữu chưa gia cố lề và những đoạn thường xói lở để mở rộng mặt đường. Đơn vị thi công cũng đã thảm nhựa hơn 2,5km đường trên tuyến. Nhiều tuyến tỉnh lộ như ĐT650, ĐT641… cũng đang được duy tu, sửa chữa mặt đường, bổ sung hệ thống an toàn giao thông.
Theo Sở GT-VT, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện đi lại trong mùa mưa bão, các đơn vị quản lý đường bộ đã tiến hành bảo dưỡng thường xuyên trước, trong và sau mùa lụt bão. Hiện các đơn vị thi công đã sửa chữa, tạo điều kiện đi lại êm thuận trên 3 tuyến quốc lộ 25, 29, 19C với kinh phí khoảng 12 tỉ đồng. Hệ thống rãnh thoát nước dọc cũng được khơi thông. Đối với những vị trí thường xuyên sạt lở, các đơn vị chức năng đang nghiên cứu phương án để xây taluy dương dọc các triền núi.
Riêng trên quốc lộ 29, để đảm bảo an toàn trên tuyến, đơn vị đang tập trung xóa điểm đen tai nạn giao thông tại Km55+150 đoạn qua huyện Tây Hòa. Vị trí này được mở rộng mặt đường trong đường cong; gia cố lề, mái taluy; xây dựng hệ thống ATGT… với kinh phí 1,5 tỉ đồng.
Để đảm bảo ATGT trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên, Sở GT-VT phối hợp với Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT) và các đơn vị đang khẩn trương sửa chữa các vị trí ổ gà trên toàn tuyến. Điều này giúp giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông và tình trạng hư hỏng trên diện rộng như năm trước.
Tại vị trí Km1347 (xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa), đơn vị thi công - Công ty CP Bắc Phương đang tổ chức phân luồng giao thông để thảm nhựa mặt đường. Các thiết bị xe máy và nhân lực được tập trung tối đa để sửa chữa hơn 500m2 ổ gà hư hỏng trên đoạn tuyến dài hơn 13km.
Ông Nguyễn Viết Lợi, Giám sát hiện trường Công ty CP Bắc Phương, cho biết: Máy móc đã được công ty huy động tối đa để phục vụ việc sửa chữa các ổ gà. Các vị trí ổ gà lớn được ưu tiên xử lý trước, sau đó đến các vị trí hư hỏng nhẹ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, công ty sẽ hoàn thành việc sửa chữa ổ gà trong 5 ngày tới.
Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên đồng loạt có 7 gói thầu đang thi công sửa chữa các vị trí bị ổ gà. Tất cả vị trí hư hỏng lớn, đơn vị thi công đảm bảo giao thông bằng đá dăm. Tranh thủ thời tiết nắng sẽ thực hiện việc thảm nhựa mặt đường. Khó khăn nhất hiện nay trong quá trình sửa chữa quốc lộ là không có trạm trộn bê tông nhựa nào hoạt động thường xuyên; các đơn vị thi công phải “gom” khối lượng rồi mới có bê tông nhựa để thảm. Chính vì vậy không chủ động được thời gian.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: Sở đã phối hợp và báo cáo với Tổng cục Đường bộ Việt Nam để đảm bảo sửa chữa an toàn cho tất cả các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh trước mùa mưa lũ. Về việc sửa chữa trên quốc lộ 1, đơn vị đã đôn đốc Ban quản lý dự án Thăng Long khắc phục những tồn tại như: Ổ gà, rãnh thoát nước. Thời gian sửa chữa chậm nhất là phải hoàn thành trong tháng 10/2019.
Đảm bảo an toàn giao thông
Theo ông Nguyễn Phương Đông, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát từng tuyến đường và công tác chuẩn bị vật tư dự phòng, thiết bị khắc phục sự cố, phương án phân luồng, đảm bảo giao thông khi có tình huống xấu xảy ra. Các đơn vị thành viên Ban Phòng chống thiên tai của sở gồm đơn vị thực hiện bảo trì đường bộ, đơn vị sản xuất vật liệu đá… đã rà soát, đăng ký về số lượng vật tư (sắt thép, đá các loại, vật tư dự phòng lụt bão…), xe máy các loại với hơn 100 đầu thiết bị.
Sở GT-VT đã làm việc, yêu cầu các đơn vị vận tải đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn vận chuyển trong mùa mưa bão; tuyệt đối không hoạt động khi có mưa lụt lớn xảy ra. Việc đảm bảo ATGT đường thủy mùa mưa lũ cũng được quan tâm. Lực lượng thanh tra GT-VT đang tích cực phối hợp với các địa phương để kiểm tra về an toàn đường thủy nội địa, xác định khu tránh trú bão, neo đậu tàu thuyền để có phương án sắp xếp neo đậu. Sở GT-VT cũng phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với tất cả phương tiện vận tải thủy nội địa.
Trong khi đó, theo trung tá Võ Hùng Tường, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, đơn vị này cũng đang triển khai đợt ra quân cao điểm đảm bảo ATGT mùa mưa bão. Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa, tích cực thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để quản lý chặt chẽ hoạt động giao thông đường thủy nội địa trước mùa mưa bão nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy có thể xảy ra.
HỒ NHƯ