Vì người đã mất, hành động cho người đang sống

Thứ năm - 21/11/2024 15:45
Ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hằng năm được Đại Hội đồng LHQ chọn là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông trên toàn cầu. Hoạt động này được tổ chức định kỳ hằng năm nhằm chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân, gia đình các nạn nhân tai nạn giao thông; đồng thời là cảnh báo về những hậu quả nặng nề của tai nạn giao thông đối với toàn xã hội.
Vì người đã mất, hành động cho người đang sống

Ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hằng năm được Đại Hội đồng LHQ chọn là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông trên toàn cầu. Hoạt động này được tổ chức định kỳ hằng năm nhằm chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân, gia đình các nạn nhân tai nạn giao thông; đồng thời là cảnh báo về những hậu quả nặng nề của tai nạn giao thông đối với toàn xã hội.

 

Ông Nguyễn Tấn Chân (bên phải), Ủy viên thường trực Ban ATGT tỉnh động viên, chia sẻ mất mát với gia đình có người thân chết vì tai nạn giao thông. Ảnh: NGÔ XUÂN

 

Những nỗi đau xé lòng

 

Trong căn nhà nhỏ tại đường Nguyễn Công Trứ, phường 4, TP Tuy Hòa có đến 2 bàn thờ là của vợ chồng ông Nguyễn Nhiên, sinh năm 1938 và vợ là bà Cao Thị Minh Hương, sinh năm 1942, mất vì tai nạn giao thông (TNGT) hồi tháng 5/2024. Hôm ấy, ông Nhiên chở vợ đi chợ, khi đến gần chợ Tuy Hòa thì xảy ra va chạm với ô tô đi cùng chiều. Không may, khi ngã xuống, cả hai ông bà đều bị cuốn vào gầm xe ô tô… Vụ tai nạn khiến bà Hương mất tại bệnh viện, ông Nhiên mất chỉ 2 ngày sau đó.

 

Ông Nguyễn Như Nha, con trai ông Nhiên nghẹn ngào nói: Nỗi đau này quá lớn, quá đột ngột; đến bây giờ cả gia đình tôi còn chưa hết bàng hoàng, đau đớn. Ba tôi mặc dù đã lớn tuổi, nhưng còn rất khỏe mạnh, minh mẫn; hai ông bà luôn tự chăm sóc, gắn bó với nhau gần 60 năm nay. Không gì có thể bù đắp cho mất mát quá lớn này. TNGT là điều không ai muốn, tôi chỉ mong mỗi người khi ra đường, hãy lái xe có trách nhiệm hơn, để không còn những nỗi đau như gia đình tôi.

 

Khi chúng tôi đến thăm anh Trịnh Ngọc Châu, sinh năm 1991, nạn nhân TNGT ở khu phố Bà Triệu, phường 7, TP Tuy Hòa, anh đang ngồi lặng lẽ trong góc nhà. Anh Châu trở thành người khuyết tật nặng, bị chấn thương sọ não và đi lại khó khăn sau vụ TNGT từ 2 năm trước. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt đều phụ thuộc vào người vợ trẻ.

 

Chị Nguyễn Thị Kim Thiếu, vợ anh Châu bày tỏ: Từ ngày chồng bị nạn, địa phương xét cho gia đình tôi vào diện hộ nghèo; được trợ cấp 1,5 triệu đồng/tháng cho người tàn tật. Hiện 3 con tôi đều còn bé, đứa lớn nhất lớp 7, đứa nhỏ mới vào lớp 1. Trước đây, chồng tôi là lao động chính trong nhà, nhưng từ ngày anh gặp nạn, tôi vừa chăm sóc chồng, vừa ráng kiếm tiền lo cho 3 con ăn học. Giá như ngày ấy không xảy ra tai nạn, có lẽ gia đình tôi sẽ không gặp cảnh túng quẫn như hôm nay.

 

Đại diện Ban ATGT tỉnh thăm hỏi anh Trịnh Ngọc Châu, nạn nhân tai nạn giao thông. Ảnh: NGÔ XUÂN

 

Những tương lai vụt tắt

 

Trong đợt thăm những nạn nhân bị TNGT vừa qua, không ít nạn nhân là những học sinh, tuổi đời còn trẻ, tương lai còn dài. Trong đó, rất nhiều em là học sinh giỏi, là niềm tự hào và là hy vọng của cả gia đình. Thế nhưng, cuộc sống của các em đã bị tước mất, tương lai các em đã bị ảnh hưởng vì TNGT.

