Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai

Thứ sáu - 08/11/2024 09:32
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Việc thực hiện tốt chính sách tài chính về đất đai đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách của địa phương; đồng thời tạo ra nguồn lực rất lớn, có hiệu quả cho sự phát triển KT-XH địa phương.
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Việc thực hiện tốt chính sách tài chính về đất đai đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách của địa phương; đồng thời tạo ra nguồn lực rất lớn, có hiệu quả cho sự phát triển KT-XH địa phương.

 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc.

 

Quang cảnh hội nghị chuyên đề Trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính tại Phú Yên. Ảnh: NGỌC QUỲNH

 

Tăng án hành chính về đất đai

 

Trong những năm qua, KT-XH của Phú Yên ngày càng phát triển. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự thành công, bứt phá trong tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân trên địa bàn tỉnh, đó là sự đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai.

 

Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai để phát triển hạ tầng giao thông, chỉnh trang mở rộng đô thị, triển khai thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh cũng làm phát sinh tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai diễn ra tương đối phức tạp, chiếm hơn 80% về khiếu nại hành chính hằng năm.

 

Theo kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng của UBND tỉnh, tình hình khiếu kiện hành chính có chiều hướng gia tăng theo từng năm, trong đó lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai là lĩnh vực tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người dân, chủ yếu là các khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH.

 

Những địa phương có số lượng khiếu nại, khởi kiện hành chính chủ yếu tập trung ở các huyện, thị xã, thành phố ven biển, nơi có nhiều dự án trọng điểm của tỉnh và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam như: Đông Hòa, Sông Cầu, Tuy Hòa, Tuy An, Đồng Xuân…

 

Theo báo cáo của Viện KSND tỉnh, Phú Yên là địa phương có số lượng vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai đứng thứ 6/12 tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên với tỉ lệ 19,85% (466/2.347 vụ) trong 4 năm (từ 2020-2024).

 

Đồng thời số vụ án hành chính liên quan đến đất đai được TAND hai cấp của tỉnh thụ lý, giải quyết hằng năm tăng hơn 10%, chủ yếu là khiếu kiện về các quyết định hành chính liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; khiếu kiện về việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, tòa án còn thụ lý giải quyết các vụ án hành chính liên quan khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai…

 

Nhận diện nguyên nhân, bàn giải pháp tháo gỡ

 

Mới đây, tại hội nghị chuyên đề Trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính tại Phú Yên do Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng phối hợp với UBND tỉnh tổ chức, đại diện các cơ quan, đơn vị đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết về công tác này.

 

Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận: “Có thể nói, thời gian qua, Phú Yên đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển KT-XH. Công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhìn chung việc quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót”.

 

Đặc biệt trong bối cảnh, nhiều dự án, công trình trọng điểm đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, việc giải tỏa, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phát sinh nhiều thủ tục, giao dịch. Theo đó, cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai cũng ban hành nhiều quyết định hành chính, thực hiện nhiều hành vi hành chính hơn.

 

Điều này dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến lĩnh vực đất đai, chủ yếu là khiếu nại, khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án; trong công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai; tranh chấp đất đai giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức…

 

Theo đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng, địa phương, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên, ngoài nguyên nhân khách quan do lịch sử quản lý đất đai còn lỏng lẻo, quy định pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, thì nguyên nhân chủ quan chủ yếu thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.

 

Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng Phạm Văn Cần cho rằng: Quản lý nhà nước về đất đai là một trong những công tác rất quan trọng của các cấp chính quyền từ trung ương đến cơ sở. Hiệu quả quản lý của công tác này có tác động rất lớn vào tình hình phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, góp phần vào việc an dân.

 

Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính của ngành KSND khu vực miền Trung - Tây Nguyên và việc nghiên cứu các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhận thấy một số vấn đề cần phải rút kinh nghiệm trên các lĩnh vực như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; xử phạt vi phạm hành chính; giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai…

 

Trên cơ sở nhận diện, phân tích, đánh giá đối với các vấn đề trong quản lý nhà nước về đất đai của các cơ quan có thẩm quyền qua các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của TAND các cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhất là ở địa bàn tỉnh Phú Yên; Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng đã tổng hợp một số dạng vi phạm cần rút kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn Phú Yên thông qua các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

 

Bộ tài liệu 180 trang này nhằm giúp UBND tỉnh và các địa phương, sở, ngành liên quan có cái nhìn toàn diện hơn các vấn đề trong công tác quản lý hành chính về đất đai nhằm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục và phòng ngừa vi phạm trong thời gian đến.

 

“Đây là những vấn đề mà chúng tôi phát hiện được nhằm tạo ra một kênh thông tin, một góc nhìn từ một cơ quan tiến hành tố tụng để giúp UBND tỉnh Phú Yên, các cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND cấp huyện, cấp xã trong tỉnh, cũng như các cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong lĩnh vực này tham khảo, rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn”, ông Cần chia sẻ.

 

Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị, địa phương cũng trình bày, thảo luận, đề xuất kiến nghị để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.

 

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn, đồng chí Tạ Anh Tuấn yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung rà soát các vụ việc liên quan đất đai, các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành để triển khai thi hành theo đúng quy định. Trường hợp khó khăn, vướng mắc kịp thời tổng hợp để gửi Viện KSND, TAND có hướng dẫn, hỗ trợ. 

 

Các nội dung, chuyên đề mà lãnh đạo Viện KSND cấp cao Đà Nẵng nêu tại hội nghị và bộ tài liệu 180 trang mà Viện KSND cấp cao Đà Nẵng dày công biên soạn là bộ cẩm nang quý giá. Đội ngũ lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh.

 

Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

 

NGỌC QUỲNH

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp