* EU huy động hơn 900 triệu USD giúp ASEAN chống dịch COVID-19
Theo trang thống kê worldometers, tính đến 6 giờ sáng 22/7, thế giới đã ghi nhận 15.069.457 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19, trong đó có đến 618.252 trường hợp tử vong.
Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới với 4.023.947 trường hợp mắc COVID-19 khi có thêm 62.518 trường hợp nhiễm mới, và đã có đến 144.888 người tử vong.
Brazil đứng thứ 2 trong danh sách với 2.159.654 ca nhiễm và 81.487 ca tử vong, trong khi Ấn Độ xếp thứ 3 trong danh sách với 1.194.085 ca nhiễm.
Trước tình hình dịch bệnh, ngày 21/7, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cảnh báo sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chưa có dấu hiệu suy giảm ở châu Mỹ với sự xuất hiện ở các nước ở bờ biển Tây Bắc của châu lục cũng như gia tăng số ca nhiễm tại Bolivia, Ecuador, Colombia và Peru.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, bà Etienne cho biết một số nước ở khu vực Trung Mỹ đang ghi nhận số ca nhiễm mới trong tuần cao nhất kể từ đầu dịch đến nay.
Trong tuần vừa qua, châu Mỹ đã ghi nhận thêm 900.000 ca bệnh mới, trong đó có gần 22.000 trường hợp tử vong, và hầu hết tập trung tại 3 nước Brazil, Mexico và Mỹ.
Trong khi đó, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết tỉ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng gấp 3 lần kể từ khi nới lỏng phong tỏa được 3 tuần nay. Nhà chức trách đang nỗ lực kiềm chế tốc độ lây lan ở các ổ dịch mới, chủ yếu tại vùng Catalonia và Aragon.
Tại nước này, theo số liệu thống kê của ngành khách sạn và ăn uống, có khoảng 40.000 nhà hàng, khách sạn và quán rượu tại Tây Ban Nha phải đóng cửa vĩnh viễn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến người lao động mất việc làm hoặc phải làm việc tại nhà.
* Theo phóng viên TTXVN tại ASEAN, ngày 21/7, Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã huy động gói hỗ trợ “Nhóm châu Âu” trị giá hơn 800 triệu euro (920 triệu USD) nhằm hỗ trợ các nước ASEAN chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo cách tiếp cận “Nhóm châu Âu”, EU kết hợp các nguồn lực của mình, của các quốc gia thành viên và của các tổ chức tài chính. Số tiền nói trên sẽ hỗ trợ các hành động ở cấp quốc gia và khu vực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng y tế trước mắt, tăng cường các hệ thống y tế, nước sạch và vệ sinh, cũng như giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội của dịch bệnh.
Trong một thông cáo, Đại sứ EU tại ASEAN, ông Igor Driesmans nhấn mạnh "Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có với những hậu quả nghiêm trọng ở cả EU và ASEAN. Với tinh thần hợp tác mạnh mẽ, dựa trên bốn thập kỷ đối tác giữa hai khu vực, EU đã huy động hơn 800 triệu euro của Nhóm châu Âu nhằm hỗ trợ ASEAN và các quốc gia thành viên của mình giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội của dịch COVID-19".
"Gói hỗ trợ này được triển khai thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như sự tăng cường hợp tác giữa các tổ chức khoa học. Tại các quốc gia thành viên ASEAN, gói hỗ trợ trên hướng tới xã hội dân sự, hỗ trợ phục hồi kinh tế, các cơ sở chăm sóc y tế và nâng cao năng lực xét nghiệm, cũng như viện trợ nhân đạo".
Theo Đại sứ Driesmans, EU đang hợp tác với ASEAN ở cấp độ khu vực nhằm trao đổi kinh nghiệm trong các phản ứng của khu vực đối với cuộc khủng hoảng COVID-19.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng EU - ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến hôm 20/3 vừa qua, hai bên đã nhất trí hợp tác nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 và các tác động của nó.
Trước đó, EU đã công bố gói hỗ trợ “Nhóm châu Âu” có tổng trị giá gần 36 tỉ euro nhằm hỗ trợ các nước đối tác trên toàn cầu. Mục tiêu của phương pháp tiếp cận này là huy động các nguồn lực từ EU, các quốc gia thành viên và các tổ chức tài chính, đặc biệt là Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu.
Ở cấp độ khu vực ASEAN, EU sẽ dành 20 triệu euro để hỗ trợ WHO tăng cường năng lực của các hệ thống y tế và ứng phó với dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh trong tương lai, và thúc đẩy sự hợp tác với các tổ chức khoa học của ASEAN được tài trợ thông qua Chương trình khung Nghiên cứu và Đổi mới đến năm 2020 của EU.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)