Kết nối mọi người khắp thế giới vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

Thứ bảy - 17/10/2020 09:04
“Cùng nhau hành động để đạt được công bằng xã hội và môi trường cho tất cả mọi người” kèm theo hashtag #EndPoverty (chấm dứt nghèo đói) là chủ đề của Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo 2020 được cộng đồng mạng xã hội chia sẻ

“Cùng nhau hành động để đạt được công bằng xã hội và môi trường cho tất cả mọi người” kèm theo hashtag #EndPoverty (chấm dứt nghèo đói) là chủ đề của Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo 2020 được cộng đồng mạng xã hội chia sẻ nhằm kết nối mọi người từ khắp nơi trên thế giới tham gia cuộc chiến chống đói nghèo.

 

Lời kêu gọi này được Liên Hợp Quốc đưa ra trong bối cảnh thế giới có nguy cơ đánh mất những thành tựu vốn phải rất nỗ lực mới đạt được trong cuộc chiến chống nghèo đói nhiều thập niên qua, khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đe dọa khiến nhiều người rơi trở lại vào nghèo đói cũng như đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh bần cùng.

 

Kể cả khi chưa xuất hiện đại dịch COVID-19, xung đột và biến đổi khí hậu đã là những rào cản lớn khiến thế giới khó hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

 

Trong giai đoạn 1990-2015, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ khi tỉ lệ người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực (có thu nhập dưới mức 1,9 USD/ngày) trên toàn cầu đã giảm từ 36% xuống 9,9%, tương đương mức giảm trung bình 1%/năm. Tuy nhiên, tốc độ giảm đã chậm lại, xuống dưới 0,5%/năm từ năm 2015-2017. Đến năm 2019, gần 690 triệu người, tương đương 8,9% dân số thế giới, sống trong cảnh nghèo đói cùng cực.

 

Bạo lực triền miên đẩy Cộng hòa Trung Phi vào tình trạng đói nghèo ở mức "báo động tột cùng", đứng đầu trong báo cáo Chỉ số đói nghèo toàn cầu (GHI) 2019. Tại đất nước Syria chìm trong xung đột hơn chín năm qua, trên 80% dân số đang sống dưới mức nghèo khổ do xã hội bị ngừng trệ và cơ sở hạ tầng bị phá hủy.

 

Trong khi đó, biến đổi khí hậu gây ra hạn hán trầm trọng khiến các nước châu Phi ở vùng cận Sahara là khu vực có tỉ lệ đói nghèo cao nhất, cứ bốn người thì có một người đói.

 

Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), khoảng 30% số dân của châu lục hơn 1,3 tỉ người này sống dưới ngưỡng nghèo đói.

 

Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực bị biến đổi khí hậu “tấn công” mạnh nhất khi thường xuyên phải hứng chịu bão lũ và sóng nhiệt, gần 700 triệu người vẫn sống trong cảnh nghèo đói, chiếm hai phần ba số người nghèo của thế giới.

 

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo từ nay tới năm 2030, thế giới sẽ có 126 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực do biến đổi khí hậu, trong đó Đông Nam Á và châu Phi là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

 

Thách thức càng chồng chất khi đại dịch COVID-19 giáng một đòn mạnh vào nỗ lực xóa đói giảm nghèo, vốn là mục tiêu đầu tiên trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2015-2030 cũng như Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

 

WB cảnh báo lần đầu tiên kể từ năm 1998, số người nghèo đói cùng cực trên toàn cầu sẽ tăng trong năm nay. Ước tính đại dịch có thể đẩy thêm khoảng 115 triệu người (tương đương 1,4% dân số thế giới), rơi vào cảnh bần cùng, nâng tỉ lệ dân số nghèo đói có thể tăng lên mức từ 9,1-9,4%.

 

Cứ theo đà này, khi dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan trên toàn cầu với hơn 39,3 triệu ca nhiễm và hơn 1,1 triệu ca tử vong, số người phải sống dưới mức nghèo đói có nguy cơ tăng khoảng 150 triệu người vào năm 2021.

 

Theo kịch bản xấu nhất của Tổ chức Oxfam, đại dịch COVID-19 có thể khiến nửa tỉ người (khoảng 8% dân số thế giới) lâm vào cảnh nghèo đói.

 

Trong đại dịch, nhóm người nghèo nhất có nguy cơ nhiễm virus cao nhất song lại ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. Những người sống ở các khu vực xung đột và chịu tác động của biến đổi khí hậu vẫn phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng nhất của nạn đói.

 

Bởi vậy, những nơi đã có tỉ lệ nghèo cao sẽ có thêm nhiều người nghèo mới. Riêng vùng nam sa mạc Sahara châu Phi sẽ có thêm khoảng 40 triệu người rơi vào tình cảnh nghèo cùng cực.

 

Tại châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo COVID-19 có thể đẩy hơn 160 triệu người vào cảnh nghèo đói. Kịch bản này đang khiến Mục tiêu phát triển bền vững về xóa đói giảm nghèo vào năm 2030 đứng trước nguy cơ “ngoài tầm với”.

 

Những thách thức toàn cầu đòi hỏi những giải pháp cũng phải mang tính toàn cầu. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết để chống lại kẻ thù chung là đại dịch COVID-19, đồng thời xây dựng một thế giới công bằng xã hội và môi trường cho tất cả mọi người.

 

Đây cũng là tinh thần mà Liên Hợp Quốc muốn truyền tải nhân Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo năm nay, theo đó, cùng với nỗ lực giải quyết tình trạng nghèo đói xét theo thu nhập, cần khắc phục những khía cạnh quan trọng khác của sự nghèo đói (theo hướng tiếp cận nghèo đa chiều), như việc không được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh…, cũng như tác động ngày càng gia tăng do môi trường.

 

Liên Hợp Quốc nhấn mạnh những người sống trong nghèo đói và các nhóm thiệt thòi khác đang ngày càng phải chịu tác động nặng nề của tình trạng thời tiết cực đoan cũng như suy thoái đất. COVID-19 cũng bộc rộ rõ sự bất bình đẳng xã hội khi nhóm người dễ bị tổn thương nhất lại bị đại dịch tấn công mạnh nhất.

 

Trong đại dịch, những khoảng cách về thu nhập, việc làm, giáo dục, tiếp cận y tế… có nguy cơ nới rộng, cuộc sống cũng như sinh kế của những người nghèo phải thích nghi với điều kiện môi trường đang thay đổi nhanh chóng này cũng bị đe dọa.

 

Trước nguy cơ đại dịch “xóa sổ” những thành tựu xóa đói giảm nghèo, WB đã cam kết tài trợ 160 tỉ USD đến tháng 6/2021 nhằm hỗ trợ 100 nước nghèo và hiện đã giải ngân khoảng 21 Tỉ USD tính đến cuối tháng 6 vừa qua, các nước giàu cũng cam kết hoãn hoặc giảm nợ cho một số quốc gia nghèo nhất thế giới.

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kép, sự hỗ trợ trên có vẻ như “muối bỏ bể” nếu không có các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa.

 

Để giải quyết được thách thức này, Liên Hợp Quốc cho rằng thế giới cần phải thay đổi về mặt quan điểm, tôn trọng sự tham gia, đóng góp của những người nghèo nhằm đáp ứng nhu cầu của họ, hướng tới xây dựng một thế giới bình đẳng và bền vững.

 

Sau đại dịch, các nước cần hướng tới phục hồi bền vững và toàn diện, chuyển đổi, từ bỏ các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà vẫn bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, qua đó giải quyết các nguyên nhân gây ra bất bình đẳng xã hội và môi trường, đồng thời hiện thực hóa tham vọng toàn cầu là chấm dứt nghèo đói dưới mọi hình thức, ở mọi nơi.

 

Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi đặt trẻ em vào trọng tâm của chính sách xóa đói giảm nghèo. Theo WB, trẻ em chiếm 50% số người nghèo cùng cực, do đó tỉ lệ trẻ em nghèo rất cao vì trẻ em chỉ chiếm khoảng 1/3 dân số toàn cầu. Nếu không nỗ lực giảm nghèo ở trẻ em, thế giới có thể chấm dứt tình trạng nghèo đói hôm nay, nhưng không thể phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 

Ở Việt Nam, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững, với những thành tựu đáng kể. Tại hội nghị Liên Hợp Quốc ngày 11/11/2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015).

 

Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều, xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận toàn diện nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

 

Theo đánh giá của bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam: “Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất về xóa đói giảm nghèo trên thế giới. Việt Nam được thế giới công nhận thành tựu xóa đói giảm nghèo phi thường về giảm Tỉ lệ nghèo cùng cực, từ 49% dân số vào năm 1992 xuống chỉ còn 2% vào năm 2016. Việt Nam đã giảm đáng kể Tỉ lệ nghèo đa chiều, từ 16% vào năm 2012 xuống còn 5% vào năm 2018”.

 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, giảm thiểu tác động của COVID-19, đảm bảo an sinh cho người nghèo là một trong những chính sách ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Khoảng 20 triệu người, trong đó có các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, đã được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội trị giá hơn 62.000 tỉ đồng (khoảng 2,7 tỉ USD).

 

Bên cạnh đó, các giải pháp khôi phục kinh tế, hỗ trợ việc làm cùng những chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững theo hướng toàn diện, bao trùm, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau…, đang tiếp tục được triển khai.

 

Một trong những ưu tiên hành động của Liên Hợp Quốc năm 2020 là tiếp tục các nỗ lực để phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa đói nghèo và bất bình đẳng nhằm thiết lập một quá trình toàn cầu hóa công bằng, không để ai bị tụt lại phía sau.

 

Tuy nhiên, tại khóa họp thứ 75 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9 vừa qua, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo COVID-19 là “mối đe dọa an ninh toàn cầu số một", nhắm vào những người dễ bị tổn thương nhất và gây tổn hại nghiêm trọng đến những tiến bộ mà thế giới mất nhiều thập niên để đạt được, trong đó có việc tình trạng đói nghèo gia tăng lần đầu tiên trong suốt 30 năm qua.

 

Bởi vậy, đây là lúc thế giới cần đoàn kết vượt qua dịch bệnh, đồng thời giải quyết nguy cơ của nạn đói nghèo thông qua các chiến lược phục hồi bền vững và toàn diện để đưa thế giới trở về đúng quỹ đạo, phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp