Tội cướp giật tài sản xử lý như thế nào thì hợp lý?

Thứ năm - 07/03/2019 16:25
Cháu tôi cướp giật điện thoại trị giá 6 triệu đồng của người đi xe máy và bị phạt tù 4 năm. Như vậy có cao quá không?

* Hỏi:

 

Cháu tôi cướp giật điện thoại trị giá 6 triệu đồng của người đi xe máy và bị phạt tù 4 năm. Như vậy có cao quá không? Trong bản án, tòa có nêu cháu tôi xét vào nhóm “tội phạm nguy hiểm cho xã hội vì khi giật điện thoại có thể sẽ làm cho người bị hại xảy ra tai nạn” có đúng không? Xin luật sư tư vấn giúp và cho biết tội cướp giật tài sản xử lý như thế nào thì hợp lý?

 

Trần Thị Hương (huyện Đông Hòa)

 

* Trả lời:

 

Căn cứ Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì trường hợp cháu bạn phạm tội thuộc khoản 1, Điều 171 quy định như sau:

 

“Điều 171. Tội cướp giật tài sản

 

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

 

a) Có tổ chức;  

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

 

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

 

đ) Hành hung để thoát;

 

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

 

g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

 

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng”.

 

Do đó, trong khung hình phạt từ 1-5 năm tù về tội danh này, thẩm phán có thể căn cứ vào các tình tiết cháu bạn phạm tội đưa ra mức phạt hợp lý. Do tòa án có nêu cháu bạn xét vào nhóm “tội phạm nguy hiểm cho xã hội vì khi giật điện thoại có thể sẽ làm cho người bị hại xảy ra tai nạn”; bên cạnh đó, cháu bạn đã sử dụng phương tiện là xe máy để phạm tội cướp giật nên được xác định là tình tiết tăng nặng.

 

Vì vậy, cho dù cháu bạn chưa gây tai nạn cho người kia nhưng có khả năng gây ra tai nạn nên tòa án có thể truy cứu trách nhiệm theo khoản 2 điều luật nêu trên. Bạn cần dựa trên bản án để xác định khung hình phạt, nếu như tòa án truy cứu theo khoản 2 kết luận như vậy là phù hợp theo quy định pháp luật.

 

Tuy nhiên, nếu bạn thấy mức phạt không thỏa đáng thì có thể yêu cầu tòa án cho xem lại bản cáo trạng và kháng cáo lên tòa đã xét xử sơ thẩm đã xử hoặc tòa án cấp phúc thẩm.

 

LS NGUYỄN HƯƠNG QUÊ

(Văn phòng Luật sư Phúc Luật)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp