Tàu sân bay Mỹ ở Vùng Vịnh là một mục tiêu của Iran

Thứ hai - 13/05/2019 01:05
Hãng thông tấn ISNA dẫn lời một Tư lệnh cấp cao của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) ngày 12/5 nói rằng, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh thường được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Iran, nhưng hiện giờ điều đó đã trở thành một mục tiêu.
Tàu sân bay Mỹ ở Vùng Vịnh là một mục tiêu của Iran

Hãng thông tấn ISNA dẫn lời một Tư lệnh cấp cao của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) ngày 12/5 nói rằng, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh thường được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Iran, nhưng hiện giờ điều đó đã trở thành một mục tiêu.

 

Mỹ đã triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng nhóm máy bay ném bom chiến lược B-52 tới Trung Đông, nhằm đối phó với “các dấu hiệu rõ ràng” về mối đe dọa từ Iran nhằm vào các lực lượng Mỹ trong khu vực. Tàu USS Abraham Lincoln được triển khai tới khu vực để thay thế một tàu sân bay khác đã rời khỏi vùng Vịnh vào tháng trước.

 

“Một tàu sân bay với ít nhất 40-50 máy bay và khoảng 6.000 người trước đây được coi là một mối đe dọa nghiêm trọng đối vơi chúng tôi, và giờ đây nó trở thành một mục tiêu, còn các mối đe dọa đã chuyển thành cơ hội”, ông Amirali Hajizadeh, người đứng đầu lực lượng hàng không vũ trụ của IRGC nói.

 

“Nếu Mỹ có bất cứ động thái nào, chúng tôi sẽ nhằm thẳng vào đầu họ”, ông Hajizadeh nhấn mạnh.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã tăng cường sức ép kinh tế đối với Iran, nhằm đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số 0, buộc Iran phải từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân cũng như chấm dứt hỗ trợ các nhóm vũ trang ở Syria, Iraq, Libăng và Yemen.

 

Trả lời phỏng vấn CNBC, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, việc triển khai tàu sân bay và máy bay ném bom tới Trung Đông vừa để răn đe Iran, vừa có thể phản ứng kịp thời nếu cần thiết.

 

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày Hãng Thông tấn chính thức của Iran (IRNA) dẫn lời Phó Chủ tịch Quốc hội nước này, Ali Mottahari, tuyên bố việc Iran ngừng tuân thủ một số cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 là minh chứng cho thấy nước Cộng hòa Hồi giáo này không hề suy yếu.

 

Theo ông Mottahari, quyết định đúng lúc của nước này liên quan tới những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), đã cho thấy Iran không hề ở trong vị thế bị suy yếu.

 

Động thái của Tehran được đưa ra đúng một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này. Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo sau 60 ngày, nước này sẽ ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani.

 

Nhà lãnh đạo Iran cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nhất định nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời khẳng định lập trường của Iran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân. Bên cạnh đó, Tổng thống Rouhani cũng lên tiếng kêu gọi các phe phái chính trị tại Iran thể hiện sự đoàn kết trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Mỹ.

 

L.H (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp