Cơ quan hải quan và biên phòng Mỹ (CBP) ngày 5/3 công bố báo cáo cho biết số người di cư không giấy tờ bị chặn lại tại biên giới Mỹ giáp với Mexico trong tháng 2/2019 đã lên hơn 76.000 người - mức tăng kỷ lục theo tháng tính trong nhiều năm qua.
Thực tế này đã khiến giới chức Mỹ thừa nhận Washington đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh quốc gia dọc khu vực biên giới tây nam.
Theo báo cáo trên, so với mức trung bình 61.000 người ghi nhận trong ba tháng trước đó, mức tăng trên được xem là đặc biệt đột biến, nhất là vào tháng 2 vì đây là thời điểm lạnh nhất trong năm và số người di cư tìm cách vượt biên vào Mỹ thường giảm.
Đáng chú ý là con số thống kế nêu trên cao gấp hơn hai lần so với tháng 2/2018 và cao gấp 3,2 lần so với tháng 2/2017 - một tháng sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức với cam kết đề ra biện pháp hữu hiệu đối phó với làn sóng di cư bất hợp pháp.
Người đứng đầu CBP, ông Kevin McAleenan nhấn mạnh số lượng các gia đình và trẻ em vượt biên vào Mỹ qua biên giới giáp Mexico theo từng nhóm lớn hơn và ở những cửa khẩu thuộc khu vực hẻo lánh đang là thách thức đối với hoạt động của CBP.
Trước đó, cuối tháng 1/2019, Chính phủ Mỹ đã triển khai việc thực hiện chính sách di cư mới, theo đó đưa người xin tị nạn (hầu hết là công dân của những nước nghèo và tội phạm tràn lan như Guatemala, Nicaragua và El Salvador) trở lại cửa khẩu biên giới Mexico trong thời gian chờ đợi hồ sơ được xem xét - một quá trình dự kiến có thể mất tới hai năm. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách này chỉ được triển khai tại vùng biên giới duy nhất tại Tijuana, Mexico.
Trong khi đó, tháng 2 vừa qua ghi nhận có hơn 70 nhóm với khoảng hơn 100 người mỗi nhóm đã tìm cách vượt biên qua cửa khẩu này và ngay lập tức trình diện trước nhà chức trách Mỹ xin tị nạn. Thực tế này trở thành "gánh nặng" về cả sức người và chi phí đối với CBP.
Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tâm triển khai dự án xây dựng bức tường biên giới với Mexico nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư bất chấp sự phản đối của Quốc hội nước này.
Tháng trước, "ông chủ" Nhà Trắng đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - một biện pháp có thể giúp ông huy động trực tiếp nguồn công quỹ liên bang để phục vụ dự án trên mà tránh được sự can thiệp của cơ quan lập pháp nước này.
Hiện Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua nghị quyết bác bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia của ông Trump, và nhiều khả năng nghị quyết này cũng sẽ được thông qua tại Thượng viện hiện do đảng Công hòa chiếm đa số, bởi cho tới nay có nhiều nghị sĩ Công hòa tuyên bố không ủng hộ việc làm của ông Trump.
TTXVN/Vietnam+