 

Chúng tôi đến thăm gia đình em Nguyễn Tuấn Tú ở thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An. Trước khi bị nạn, Tú là học sinh lớp 10, học lực giỏi. Thế nhưng, vụ tai nạn khiến em bị chấn thương sọ não, phải tạm dừng 1 năm học để điều trị. Do gia cảnh khó khăn, cha mẹ Tú phải đi làm ăn xa, em sống cùng ông bà ngoại lớn tuổi. Sau khi bị tai nạn, em đã rất cố gắng để được trở lại trường lớp; nhưng việc học trở nên khó khăn hơn với em vì thị lực bị ảnh hưởng do chấn thương sau vụ TNGT.

 

Không “may mắn” như Tú, em Phan Thị Thu Ngân ở thôn Bình Chính, xã An Dân, huyện Tuy An đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 15 sau vụ TNGT. Trước đó 1 năm, ba của em cũng bị mất khả năng lao động sau một vụ TNGT nghiêm trọng. Mẹ em không có nghề nghiệp ổn định nên kinh tế gia đình rất khó khăn… Thời điểm tai nạn, Ngân đang học lớp 9. Ngân là chỗ dựa tinh thần, là niềm hy vọng duy nhất của cả gia đình vì em có học lực khá. Cả một gia đình êm ấm đã hoàn toàn bị hủy hoại vì TNGT.

 

Theo Ban ATGT tỉnh, trong 10 tháng đầu năm, cả nước xảy ra hơn 19.700 vụ TNGT khiến hơn 9.000 người bị cướp đi sinh mạng cùng gần 15.000 người bị thương tật suốt đời. Trong đó, gần 2.000 vụ TNGT liên quan đến trẻ em, làm gần 800 trẻ thiệt mạng và hơn 2.000 trẻ em bị thương. Riêng tại Phú Yên, trong năm học 2023-2024, đã ghi nhận 10 vụ TNGT nghiêm trọng làm 12 học sinh tử vong.

 

Hành động cho người đang sống

 

Theo Ban ATGT tỉnh, Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông”. Đây là năm thứ 13, Việt Nam cùng thế giới tổ chức hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT.

 

Hoạt động này nhằm bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số mất vì TNGT và chia sẻ với những mất mát đối với người thân của họ. Đồng thời, đây cũng là dịp để nhắc nhở mỗi chúng ta về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật trật tự ATGT, như: “Đã uống rượu bia - Không lái xe”; “Hãy tuân thủ tốc độ - Nhanh một giây, chậm cả đời”; “Đội mũ cho con - Trọn tình cha mẹ”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Thắt dây an toàn khi đi ô tô”; “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện”...

 

Mỗi người hãy nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, để cùng xây dựng môi trường tham gia giao thông an toàn, văn minh. Và hơn hết, chính mỗi bậc phụ huynh, mỗi thầy cô giáo, mỗi cá nhân phải làm gương về việc thực thi quy định pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng khi tham gia giao thông và luôn nhớ nghĩa vụ bảo đảm ATGT cho trẻ em.

 

Ông Nguyễn Tấn Chân, Phó Giám đốc Sở GTVT, Ủy viên thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết: Trong số các nạn nhân TNGT, phần nhiều đều là các trụ cột, là lao động chính trong gia đình. Đây là những nỗi đau, mất mát rất lớn đối với các thân nhân, với những người còn sống mà không gì có thể bù đắp được. Do vậy, mục tiêu của Ủy ban ATGT là nỗ lực kéo giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT. T

 

uy nhiên, để thực hiện được điều đó, ngoài sự nỗ lực hoàn thiện về thể chế pháp luật, sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, sự kiểm tra, xử lý quyết liệt của các lực lượng chức năng đối với những hành vi vi phạm, thì bản thân mỗi người hãy tự nâng cao ý thức của chính mình, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Đồng thời, mỗi người hãy là những tuyên truyền viên, kiểm soát viên để nhắc nhở, kiểm tra ý thức chấp hành pháp luật của người thân, gia đình, bạn bè mình.

 

Đặc biệt, phụ huynh học sinh cần có sự kiểm soát chặt chẽ con em mình khi tham gia giao thông; không giao xe cho con khi chưa đủ tuổi và chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ kiến thức pháp luật về trật tự ATGT.

 

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, mỗi người hãy nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật giao thông, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, để cùng xây dựng môi trường tham gia giao thông an toàn, văn minh. Hãy vì niềm thương xót những người đã mất, mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống.

 

NGÔ XUÂN

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp