Thuốc điều trị COVID-19 của Hongkong và Hàn Quốc cho kết quả hứa hẹn

Thứ hai - 12/10/2020 09:03
Ngày 12/10, các nhà khoa học tại Hongkong (Trung Quốc) cho biết một loại thuốc kháng khuẩn thường dùng trong điều trị viêm loét dạ dày đã cho thấy kết quả hứa hẹn trong chống lại virus SARS-CoV-2

* Tập đoàn Daewoong được thử nghiệm thuốc niclosamide chữa COVID-19

 

Ngày 12/10, các nhà khoa học tại Hongkong (Trung Quốc) cho biết một loại thuốc kháng khuẩn thường dùng trong điều trị viêm loét dạ dày đã cho thấy kết quả hứa hẹn trong chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên động vật.

 

Trong công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Microbiology, các nhà khoa học Hongkong đã tìm hiểu khả năng các loại thuốc có chứa thành phần là bạch kim, vàng và bạc (còn gọi là thuốc kim loại - metallodrug) có thể kháng virus SARS-CoV-2 hay không.

 

Qua thử nghiệm trên chuột lang, các nhà khoa học phát hiện thấy một trong những loại thuốc kim loại là ranitidine bismuth citrate (RBC), là "tác nhân kháng virus SARS-CoV-2 tiềm năng".

 

Chuyên gia Runming Wang tại Đại học Hongkong cho biết thuốc RBC có thể làm giảm 10 lần nồng độ virus trong phổi của chuột lang bị nhiễm bệnh. Theo các nhà khoa học Hongkong, RBC là loại thuốc giá rẻ, được sử dụng an toàn và hiệu quả trong điều trị viêm loét dạ dày trong hàng thập kỷ qua.

 

Cùng ngày, hãng dược phẩm hàng đầu Hàn Quốc Celltrion cho biết sẽ tiến hành thêm các thử nghiệm lâm sàng đối với loại thuốc điều trị COVID-19 do hãng này phát triển.

 

Theo đó, thuốc CT-P59 sẽ được cấp cho hơn 1.000 người, trong đó có các bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng và những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19. Hiện, CT-P59 đang trải qua các cuộc thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 ở Hàn Quốc và nước ngoài.

 

Celltrion cho biết họ đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với 32 tình nguyện viên trong nước và không phát hiện dấu hiệu bất thường nào.

 

Công ty hiện đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 đối với khoảng 300 người có các triệu chứng nhẹ và nặng của bệnh, điều sẽ cho phép các nhà nghiên cứu kiểm tra tốt hơn hiệu quả của CT-P59 đối với COVID-19 và độ an toàn của thuốc.

 

Theo hãng dược phẩm này, giai đoạn 3 sẽ được tiến hành với sự tham gia của khoảng 720 tình nguyện viên để xem loại thuốc này có thực sự hiệu quả hay không.

 

Celltrion cho biết ngoài Hàn Quốc, công ty này đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng CT-P59 ở Mỹ, Romania và 3 quốc gia khác như một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm tìm ra thuốc điều trị COVID-19.

 

* Tập đoàn dược phẩm Daewoong của Hàn Quốc ngày 12/10 thông báo đã được phê chuẩn thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 1 thuốc niclosamide chống ký sinh trùng để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

 

Daewoong nhấn mạnh công ty này nhận được quyết định trên khoảng 2 tháng sau khi được phía Ấn Độ phê chuẩn tiến hành thử nghiệm Giai đoạn 1 thuốc niclosamide.

 

Loại thuốc này đã chứng tỏ được tính an toàn trong nghiên cứu mới nhất do nhà sản xuất này phối hợp tiến hành với công ty dược phẩm Mankind có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ).

 

Daewoong cho biết thêm cũng đang lên kế hoạch xin phê chuẩn có điều kiện sử dụng khẩn cấp thuốc kháng virus DWRX2003 của tập đoàn này sau khi thu được các kết quả tích cực trong cuộc thử nghiệm lâm sàng 2 giai đoạn.

 

Cụ thể, loại thuốc này đã "tiêu diệt hoàn toàn" virus SARS-CoV-2 trong phổi của các loài động vật được đưa vào quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng.

 

Kể từ tháng 4 năm nay, Daewoong thông báo hợp tác với Viện Pasteur Hàn Quốc nghiên cứu phát triển thuốc niclosamide. Kết quả nghiên cứu ban đầu có sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho thấy các thành phần niclosamide phát huy hiệu quả trong việc kháng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

 

Đáng chú ý, loại thuốc này có khả năng chống lại chủng virus SARS-CoV-2 cao gấp 40 lần so với thuốc Remdesivir điều trị bệnh Ebola và gấp 26 lần so với thuốc điều trị bệnh sốt rét Chloroquine.

 

Tháng Chín vừa qua, Tập đoàn Daewoong cũng đã triển khai cuộc thử nghiệm lâm sàng khác trên người ở Philippines đối với thuốc niclosamide.

 

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu bắt đầu tiêm vắcxin ngừa COVID-19 vào đầu tháng 11 tới trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng y tế có thể dẫn đến suy thoái lần đầu tiên trong hơn hai thập kỷ qua.

 

Bộ điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư cho biết 100.000 liều vắcxin sẽ được CanSino Biologics - công ty Trung Quốc đầu tiên tiến hành thử nghiệm vắcxin COVID-19 trên người - cung cấp cho Indonesia trong tháng 11 tới.

 

Dự kiến, một tháng sau đó, công ty khác của Trung Quốc là Sinovac Biotech sẽ cung ứng cho quốc gia Đông Nam Á này 3 triệu liều vắcxin. Sinovac Biotech tháng 4 vừa qua đã nhất trí hợp tác với hãng dược phẩm quốc doanh Bio Farma của Indonesia để sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 (dự kiến từ tháng 11 tới), với công suất tối đa ước đạt 250 triệu liều mỗi năm.

 

Ngoài ra, kể từ đầu tháng 11 tới, Indonesia cũng sẽ tiếp nhận 5 triệu liều vắcxin khác nhờ sự hợp tác giữa công ty dược phẩm nhà nước Trung Quốc Sinopharm và công ty công nghệ G42 của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

 

Bộ điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia cho biết bộ ba vắcxin nói trên đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối và đã nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Trung Quốc.

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Terawan Agus Putranto nêu rõ các nhân viên y tế, viên chức nhà nước, quân đội, cảnh sát, giáo viên ở tất cả các cấp sẽ là các đối tượng đầu tiên được tiêm vắcxin.

 

Theo Bộ trưởng Terawan, từ cuối tháng 9 vừa qua, Indonesia đã bắt đầu đào tạo các nhân viên y tế tại các trung tâm y tế cộng đồng nhằm giám sát quá trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19. Các loại vắcxin này sẽ được bán nhưng đối với các cộng đồng thu nhập thấp sẽ được tiêm miễn phí.

 

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp