G20 cam kết hỗ trợ sự ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu

Thứ năm - 15/10/2020 02:03
Ngày 14/10, bộ trưởng tài chính của các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng đối với Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất trong năm nay và sẽ xem xét lại vấn đề này vào tháng 4/2021.

Ngày 14/10, bộ trưởng tài chính của các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng đối với Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất trong năm nay và sẽ xem xét lại vấn đề này vào tháng 4/2021.

 

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị trực tuyến của các bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương, các quan chức tài chính G20 đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm soát sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cam kết "làm mọi thứ" để hỗ trợ sự ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu. Các quan chức cũng cho biết sẽ tiếp tục giải quyết tác động không đồng đều mà cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra đối với phụ nữ, giới trẻ và những đối tượng dễ bị tổn thương trên khắp thế giới.

 

Tuyên bố cũng nhấn mạnh kế hoạch hành động của G20 nêu bật sự cần thiết phải triển khai hành động tập thể nhằm đẩy nhanh công tác chẩn đoán, điều trị, phát triển và điều chế vắcxin phòng COVID-19, bao gồm việc thông qua sáng kiến Thuận lợi tiếp cận vắcxin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thúc đẩy.

 

Cũng theo tuyên bố chung, các quan chức tài chính G20 đã nhất trí gia hạn DSSI thêm 6 tháng, đồng thời bày tỏ thất vọng trước sự thiếu vắng các chủ nợ tư nhân tham gia sáng kiến này. Họ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc củng cố năng lực về thuế nhằm xây dựng hệ thống thu thuế bền vững. Các bộ trưởng cũng nhất trí sẽ tổ chức cuộc họp bất thường trước hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới để thảo luận về các vấn đề nổi cộm.

 

Việc hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và các nước đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan từ tháng 3 vừa qua đã tàn phá các nền kinh tế trên toàn thế giới. Giữa tháng 4 vừa qua, G20 và Câu lạc bộ Paris đã nhất trí về DSSI cho các nước nghèo nhất trong năm 2020.

 

Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết việc giảm nợ cho các nước nghèo vẫn ít ỏi vì "không phải tất cả các chủ nợ đều tham gia đầy đủ", theo đó chỉ 43 quốc gia trong tổng số 73 quốc gia được hưởng khoảng 5 tỉ USD từ sáng kiến DSSI để hỗ trợ các khoản an sinh xã hội, y tế và kinh tế nhằm ứng phó với đại dịch, trong khi mức dự kiến là từ 8 tỉ đến 11 tỉ USD.

 

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, G20 đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nỗ lực phục hồi kinh tế và giảm thiểu những tác động tiêu cực nhất của cuộc khủng hoảng này.

 

Hơn 10 năm sau, thế giới lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn khác, lần này không chỉ là kinh tế, tài chính, mà còn đe dọa trực tiếp sinh mạng của hàng triệu người.

 

Trong bối cảnh đó, G20 đã trở thành tâm điểm chú ý khi được kỳ vọng một lần nữa đóng vai trò đầu tàu, giúp điều phối, thúc đẩy, củng cố sự hợp tác quốc tế nhằm đưa thế giới vượt qua “cơn bĩ cực” mang tên COVID-19 hiện nay.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp