* WHO cảnh báo về tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu Phi
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 18/4, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là 2.250.119 ca, trong đó có 154.241 ca tử vong.
Dịch bệnh hiện đã lây lan sang 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số bệnh nhân phục hồi là 571.577 người.
Mỹ hiện vẫn là tâm dịch của thế giới với 709.735 ca nhiễm và 37.154 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 190.839 ca nhiễm và 20.002 ca tử vong, Ý với 172.434 ca nhiễm và 22.745 ca tử vong, Pháp với 147.969 ca nhiễm và 18.681 ca tử vong và Đức với 141.397 ca nhiễm và 4.352 ca tử vong.
Theo AFP, ngày 17/4, Viện Y tế cấp cao Ý (ISS) cho biết gần 17.000 nhân viên y tế đã nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Ý, hơn 2/3 trong số đó là nữ giới. Con số này tương đương với 10% số ca nhiễm chính thức được ghi nhận tại Ý.
ISS không báo cáo số ca tử vong do COVID-19 trong đội ngũ nhân viên y tế, song một nghiên cứu do Hiệp hội bác sĩ Ý (FNOMCeO) công bố ngày 16/4 cho thấy dịch bệnh COVID-19 đã khiến 125 bác sĩ tại Ý tử vong.
Thông tin truyền thông ngày 17/4 cũng cho hay ít nhất 34 y tá đã qua đời do dịch bệnh. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Ý lên tới 22.170 người, song các y bác sĩ cho rằng con số thực tế có thể gấp đôi con số được công bố chính thức tại một số tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Một số bác sĩ Ý đã bày tỏ lo ngại rằng những nhân viên y tế mắc COVID-19 có thể đã vô tình lây nhiễm bệnh cho các bệnh nhân của họ trong những tuần đầu dịch bệnh bùng phát.
Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau nhận định rằng giá dầu sụt giảm và những ảnh hưởng về kinh tế của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã “tàn phá” ngành năng lượng của Canada, đẩy nhiều lao động vào tình trạng thất nghiệp.
Do đó, Chính phủ liên bang Canada hy vọng sẽ kiến tạo được 10.000 việc làm trong ngành năng lượng khi tiến hành bơm hơn 2,4 tỉ CAD (tương đương khoảng 1,7 tỉ USD) thông qua 2 gói hỗ trợ nhằm giúp những người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động dọn dẹp các giếng dầu khí và ngăn chặn tình trạng rò gỉ khí methan.
Tại châu Âu, Quốc hội Pháp (tức hạ viện) đã thông qua một dự luật nhằm giảm thuế VAT từ 20% xuống 5,5% đối với khẩu trang và gel rửa tay y tế. Dự luật này dự kiến sẽ được trình lên xem xét tại Thượng viện vào 21/4 tới. Việc giảm thuế VAT này sẽ kéo dài đến năm 2022.
Trong khi đó, Bộ Các vấn đề kỹ thuật số của nước này thông báo ứng dụng được chính phủ hỗ trợ phát triển có tên gọi “StopCovid” sẽ chưa sẵn sàng vào thời điểm Quốc hội tổ chức thảo luận về các vấn đề liên quan tới quyền riêng tư.
Trong thông báo, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề kỹ thuật số của Pháp, ông Cedric O ngày 17/4 cho biết ứng dụng “StopCovid” đang được xây dựng nên chưa chắc có thể triển khai vào tháng tới. Vì vậy, vào thời điểm Quốc hội Pháp tranh luận về những vấn đề liên quan tới quyền riêng tư của ứng dụng này (dự kiến vào ngày 28/4 tới), “StopCovid” vẫn đang trong quá trình phát triển.
Ứng dụng “StopCovid”, được xây dựng với tính năng cảnh báo người dùng smartphone nếu họ tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2, đang làm dấy lên những tranh luận về nguy cơ lạm dụng dữ liệu và vi phạm quyền riêng tư. Hiện Chính phủ Pháp chưa công bố nhiều thông tin về “StopCovid” - ứng dụng được phát triển dựa trên công nghệ bluetooth để ghi lại thời điểm những người dùng có tiếp xúc gần với nhau.
Tại Anh, Chính phủ đã công bố thành lập nhóm đặc nhiệm nghiên cứu vắcxin phòng COVID-19 nhằm đưa vắcxin đến người dân sớm nhất có thể. Chính phủ Anh cho biết 21 dự án nghiên cứu mới sẽ nhận được tài trợ từ quỹ đầu tư trị giá 14 triệu bảng Anh (17,5 triệu USD) để "nhanh chóng thúc đẩy các hoạt động điều trị và điều chế vắcxin”.
Trong khi đó, một triệu liều vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do các nhà khoa học Anh phát triển đang trong quá trình sản xuất và sẽ có sẵn để sử dụng vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, tính hiệu quả của vắcxin này vẫn là để ngỏ vì chưa có nhiều thử nghiệm thực tế.
Vắcxin ChAdOx1 nCoV-19, thành quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học tại Đại học Oxford, là một trong số ít nhất 70 loại vắcxin tiềm năng đang được các nhà nghiên cứu và công ty công nghệ sinh học trên khắp thế giới phát triển. Ít nhất 5 trong số các loại vắcxin này đang trong giai đoạn thử nghiệm bước đầu trên người.
Trong thông báo ngày 17/4, các nhà khoa học tại Đại học Oxford cho biết họ đang tuyển tình nguyện viên cho giai đoạn 1 - thử nghiệm vắcxin ChAdOx1 nCoV-19 trên người, đồng thời gấp rút sản xuất với số lượng lớn, mặc dù cũng có những quan ngại rằng các kết quả thử nghiệm có thể cho thấy vắcxin không có tác dụng phòng bệnh COVID-19.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh bùng phát tại Nga với hơn 32.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu khẳng định các lực lượng vũ trang Nga đã sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đặt ra.
Cụ thể, Lực lượng RKhBZ có hơn 3.500 đơn vị kỹ thuật chuyên dụng và quân số hơn 10.000 người. Ngoài ra, 4.900 giường cho bệnh nhân mắc COVID-19 đã được quân đội chuẩn bị.
Đến ngày 15/5 tới, Bộ Quốc phòng Nga sẽ cung cấp thêm 7.500 giường bệnh nữa và điều động 5.200 bác sĩ quân y để phục vụ người dân.
Tại châu Á, Bộ Y tế Singapore ngày 17/4 đã ghi nhận thêm 623 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 5.050 người. Khoảng 69% số ca nhiễm mới có liên quan tới những ổ dịch đã được phát hiện, trong khi đó những ca còn lại đang chờ rà soát nguồn tiếp xúc. Số ca tử vong do những biến chứng của COVID-19 tại Singapore đã tăng lên thành 11 người.
Tại Ấn Độ, Chính phủ đã quyết định gia hạn thị thực cho tất cả những người nước ngoài đang mắc kẹt tại nước này do lệnh phong tỏa toàn quốc vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bộ Nội vụ Ấn Độ cho hay những thị thực đã hết hạn hoặc sẽ hết hạn trong giai đoạn từ ngày 1/2 vừa qua đến ngày 3/5 tới sẽ được gia hạn miễn phí sau khi những người này hoàn thành việc đăng ký trực tuyến.
Do lệnh phong tỏa, Bộ Nội vụ cũng tiếp tục dừng tất cả những thị thực đã được cấp và dừng việc nhập cảnh vào nước này đến ngày 3/5 tới, trừ những người mang hộ chiếu ngoại giao công vụ hoặc nhân công phục vụ các dự án.
Ngày 17/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã báo động về diễn biến nhanh chóng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra ở châu Phi. Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Trong tuần qua, châu Phi đã ghi nhận sự gia tăng 51% số ca bệnh nhiễm mới và tăng 60% số ca tử vong được ghi nhận. Với những khó khăn trong việc có được bộ dụng cụ chẩn đoán, khả năng con số thực về số ca nhiễm ở châu Phi có sẽ còn cao hơn nhiều”.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Mike Ryan - Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của WHO, nhận định: “Chúng tôi không tin rằng đại dịch hiện đã qua giai đoạn có thể ngăn chặn. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể làm được nhiều việc hơn để hạn chế tác động của virus SARS-CoV-2. Và chúng tôi tin rằng chúng ta cần phải tăng tốc những nỗ lực của mình vì số lượng các ca bệnh đang gia tăng mỗi ngày”.
Số ca mắc COVID-19 mới tại châu Phi đã tăng mạnh liên tiếp trong những ngày gần đây, đặc biệt là Ai Cập và Maroc. Trong ngày 17/4, Ai Cập đã ghi nhận thêm 171 ca mắc COVID-19 mới và đã vượt qua Nam Phi trở thành quốc gia có tổng số ca nhiễm cao nhất tại châu Phi; trong khi đó Maroc ghi nhận thêm 281 ca nhiễm mới và trở thành quốc gia có tổng số ca nhiễm đứng thứ 3 tại châu lục này.
Theo số liệu thống kê, tốp 5 quốc gia có số cao nhiễm cao nhất tại châu Phi tính đến cuối ngày 17/4 và theo thứ tự gồm Ai Cập có tổng cộng 2.844 ca mắc COVID-19 và 205 ca tử vong; Nam Phi với 2.783 ca nhiễm mới và 50 ca tử vong; Maroc với 2.564 ca nhiễm mới và 135 ca tử vong; Algeria với 2.418 ca nhiễm và 364 ca tử vong (tăng 150 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua); và Cameroon với 996 ca nhiễm và 22 ca tử vong, vượt qua Tunisia (822 ca nhiễm và 37 ca tử vong) để trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 5 ở châu Phi.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)